top-banner-2

Thứ tư, 06/04/2016, 09:32 GMT+7

Luật Báo chí có nhiều điểm mới

Viết bởi An An   
Thứ tư, 06/04/2016, 09:32 GMT+7

Luật Báo chí (sửa đổi) đã được Quốc hội (QH) thông qua ngày 5-4 với 89,47% đại biểu tán thành, gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Luật Báo chí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Bảo vệ người cung cấp thông tin

Điểm mới nhất của Luật Báo chí (sửa đổi) là quy định rõ hơn về quyền tự do báo chí của công dân. Điều 10 quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in.

Đối với trường hợp cấp thẻ nhà báo lần đầu, luật quy định phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trong khi quy định cũ là 3 năm.

Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cũng quy định nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng - thay vì để phục vụ cho việc điều tra, xét xử tội phạm “nghiêm trọng” như quy định cũ. Viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.

Luật Báo chí (sửa đổi) quy định nhà báo được liên lạc trực tiếp với người tham gia tố tụng. Trong ảnh: Lực lượng báo chí tác nghiệp tại một phiên tòaẢnh: Nguyễn Quyết

Luật Báo chí (sửa đổi) quy định nhà báo được liên lạc trực tiếp với người tham gia tố tụng. Trong ảnh: Lực lượng báo chí tác nghiệp tại một phiên tòaẢnh: Nguyễn Quyết

Ngoài ra, luật cũng đã bổ sung quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Cấm quy kết tội danh

Luật Báo chí (sửa đổi) cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật Báo chí (sửa đổi) bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học; bệnh viện từ cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên.

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Thường vụ QH, đã đọc báo cáo tiếp thu giải trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

 

Quyền tự do ngôn luận được hiến định

Báo cáo do bà Nguyễn Thanh Hải trình bày nêu rõ có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Luật Báo chí có nhiều điểm mới

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc