top-banner-2

Thứ bảy, 12/12/2015, 14:12 GMT+7

Xã hội Việt Nam có gì để khiến 'nhân tài' trở về?

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ bảy, 12/12/2015, 14:12 GMT+7

Sẽ không có ai quên được những ngày đầu đặt chân đến xứ người, dù cho đi vì mục đích gì thì câu hỏi nung nấu trong lòng của những người mới đến là: “Khi nào tôi sẽ trở về?”

Du học sinh là một đối tượng đặc biệt nếu so với những người nhập cư khác, họ ra đi không phải vì cuộc sống nơi quê nhà quá bức bách cũng không bởi những khúc ngoặt của chính trị. Vì vậy, mong muốn trở về của những sinh viên du học thường cũng lớn hơn những đối tượng khác. Tuy vậy, theo năm tháng đa số lại chọn con đường ở lại nơi quê người.

Năm 2009, khi mới vừa đặt chân đến Mỹ, sống tại tiểu bang Missouri, hai vợ chồng T. và N. không bao giờ nghĩ mình muốn ở lại đất nước này. Người chồng, T. đang là một kiến trúc sư tại Sài Gòn còn N. là giảng viên của đại học Bách Khoa.

Hãy nhìn xã hội Việt Nam trước khi muốn người tài trở về

Ảnh: Internet

Cả hai đến Mỹ để cùng đi học, T. học tiếp lên thạc sĩ còn N. lấy bằng tiến sĩ về kinh tế tại đại học Columbia (Missouri).

Đến Mỹ khi cả hai đã bước sang tuổi 30, những thói quen cũ ở quê nhà không dễ dàng bỏ được, cuộc sống tại bang miền trung nước Mỹ vốn lạnh lẽo và không đông đúc càng khiến họ nghĩ rằng mình sẽ trở về sau khi hoàn thành việc học.

Mọi chuyện thay đổi khi đứa con đầu lòng của cặp vợ chồng này ra đời. Giờ đây, cả hai quyết định chọn việc ở lại nước Mỹ để tiếp tục làm việc, dù đã có đôi lần cố quay trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội, nhưng không có cơ hội nào tốt hơn là nước Mỹ dành cho đứa con của họ.


Ảnh: Travel News Digest.

Ảnh: Travel News Digest.

C. lại là một trường hợp khác, gia đình C. có một doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu nông sản tại miền Tây. C. học xong và làm giấy tờ kết hôn với một cô gái Việt Nam sống ở California nhưng sau vài năm anh quyết định quay trở về Việt Nam làm việc cho gia đình.

Với C. đi làm chủ ở Việt Nam dù gặp nhiều trắc trở nhưng vẫn thoải mái hơn là làm thuê tại Mỹ với mức lương vừa đủ chi tiêu cho hai người. C. vừa đón đứa con đầu lòng, được sinh tại Mỹ, hằng năm anh bay qua Mỹ vài lần để thăm vợ con hoặc vợ đưa con trở về Việt Nam với anh.

Tuy quay về Việt Nam làm việc nhưng C. chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ đưa con mình về Việt Nam sống mà nuôi ý định sẽ quay trở lại Mỹ bởi những phúc lợi xã hội ở nơi này quá thuận lợi cho việc nuôi dạy con cái.

Không bao giờ có được câu trả lời cuối cùng cho việc một sinh viên du học nên hay không nên quay trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Việc chọn lựa quay về đôi khi chỉ đơn giản là muốn được sống bên cạnh gia đình sau những năm tháng xa nhà hoặc có thể bởi vì họ đã quen với môi trường làm việc tại Việt Nam với những thú vui đặc trưng.

Thậm chí, có người nuôi cho mình ước mơ lớn hơn đó là được góp phần thay đổi xã hội Việt Nam vốn còn tồn tại nhiều khuyết điểm. Tuy vậy, vẫn có người tìm được cuộc sống yên ổn và cơ hội làm việc ở nơi họ du học, để có thể sử dụng hết sở học của mình.

Nhân vật N. nhắc ở trên, đã từng quay về Việt Nam trong vài tháng, có hy vọng tìm một ngôi trường đại học phù hợp để giảng dạy nhưng cô nhận ra một người nghiên cứu không thể bị tách rời khỏi môi trường thuận lợi với những kiến thức mới được cập nhật liên tục.

Càng ngày càng có nhiều người có điều kiện quyết định đầu tư cho con cái họ được đi đến một đất nước tiến bộ hơn để học hành.

Lý do tiếp thu kiến thức mới tuy là chính yếu nhưng không thể nào phủ nhận rằng họ có mong muốn con cái mình được tiếp thu một tinh thần dân chủ trong mọi mặt đời sống, được trưởng thành trong một môi trường trong lành, mỗi sáng có thể hít thở trong mùi thơm của cỏ cây chứ không phải là mùi khói xăng ngập ngụa hoặc không phải lo lắng miếng thịt bò hay lá rau trong từng bữa cơm có tẩm hóa chất hay không!

Nếu có dịp ngồi giữa sân trường đại học nước Mỹ, nhìn những bạn sinh viên hồng hào khỏe mạnh sải những bước dài trong sân trường, tay cầm ly cà phê bốc khói có khi là chuyện phiếm nhưng có khi là tranh luận về một vấn đề học thuật hay xã hội nào đó… thì mới thấy được cái đẹp rạng ngời trên những gương mặt của một thế hệ tiếp nối, nền móng của một xã hội vững mạnh.

Chỉ lý do đó thôi cũng thôi thúc nhiều người chọn việc ở lại, đồng nghĩa với việc mỗi năm hoặc vài năm mới được gặp cha mẹ mình đôi lần.

Đây đó vẫn có suy nghĩ rằng nếu muốn thay đổi để xã hội tốt đẹp hơn thì nên trở về. Không ai dám nói rằng suy nghĩ đó là sai nhưng cũng không thể nói đó là đúng. Thế giới ngày hôm nay dường như không còn những biên giới hữu hạn để giam hãm con người và tri thức. Những đóng góp từ bên ngoài đôi khi thúc đẩy những đổi thay mạnh mẽ hơn là bên trong.

Việc ở lại mà đóng góp được hết sở học, tìm tòi được những điều mới mẻ cho nhân loại thì vẫn tốt hơn là trở về để rồi sống mòn mỏi trong một văn phòng nào đó của cơ quan nhà nước nào đó và phí hoài tài năng.

Cho nên, cuộc tranh luận những sinh viên du học nên về hay hoàn toàn không còn là câu chuyện cá nhân mà cần được nhìn trên một bình diện của xã hội, của giáo dục Việt Nam.

Tuy vậy, lựa chọn về hay ở luôn luôn là một chọn lựa cá nhân – điều phải được tôn trọng đúng như tinh thần tự do mà nhân loại này luôn luôn hướng đến, bất chấp đâu đó có những cản ngăn.

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xã hội Việt Nam có gì để khiến 'nhân tài' trở về?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc