top-banner-2

Thứ hai, 19/11/2012, 15:19 GMT+7

Nâng mức bồi thường đất nông nghiệp cho nông dân

Thứ hai, 19/11/2012, 15:19 GMT+7

 Đó là kêu gọi của đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh - phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng - tại thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trong phiên họp Quốc hội sáng 19-11.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị nâng mức bồi thường đất nông nghiệp cho nông dân - Ảnh: Việt Dũng

ĐB Vinh cho rằng thực tế những năm qua, vì mục đích phát triển kinh tế đã thu hồi quá nhiều đất đai, song một số dự án lại để hoang, lãng phí trong khi nông dân không có đất canh tác. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong cuộc sống, gây bức xúc trong nhân dân và là nguyên nhân của các khiếu kiện.

ĐB Vinh dẫn chứng một gia đình có 4 nhân khẩu sống chung trong một căn nhà gắn với mảnh đất 50m2. Khi Nhà nước thu hồi đất gia đình này được bồi thường khoảng 400 triệu đồng và được bố trí một suất tái định cư 100m2. Tuy nhiên, họ phải nộp thêm 300 triệu đồng. Vậy họ sẽ lấy đâu ra tiền để xây nhà? Họ phải lựa chọn hoặc vay tiền xây nhà, hoặc phải “bán lúa non” để mua một mảnh đất khác phù hợp với túi tiền và thu nhập. “Điều này vô hình trung đẩy họ vào tình trạng bần cùng hóa, cuộc sống khó khăn hơn trước gấp nhiều lần” - ĐB Vinh nói.

Dự thảo luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”. Sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Đối với dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án.

Trong khi đó, phân tích quy định của dự thảo về “người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống”, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông - cho rằng từ “xem xét” trong điều luật này đặt không đúng chỗ. Theo bà Hạnh, trước đây người dân được giao đất, hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nay vì quy hoạch sử dụng lại quỹ đất đó, người dân bị đặt vào tình thế phải được xem xét hỗ trợ khi bị thu hồi đất.   

Tờ trình của Chính phủ cho biết quá trình xây dựng dự án luật, ý kiến của thành viên Chính phủ nhất trí với các nội dung của dự án luật. Nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề, trong đó có nội dung cơ chế thu hồi đất.

Chính phủ cho rằng việc quy định như dự thảo luật sẽ góp phần tăng nguồn thu từ đất, đảm bảo tính ổn định của pháp luật, giảm khiếu kiện về đất đai và giảm tải cho các cơ quan nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư tự nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhằm tránh việc tạo ra chênh lệch giá dẫn đến khiếu kiện về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất.

Tại báo cáo thẩm tra dự thảo luật nói trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh đa số ý kiến tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt, và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Song có những ý kiến lưu ý cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nếu thu hồi đất theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm. Đề nghị đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi... thì căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí.

Một số ý kiến tán thành quy định các dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư. Có ý kiến đề nghị không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án vì phát sinh chênh lệch giá đền bù dẫn đến so bì và dễ xảy ra khiếu kiện trong nhân dân.

Bình luận về dự thảo Luật đất đai sửa đổi, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng dự thảo đã có nhiều cố gắng để hoàn thiện mà thực tiễn đang đòi hỏi. Tuy nhiên, đối chiếu với mục đích sửa đổi và nội dung dự kiến sửa đổi thì còn khoảng cách rất lớn.

Cũng theo ĐB Nam, những gì có thể quy định cụ thể được thì quy định cụ thể luôn, không chờ Chính phủ quy định. ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho biết theo dự thảo luật có 71/169 điều, khoản cần phải có văn bản hướng dẫn.

QUỐC THANH

(Theo tuoitre.vn)

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nâng mức bồi thường đất nông nghiệp cho nông dân

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc