top-banner-2

Thứ ba, 18/10/2016, 09:51 GMT+7

Hiểu thế nào cho đúng về hàm lượng thạch tín trong nước mắm

Viết bởi An An   
Thứ ba, 18/10/2016, 09:51 GMT+7

Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa lấy 150 mẫu nước mắm đóng chai ở 10 tỉnh thành để lấy mẫu khảo sát đánh giá, trong đó có lấy 1 mẫu của Thái Lan trong đó có khoảng 67% mẫu (101/150 mẫu) không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế.

1-lam-nuoc-mam

Nước mắm truyền thống luôn được cho giàu độ đạm

Hiểu đúng về hàm lượng arsen trong nước mắm

Tại buổi công bố kết quả chiều 17/10, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Chúng tôi lấy 20 mẫu gửi hai phòng thử nghiệm hàm lượng arsen vô cơ có hay không, tuy nhiên chúng tôi không phát hiện thấy. Người tiêu dùng không quá lo ngại arsen vượt ngưỡng bởi đó là arsen hữu cơ, khi vượt ngưỡng vẫn an toàn".

Theo phân tích của giới khoa học, arsen hữu cơ có trong cá, cua, nghêu sò… nên người tiêu dùng ăn trực tiếp vẫn an toàn. Còn nếu nói arsen hữu cơ có hại thì khác nào bảo người tiêu dùng phải tẩy chay hải sản.

Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia khoa học đã có bài phân tích về tác hại của Arsen vô cơ và hữu cơ. Ông cho biết arsen (thạch tín) có trong tự nhiên đất đai, sông biển, không khí nên hầu như thực phẩm nào cũng có chứa arsen chỉ có chứa ít hay nhiều và ở các dạng khác nhau. Ông cũng cho rằng arsen vô cơ độc hơn arsen hữu cơ.

Chuyên gia Vũ Thế Thành cho biết, arsen có nhiều trong hải sản và là arsen vô hại. Nước mắm làm từ cá nên chắc chắn có arsen nhưng đa số là arsen hữu cơ ở dạng Arsenobetaine không độc hại.

Trả lời phóng viên NDH có ý kiến gì về kết quả mới được công bố bởi Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng về hàm lượng arsen có trong nước mắm, ông Vũ Thế Thành cho hay chưa có bình luận gì. Đồng thời ông cho biết trong vài ngày tới sẽ có bài viết khoa học công bố chi tiết hơn về arsen và arsen trong nước mắm.

Doanh nghiệp sản xuất nước mắm cần minh bạch thông tin

Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu Việt Nam cho biết đây là kết quả hoàn toàn ngoài mong đợi. Ông cho biết, thành phần chủ yếu của nước mắm từ xưa đến nay là cá và muối, tuy nhiên khoa học ngành càng tiến bộ thành phần phải thay đổi theo xu hướng tiêu dùng nhưng phải công bố rõ cho người tiêu dùng biết, an toàn cho người tiêu dùng.

“Chúng ta làm thế nào để nước mắm Việt ngày càng ngon hơn, không phải làm cho nước mắm hỏng đi. Các doanh nghiệp phải chú ý đến quy chuẩn và phải theo quy chuẩn”, ông Diện cho hay.

Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị các cơ quan Chính phủ và cơ quan quản lý các cấp nghiên cứu để sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm đang sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước, cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn nước mắm và công bố kết quả kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất và góp phần bảo tồn đặc sản nước mắm của Việt Nam. Đồng thời có biện pháp tăng cường quản lý việc công bố thông tin trên nhãn mác sản phẩm của doanh nghiệp.

Hội cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm nước mắm như phương pháp chế biến, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, dung lượng và các nội dung khác một cách chính xác và trung thực, đảm bảo VSATTP cho sản phẩm nước mắm từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng.

Theo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức để lựa chọn các sản phẩm an toàn.

Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu khảo sát nội dung ghi nhãn và các nhóm chỉ tiêu hóa học về (1) thành phần cấu tạo, an toàn thực phẩm của nước mắm gồm thành phần hóa học (nitơ toàn phần, nitơ axit amin và nitơ ammoniac), (2) Hàm lượng kim loại nặng (Arsen hay còn gọi thạch tín), (3) hàm lượng muối.

Tổng số lượng mẫu khảo sát là 150 mẫu nước mắm thành phần đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/L đến 60 g/L (10 đến 60 độ đạm) của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.

Theo nội dung ghi trên nhãn, các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành trên toàn quốc gồm: Hà Nôi, Thái Bình, Hải phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Long An, Phú Thọ, Nam Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, TPHCM và 1 mẫu của Thái Lan.

Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết việc đánh giá chất lượng an toàn nước mắm được thực hiện bằng cách gửi thử nghiệm mẫu tại các phòng thử nghiệm được lựa chọn và tiến hành đánh giá sự phù hợp với các quy định trong TCVN 5107 năm 2003, QCVN 8-2 năm 2011 và CODEX STAN 302 năm 2011.

Kết quả khảo sát cho thấy, 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất một chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học được khảo sát nêu trên không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa.

Trong đó 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên hàng hóa, 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axit amin, 2% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ ammoniac, có tới gần 15% số mẫu có độ chênh lệch so với nhãn mác trên 40%.

Đồng thời, có khoảng 67% mẫu (101/150 mẫu) không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Theo quy định QCVN 8-2 năm 2011 của Bộ Y tế, hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước mắm tối đa là 1,0mg/L.

Trong đó hàm lượng arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0mg/L đến 5mg/L. Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định. Tuy nhiên, khi thử 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đềukhông phát hiện arsen vô cơ(với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L).

Theo Tri Thức Trẻ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hiểu thế nào cho đúng về hàm lượng thạch tín trong nước mắm

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc