top-banner-2

Thứ tư, 09/07/2014, 13:30 GMT+7

Kinh tế khó khăn, đại gia 'ngậm ngùi' từ bỏ đam mê & thú vui

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ tư, 09/07/2014, 13:30 GMT+7

Nhiều đại gia từng nung nấu ý tưởng biến sở thích thành mảng kinh doanh kiếm ra tiền, nhưng rồi kinh tế khó khăn khiến họ sớm từ bỏ, thậm chí phải bán cả những thứ yêu thích để trả nợ.

Golf

Vốn là người đam mê bộ môn golf và giành giải trong nhiều cuộc thi đấu, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Công ty Địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal) nung nấu ý định hiện thực hóa sở thích này trong hoạt động kinh doanh. Năm 2007, Sacomreal lên kế hoạch thành lập Công ty Quản lý và Kinh doanh sân Golf vốn 50 tỷ đồng, sau đó đổi tên thành Công ty Quản lý và Kinh doanh sân Golf thương tín Đà Lạt năm 2010. Ở thời điểm bất động sản đang phát triển, đây có thể coi là chiến lược giúp doanh nghiệp gia tăng thế mạnh trong phân khúc du lịch - nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng.

thu-vui-dai-gia-1

Ông Đặng Hồng Anh vừa chính thức xóa sổ công ty golf thuộc sở hữu của Sacomreal.

Tuy nhiên, bước sang năm 2011, khi kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng rõ rệt từ suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bất động sản đóng băng, hoạt động kinh doanh của Sacomreal theo đó cũng đi xuống. Lợi nhuận năm 2011 của công ty chỉ còn hơn 16 tỷ đồng, giảm 95% so với năm trước. Trong hoàn cảnh này, ông Đặng Hồng Anh buộc phải tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, xác định lại các dự án chiến lược, cơ cấu nguồn vốn nhằm cải thiện và tiết giảm chi phí triệt để nhất.

Lĩnh vực golf là một trong những lĩnh vực đầu tiên bị đưa vào tầm ngắm. Báo cáo thường niên năm 2012 cho hay, Công ty đang tiến hành thủ tục giải thể đơn vị này. Đầu tháng 7/2014, quyết định giải thể Công ty Kinh doanh sân Golf thương tín Đà Lạt chính thức được thông báo tới các cổ đông. Sacomreal cho hay, công ty golf chưa thực sự đi vào hoạt động và ký kết bất kỳ hợp đồng lao động chính thức nào. Các khoản nợ thuế cũng đã được công ty hoàn tất vào cuối tháng 5.

Máy bay

Từng một thời gây xôn xao thị trường với "giấc mơ bay" và câu nói “Tôi tuổi Rồng nên chỉ thích bay", doanh nhân Hà Hùng Dũng (hay còn được biết đến là nhạc sĩ Hà Dũng) đã chịu thất bại lớn trong thương vụ Indochina Airlines. Ấp ủ kế hoạch mười mấy năm, năm 2008, ông trở thành ông chủ của Indochina Airlines - hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép bay. Song, chỉ sau một thời gian ngắn, khủng hoảng kinh tế cộng thêm lượng khách đi lại sụt giảm khiến hãng hàng không thua lỗ, nợ nần và không thể tiếp tục cất cánh. 

thu-vui-dai-gia-2

Nhạc sĩ Hà Dũng đã phải từ bỏ giấc mơ bay do thua lỗ.

Đến năm 2011, "giấc mơ bay" của nhạc sĩ Hà Dũng gần như chấm dứt khi Bộ Giao thông Vận tải rút giấy phép của Indochina Airlines. Cùng năm, vị doanh nhân này còn vướng vào phiên tòa xét xử về tranh chấp kinh doanh thương mại khi Ngân hàng Á Châu (ACB) đòi khoản tiền trị giá hơn 1,3 triệu USD đã cho Công ty cổ phần Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) vay.

Bóng đá

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, bóng đá ngoài là niềm đam mê còn trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền với những câu lạc bộ nổi tiếng mang về hàng trăm triệu đôla Mỹ lợi nhuận mỗi năm cho các ông chủ sở hữu. Ở Việt Nam, nhiều chủ doanh nghiệp cũng lấn sân sang lĩnh vực "thể thao vua" này như Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long hay Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành - Nguyễn Đức Thụy..., và tuyên ngôn được các ông Bầu này đưa ra là đến với bóng đá bằng sự đam mê.

thu-vui-dai-gia-3

Ông Trần Đình Long (phải) một thời thường xuất hiện trên khán đài những trận có câu lạc bộ Hòa Phát Hà Nội tham gia. Ảnh: Kiến thức

Tuy nhiên, đầu tư vào bóng đá cũng đòi hỏi những khoản chi phí khổng lồ, khó thu hồi trong thời gian ngắn. Từng là chủ sở hữu của câu lạc bộ Hòa Phát Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho hay đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng đội bóng, khu liên hợp thể thao và các trang thiết bị máy móc..., nhưng sau 8 năm (năm 2011), "đam mê" này đã phải từ bỏ và phải chuyển nhượng cho cá nhân khác. Nhiều lý do được đưa ra, có thể xuất phát từ câu chuyện nội tại của làng bóng đá còn nhiều yếu kém, song cũng có ý kiến cho rằng không ngoại trừ việc kinh tế đang khó khăn, các ông chủ câu lạc bộ đã "oải" bởi kinh phí đầu tư cho bóng đá quá lớn mà lợi nhuận chưa thu về được.

Tiếp bước Hòa Phát, lần lượt trong 2 năm 2012, 2013, hai đội bóng là Navibank Sài Gòn và Sài Gòn Xuân Thành từng một thời gây sốc khi các ông chủ bỏ ra hàng triệu USD mua sắm cầu thủ, khuếch trương thương hiệu cũng đã phải rời bỏ cuộc chơi một cách cay đắng.

Xe sang

Đầu năm 2012, gia đình đại gia thủy sản miền Tây - bà Phạm Thị Diệu Hiền đứng trước biến cố lớn khi Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) do bà làm Chủ tịch đứng trước nguy cơ phá sản do nợ tiền nông dân, ngân hàng hơn 300 tỷ đồng và nhiều khoản chưa thống kê hết.

thu-vui-dai-gia-4

Chiếc xe Rolls-Royce Phantom của bà Diệu Hiền từng được lên báo nước ngoài.

Thay vợ chèo lái doanh nghiệp trong cơn biến cố, ông Trần Văn Trí cho biết phải tính đến phương án bán nhà máy chế biến thủy sản và chiếc xe Rolls-Royce Phantom trị giá hàng chục tỷ đồng cùng hai dự án nhà đất mà công ty đang đầu tư để sớm trả nợ dứt điểm. Trước đó, truyền thông đưa tin để mua được chiếc xe sang, nữ đại gia phải bán đi 2 căn nhà. Chiếc xe biển tứ quý 3333 này cũng được bà Diệu Hiền sử dụng để đón các triệu phú, đối tác khi họ sang đàm phán làm ăn. Đến nay, Bianfishco đã vượt qua thời kỳ khốn khố, song vẫn chưa có thông tin cuối cùng về số phận của chiếc xe Rolls-Royce Phantom này.

Theo DNSG

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Kinh tế khó khăn, đại gia 'ngậm ngùi' từ bỏ đam mê & thú vui

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc