top-banner-2

Thứ tư, 18/07/2018, 10:33 GMT+7

Tranh cãi chuyện taxi công nghệ có nên gắn mào 'xe taxi'

Thứ tư, 18/07/2018, 10:33 GMT+7

Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông cho rằng trong thời đại áp dụng công nghệ 4.0 mà ta lại nhận dạng taxi qua mào thì là đang đi ngược lại xu thế. Ví dụ như xe Grab là kết quả của công nghệ, không thể bắt nó mặc áo của những taxi truyền thống.

taxi-cong-nghe-vanhoadoanhnhan

Liệu taxi điện tử có phải gắn mào? - Ảnh: Internet

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Dự thảo quy định rõ khái niệm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền (hoặc thông qua phần mềm) căn cứ vào số ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi.

Theo Bộ GTVT, việc bổ sung quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (gọi tắt là “taxi điện tử”) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ.

Theo đó, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "taxi điện tử" gắn cố định trên nóc xe.

Lý giải về quy định này, Bộ GTVT cho biết việc bổ sung các quy định này để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi điện tử. Đây là hoạt động chưa có quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải đang được thực hiện mạnh mẽ, đồng thời theo đề nghị của các hiệp hội taxi cần thiết phải có quy định để nhận diện và đồng nhất đối với các xe ứng dụng công nghệ có sức chứa dưới 9 chỗ.

Tuy nhiên, đề xuất gắn phù hiệu “xe taxi” và hộp đèn chữ “taxi điện tử” đã gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều của giới doanh nghiệp lẫn chuyên gia.

Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, một lái xe công nghệ cho biết đây là xe tư nhân, việc gắn biển đèn và dán phù hiệu gây bất tiện và mất đi tính thẩm mỹ.

“Không phải ai cũng chạy taxi chuyên nghiệp, nhiều anh em lái xe chỉ tham gia chạy thời gian rảnh. Vì thế mà việc gắn thêm biển đèn và phù hiệu là không cần thiết và có thể sẽ gây khó khăn cho cuộc sống và công việc chính của chúng tôi”, lái xe này cho hay.

Một số tài xế taxi Grab cũng chia sẻ có thể họ bỏ lái taxi nếu phải áp dụng quy định mới.

Cũng nói với Một Thế Giới, ông Bùi Danh Liên - chuyên gia giao thông cho rằng không thể dùng biện pháp để nhận dạng taxi công nghệ vì điều đó không có trong Luật Giao thông đường bộ.

Ông Liên cho biết việc gọi là taxi công nghệ hay taxi truyền thống chỉ là cách gọi cho dễ phân biệt chứ không hề có khái niệm taxi công nghệ hay taxi truyền thống trong luật. Nếu muốn nhận dạng taxi truyền thống hay taxi công nghệ thì trước tiên cần bổ sung thêm khái niệm vào luật.

“Trong thời đại áp dụng công nghệ 4.0 mà ta lại nhận dạng taxi qua mào thì là đang đi ngược lại xu thế. Xe Grab là kết quả của công nghệ, không thể bắt nó mặc áo của những taxi truyền thống”, ông Liên nói.

Theo chuyên gia này, việc bắt buộc xe Grab phải gắn mào thì sẽ làm phát sinh thêm các chi phí xã hội. Do các phương tiện này phải được quản lý bằng công nghệ chứ không thể quản lý như taxi thường và việc gắn hộp đèn trên nóc là không cần thiết.

“Grab là khai thác xe nhàn rỗi nên việc bắt lái xe gắn mào lên nóc là rất khó và nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ muốn có cảm giác như được đi xe riêng”, ông Liên nói.

Ông Liên cũng cho rằng việc gắn mào nhằm mục đích quản lý xe taxi, vậy xe taxi “dù” gắn mào vào thì thành xe taxi mà vẫn không phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng thì lúc này là lợi bất cập hại.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy lại đồng tình với việc gắn mào cho taxi. Theo ông Thủy, chức năng của taxi công nghệ và taxi truyền thống là tương tự nhau. Đó đều là taxi vận tải, gắn biển hiệu để dễ nhận biết và là việc để taxi công nghệ bình đẳng với taxi truyền thống.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đồng tình với việc Grab cũng phải gắn mào “taxi điện tử” để tạo sự cạnh tranh công bằng.

Tại một cuộc họp của Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận: “Mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và truyền thống bản chất là như nhau. Các điều kiện cũng phải tương đồng để đảm bảo tính công bằng. Taxi truyền thống cũng phải tăng cường công nghệ, phải thích nghi, nếu không cái cũ kỹ sẽ bị đào thải”.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, qua kinh nghiệm một số nước như Singapore không quản ứng dụng gọi xe Uber, Grab và vẫn tạo điều kiện taxi truyền thống nhưng có sự hỗ trợ về điều kiện kinh doanh đối với loại hình taxi truyền thống.

“Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đưa ra 5 loại hình vận tải gồm xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt, xe chạy tuyến cố định, xe du lịch nhưng về bản chất vẫn là vận tải hành khách. Tại Việt Nam, chỉ có xe buýt là được trợ giá do vận tải hành khách công cộng, có điều kiện kinh doanh cụ thể cho loại hình này. Còn các loại hình khác để cụ thể hóa ranh giới là điều cực kỳ khó khăn”, ông Thọ nói.

/Vì thế, Bộ GTVT đề nghị năm/ 2019 sửa Luật Giao thông đường bộ để tạo ra hành lang pháp lý để quản lý cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Theo Thu Hiền/Mottegioi.vn - 18/7/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/tranh-cai-chuyen-taxi-cong-nghe-co-nen-gan-mao-xe-taxi-92726.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tranh cãi chuyện taxi công nghệ có nên gắn mào 'xe taxi'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc