top-banner-2

Thứ ba, 02/04/2013, 11:10 GMT+7

Dự án vi phạm: Tịch thu + bồi thường (?!)

Thứ ba, 02/04/2013, 11:10 GMT+7

Bên cạnh điểm nổi bật là khả năng tiếp cận thị trường, các chuyên gia, nhà quản lý còn nêu lên những mặt hạn chế, đóng góp ý kiến thẳng thắn cho Dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

Ảnh minh họa

Hội nghị góp ý Luật đất đai sửa đổi được Hà Nội tổ chức vào chiều 29/3, với sự tham gia đóng góp của đông đảo giới chuyên gia, nhà quản lý và nguyên là quản lý trong lĩnh vực đất đai. Trong đó nhiều ý kiến đề cập đến những hành vi xử phạt. Nhiều ý kiến đồng tình trong việc cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt, không chỉ tịch thu đất mà còn phải yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường.  

GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch các hội liên hiệp khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, Luật đất đai sửa đổi liên quan đến nhiều luật khác, vì thế cần phải chỉ rõ mỗi quan hệ giữa các luật có liên quan. GS Hoan cũng nhấn mạnh đến vấn đề xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sử dụng đất. “Để đảm bảo quy hoạch được thực hiện, các cấp phải nghiêm túc thực hiện. Đặc biệt phải có kế hoạch xử lý các chủ đầu tư thực hiện sai quy hoạch, hoặc để quy hoạch treo”.

Để tạo nên sự công bằng khi thu hồi đất, GS Hoan đề nghị cần thực hiện theo hướng nhà nước trưng mua, trưng thu. Bên cạnh đó giá đất, khung giá đất cần được thống nhất trong toàn quốc.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, đơn vị soạn thảo Luật đất đai sửa đổi nên nhìn lại cả quá trình tiến hóa trong việc biên soạn, sửa luật đất đai, để sửa luật sao cho phù hợp với tình hình mới.

Luật đất đai sửa đổi đã tiệm cận được yêu cầu đổi mới, nhưng ông Nghiêm cũng phản ánh những tồn tại cần khắc phục. Ngay trong bố cục dự thảo cũng chưa hợp lý, còn trùng lặp, không đúng mục tiêu từng điều. Ông dẫn dụ điều 91, điều 106 đề cập đến việc phát triển quỹ đất, nhưng lại gắn với tài chính về đất. Điều này hoàn toàn không hợp lý, cần xem lại bố trí các điều.

Ông Nghiêm cho rằng, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa được sàng lọc, đưa vào Luật sửa đổi. Đơn cử điều 193 trong dự thảo không hề đưa ra quy định nào trong việc xử lý người không bảo vệ môi trường khi sử dụng đất đai.

Để hoàn thiện dự thảo, ông Nghiêm kiến nghị ban soạn thảo cần xem xét, phân loại chức năng sử dụng đất mà những vấn đề bất cập nảy sinh. Ngoài ra Luật đất đai sửa đổi cũng không nên phân ra quá nhiều loại đất. Chẳng hạn nhóm đất phi nông nghiệp chia thành 11 loại, nhưng khi xác định chế độ đất lại chia ra làm 20 loại. Hay đối với phân nhóm BĐS, xây dựng cũng chia ra 3 nhóm với 25 loại đất…

Sự khác biệt này sẽ gây khó khăn khi phê duyệt dự án, trả tiền đền bù. “Vậy có nên cụ thể thế quá không, hay chỉ dừng lại ở việc phân nhóm thôi? Tôi cho rằng chỉ nên dừng lại ở phân nhóm, còn cụ thể thế nào nên giao cho Chính phủ và các bộ ngành liên quan”.

Một lĩnh vực khác cũng cần phải làm rõ hơn là địa giới hành chính. Dự thảo quy định 6 nội dung điều tra cơ bản và giao cho cấp phường thực hiện. Tuy nhiên ông Nghiêm cho rằng, việc làm này phải giao cho cấp quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố. Vì cấp phường có rất ít cán bộ địa chính sẽ không làm được.

Phân tích về việc thu hồi đất và giá đất, ông Đỗ Hoàng Ân, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, giá đất cần mạnh dạn giao cho chính quyền địa phương quy định. Khi phân loại đất, cần rà soát lại các luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật QHĐT, để không tạo khoảng trống giữa các luật. Ông Ân đề nghị Luật sửa đổi cần bổ sung quy định về những vi phạm quy hoạch, sử dụng đất chưa có quy hoạch, hoặc đã, đang điều chỉnh.

“Nếu dự án vi phạm thì cần đưa ra mức độ xử lý cho phù hợp, không nên quy định chung chung, mặt khác lại chỉ quy định tịch thu đất sai phạm mà không phải bồi thường. Các trường hợp vi phạm đối với nhà ở cá nhân khác, công trình hỗn hợp khác, khu công nghiệp khác… tùy mức độ phải có những hình thức xử lý vi phạm rất cụ thể”.

Ngoài ra ông Ân cũng đề nghị Luật sửa đổi cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai. “Chúng ta đã mất nhiều công phu cải cách hành chính nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn còn nhiều bức xúc. Nhiều trường hợp từ khi giao đất đến khi hoàn thiện thủ tục trong hai ba năm mà vẫn chưa xong. Thậm chí nhà xây xong rồi, ở rồi nhưng hồ sơ thủ tục vẫn nằm đấy. Luật sửa đổi lần này cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, các sở ngành liên quan, góp phần loại bỏ các thủ tục chồng chéo, phiền hà không cần thiết”.

Cùng tham gia về giá đất, Trưởng ban kinh tế ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Nam, cũng đồng tình với quan điểm giao cho chính quyền địa phương quy định về khung giá đất. Qua đó mỗi tỉnh thành sẽ quy định chi tiết cho từng địa bàn, như vậy sẽ không còn băn khoăn về việc đất giáp ranh.

Theo Infonet

 

 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Dự án vi phạm: Tịch thu + bồi thường (?!)

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc