top-banner-2

Thứ năm, 07/11/2024, 09:42 GMT+7

Lá trầu không có chữa được bệnh trào ngược dạ dày?

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 07/11/2024, 09:42 GMT+7

Lá trầu không có chữa được bệnh trào ngược dạ dày không là băn khoăn của rất nhiều người, hãy cùng xem giải đáp trong bài viết dưới đây.

Thành phần hoá học của lá trầu không

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cây trầu không chứa thành phần hóa học đa dạng, gồm:

- Tinh dầu thơm; Betel-phenol; Chavicol; Eugenol; Methyl eugenol; Allylcatechol;

- Cadinen; Tanin; Axit amin; Vitamin; p-cymen; Chavibetol

- Trong lá trầu không có 0,8-1,8%, có khi đến 2,4% tinh dầu tỷ trọng 0,958-1,057 thơm mùi creozot (củi đốt), vị nóng. Trong tinh dầu người ta xác định có hai chất phenol là betel-phenol (đồng phân với chất eugenol chavibetol C10H12O2 và chavicol), kèm theo một số hợp chất phenolic khác.

Tác dụng dược lý của trầu không: Cao chiết lá và tinh dầu trầu không có hoạt tính ức chế một số chủng vi khuẩn (in-vitro) như tụ cầu vàng, phế cầu, Staphylococcus albus, Bacillus subtilis, liên cầu tan máu, Escherichia coli, Salmonella typhi, và các chủng nấm Candida albicans, C. stellatoides, Aspergillus niger. Hoạt tính diệt nấm có thể so sánh với resorenilol.

Theo Y học cổ truyền, trầu không vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị. Chúng tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.

Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu trầu không dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc đắp, thuốc súc miệng. Lá trầu không có trong thành phần của chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ cùng với một số dược liệu khác dùng để trị hen suyễn.

Lá trầu không có chữa được bệnh trào ngược dạ dày?

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSNT Phan Bích Hằng - khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một tình trạng phổ biến hiện nay. Bệnh xảy ra khi acid từ dạ dày ngược lên thực quản, gây các triệu chứng khó chịu như ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị và đôi khi buồn nôn.

la-trau-khong-co-chua-duoc-benh-trao-nguoc-da-day

Lá trầu không có chữa được bệnh trào ngược dạ dày là vấn đề được nhiều người quan tâm

Bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc, đặc biệt khi các triệu chứng xảy ra thường xuyên.

Các giải pháp điều trị hiện nay bao gồm dùng thuốc kháng acid, thuốc trung hòa acid dạ dày, thay đổi chế độ ăn và lối sống.

Trong đó, nước lá trầu không gần đây được nhiều người quan tâm, tìm hiểu như một phương pháp có thể làm dịu triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Lá trầu không là loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Lá trầu chứa các hợp chất như flavonoid, tanin, các loại tinh dầu tự nhiên như chavicol, eugenol, đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa mạnh.

Trong y học cổ truyền, lá trầu không vị cay, tính ấm, thường được sử dụng để điều trị một số vấn đề về tiêu hóa, giảm đau và thậm chí là làm lành tổn thương.

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu quy mô lớn để khẳng định lợi ích của lá trầu không trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhưng một số tác dụng của nó đã được ghi nhận để hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh.

Trong lá trầu chứa hợp chất eugenol, một chất kháng viêm và kháng khuẩn mạnh. Với tính chất này, lá trầu không có tác dụng giảm viêm niêm mạc dạ dày, thực quản do acid dạ dày gây ra.

Bên cạnh đó, các tinh dầu tự nhiên trong lá trầu không có khả năng kích thích tiêu hóa bằng cách tăng cường tiết dịch tiêu hóa, giảm đầy hơi. Điều này giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, từ đó giảm áp lực ở dạ dày, giảm nguy cơ trào ngược acid lên thực quản.

Các hợp chất polyphenol trong lá trầu không có tính chất kháng khuẩn mạnh, giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại trong dạ dày, từ đó làm giảm nguy cơ và các triệu chứng của bệnh.

Cách sử dụng lá trầu không hỗ trợ trị trào ngược dạ dày thực quản

BSNT Phan Bích Hằng hướng dẫn cách sử dụng lá trầu không để tận dụng tối đa lợi ích mà không gây ra tác dụng phụ trong hỗ trợ điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản như sau:

Cách 1: Uống nước lá trầu không

- Nguyên liệu: 5-7 lá trầu không tươi, 200ml nước lọc.

- Cách thực hiện:

+ Rửa sạch lá trầu không với nước muối để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất.

+ Đun sôi khoảng 200 ml nước, sau đó thả lá trầu vào, đun nhỏ lửa trong 10-15 phút để các tinh chất trong lá hòa tan vào nước.

+ Chắt nước ra, để nguội, uống khoảng 200ml sau bữa ăn.

Lưu ý: Uống nước lá trầu không 1-2 lần mỗi ngày, sau bữa ăn. Tránh uống quá nhiều vì có thể gây kích ứng dạ dày.

Cách 2: Nhai lá trầu không

Mỗi ngày lấy một lá trầu không, ngắt cuống và đầu nhọn đi, cho tí muối nhai nuốt cả bã lẫn nước (trước hay sau khi ăn đều được).

Nếu bệnh nặng có thể ăn 3 lá một ngày: Sáng- trưa - tối, mỗi buổi một lá.

Khi nhai nên cố gắng nuốt nước chắt từ lá và nhai cho đến khi bã trầu không đã khô nước, rồi bỏ bã trầu không đi.

Cách dùng này rất đơn giản, tiết kiệm thời gian, tuy nhiên thường không thích hợp cho mọi loại đối tượng, bởi vì lá trầu không thường có vị cay rất khó nhai và nuốt.

Lưu ý: Lá trầu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày nếu sử dụng quá nhiều. Chỉ nên tiêu thụ một lượng nhỏ và không tiêu thụ liên tục trong thời gian dài. Một số người có thể dị ứng với lá trầu không. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào như nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở hãy ngưng sử dụng ngay.

(nguồn: vtcnews.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lá trầu không có chữa được bệnh trào ngược dạ dày?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc