top-banner-2

Thứ hai, 01/11/2021, 10:00 GMT+7

Không nên vì 'Hà Nội đi trước về sau' mà để lại hậu quả lâu dài

Thứ hai, 01/11/2021, 10:00 GMT+7

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, rất cần nhiều điều kiện để Hà Nội có thể thực hiện được đề án thu phí ô tô vào nội đô, nếu không sẽ bị “vỡ”.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có thông tin chính thức về Đề án thu phí ô tô vào nội đô. Trong đó nhấn mạnh giải pháp thu phí đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông là cần thiết. Vậy, người dân và các chuyên gia giao thông nhìn nhận như thế nào về đề án này? 

Nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, Hà Nội chưa nên triển khai việc thu phí ô tô đi vào khu vực nội đô. Bởi, muốn giảm ùn tắc và hạn chế ô nhiễm môi trường, thành phố cần một giải pháp đồng bộ, chứ không đơn thuần, vội vàng là việc chặn xe, thu phí tại các vành đai xung quanh thành phố. Hà Nội vẫn còn những tồn tại, ngổn ngang với một số công trình, dự án giao thông  như đường sắt Cát Linh-Hà Đông; buýt nhanh BRT, đặt giải phân cách cứng tại nhiều tuyến đường - vừa vận hành đã thất bại… Đó là chưa kể đến những bất cập trong quy hoạch, quản lý đô thị, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 10% (bằng một nửa so với yêu cầu), chung cư cao tầng "chất đống" bên nhiều tuyến đường thành phố.

khong-nen-vi-ha-noi-di-truoc-ve-sau-ma-de-lai-hau-qua-lau-dai

(Ảnh minh họa)

"Để hạn chế tắc đường, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp, nhất là việc lấn chiếm lòng đường, chuyển nhà máy xí nghiệp ra ngoại ô. Những cái đó nói nhiều mà đâu làm được"- Ông Trần Văn Xuyên, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, nêu ý kiến. 

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, rất cần nhiều điều kiện để Hà Nội có thể thực hiện được đề án thu phí ô tô vào nội đô, nếu không sẽ bị “vỡ”. Tương lai của Hà Nội là thành phố văn minh, hiện đại, áp dụng kỹ thuật số, giải pháp vận tải thông minh để điều hành. Vì vậy, không thể thực hiện phương pháp thủ công. Đây là vấn đề xã hội, chứ không đơn thuần là việc số tiền thu được bao nhiêu?  Hà Nội đã có rất nhiều bài học về các dự án, đề án giao thông nên không vì thế hăng hái quá, vì “Hà Nội đi trước về sau” mà để lại hậu quả lâu dài.

"Bây giờ Hà Nội thực hiện thu phí chống ùn tắc và hiện nay các tỉnh khác như Thanh Hoá, Nghệ An cũng ùn tắc thì họ cũng làm thì sao. Để nói rằng, thu phí này không phải của một địa phương nữa mà mang tính chất cả nước. Vì vậy, phải được Quốc hội thông qua mức phí, lệ phí, kèm theo là sử dựng phí đó như thế nào"- ông Bùi Danh Liên nêu quan điểm. 

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021. Từ năm 2022-2023 hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Năm 2024, trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm và tổ chức thực hiện sau khi Hội đồng nhân dân thành phố quyết định trong năm 2024.

theo Huy Nam / VOV.VN - 01/11/2021

link nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/khong-nen-vi-ha-noi-di-truoc-ve-sau-ma-de-lai-hau-qua-lau-dai-901809.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Không nên vì 'Hà Nội đi trước về sau' mà để lại hậu quả lâu dài

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc