top-banner-2

Thứ ba, 12/03/2013, 13:59 GMT+7

Cổ ngọc - Quý tộc đệ nhất

Thứ ba, 12/03/2013, 13:59 GMT+7

"Xưa, từng có những viên ngọc là khởi nguồn cho những cuộc chiến đẫm máu. Có những viên được đánh đổi bởi hàng chục tòa thành. Trong giới chơi cổ vật, cổ ngọc ở đẳng cấp số 1, ngoài giá trị tự thân, nó còn mang theo giá trị lịch sử."

 Ngọc từ xa xưa vốn đã hiếm quý. Từ thời cổ đại, ngọc đã trở thành biểu tượng của quyền lực, giàu sang, vẻ đẹp và sự cao quý. Ngoài ra ngọc còn được người đời tôn sùng bởi tác dụng và ý nghĩa thần bí. Không chỉ là vật quý hiếm, nhiều người còn cho rằng, ngọc ẩn chứa những công năng huyền bí. Chẳng biết những công năng kì dị ấy sự thật đến đâu, chỉ biết rằng có rất nhiều người đang mang sức lực lẫn của cải vào công cuộc săn tìm những viên ngọc cổ quý hiếm, một thú chơi quý tộc (!)

 Co ngoc

Nhiều người tiền tỷ dắt lưng nhưng cả đời loay hoay vẫn không tìm thấy một viên cổ ngọc thực sự. Vì rằng, cổ ngọc vốn hiếm, việc mua được cổ ngọc thực sự càng trở nên gian nan hơn bao giờ hết khi không chỉ ngày nay mà cả ở những thời đại trước đó, người ta đã làm giả các loại ngọc cổ để lừa những tay chơi dài vốn nhưng lại ngắn kinh nghiệm.


15 tòa thành đổi lấy một viên ngọc!

Đó là câu chuyện được chép trong nhiều bộ sử Trung Hoa, điển hình trong số đó là Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên. Nguyên viên ngọc Biện Hòa đã có một lịch sử bi tráng. Khoảng 300 năm trước Công nguyên, ở nước Sở, vào triều Lệ Vương, Biện Hòa là một thường dân may mắn có được một viên ngọc thô. Ông ta biết chắc đó là viên ngọc quý nên đi hiến cho vua để tỏ dạ trung thành. Lệ Vương nhìn thấy viên ngọc thô thiển bảo một tay thái giám mài thử xem thật giả. Tên thái giám sợ Biện Hòa có công dâng ngọc sẽ được sủng ái nên bảo là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt mất một chân.

Lệ Vương chết, Vũ Vương nối ngôi. Biện Hòa lại dâng ngọc. Viên quan lại tâu là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt nốt chân kia. Quá uất hận, Biện Hòa ôm viên ngọc, lao đầu vào tường toan tự tử. Vũ Vương ngăn lại, đích thân xem xét viên ngọc và nhận ra nó cực kỳ quý giá. Nhà vua hối hận nhưng máu Biện Hòa đã loang đỏ sân triều...

Một thời gian sau, ngọc Biện Hòa từ sở hữu của vua nước Sở rơi vào tay nước Triệu. Vua Chiêu Vương nước Tần nghe tin, sai người đưa thư cho vua Triệu, xin đem mười năm thành để đổi lấy viên ngọc bích. Thực chất của cuộc “đổi chác” ấy, là dùng uy nước lớn nạt nước nhỏ để đoạt báu vật. Triều thần nước Triệu trong đó có những nhân vật xuất chúng như Liêm Pha, Lạn Tương Như đã bàn với vua Triệu cách giữ ngọc quý. Sau đó, nếu không nhờ có dũng khí ngút trời của Lạn Tương Như, không những nước Triệu không giữ được ngọc mà một cuộc chiến xương chất đầy đồng có thể đã nổ ra...

Trên đây chỉ là một trong số vô vàn câu chuyện về ngọc được biết đến trong lịch sử. Từ xa xưa, ngọc với biểu tượng quyền lực và sự giàu có của giới quý tộc (vua chúa, vương tôn, công tử) khi được khảm trên vương miện, vương trượng, chuôi kiếm, yên ngựa và nữ trang của hoàng gia.

Người Ai Cập quan niệm rằng ngọc bích (ruby) là những giọt máu của Rồng. Người Trung Hoa, là một dân tộc sử dụng chữ tượng hình, chữ “quốc” (tức quốc gia), được tạo nên bởi bộ chữ “ngọc”. Nói như nhiều người, “ngọc” trong “quốc”, tức là trong quốc gia vật quý là ngọc. Người Việt cũng sử dụng đá quý từ nhiều ngàn năm trước. Trong những mộ táng thời Đông Sơn, có các vòng, khuyên tai và nhiều đồ trang sức khác.

Với những quốc gia phương Đông, đã có những thời gian, triều đình phong kiến cấm dân gian được sử dụng ngọc. Thậm chí, có những loại ngọc được quy định chỉ dùng trong hoàng thất. Chính vì lẽ đó, nhiều viên ngọc được sử dụng làm tín vật của vua chúa mà chỉ cần giơ ra là mọi người phải quỳ lạy.

Ngọc cũng đứng số một trong “tứ đại quý”, tức ngọc, ngà, châu, báu. Những đồ ngự dụng của vua, thường được chế tác bằng ngọc quý. Một trong những vật quan trọng nhất chúng ta thường nghe là “ngọc tỉ”, tức các loại ấn triện của nhà vua. Trong số đó, tối quan trọng là “ngọc tỉ truyền quốc” - vật quan trọng bậc nhất thể hiện quyền lực của vua chúa, nắm giữ sự an nguy của đất nước, là ấn triện được chế tác bằng ngọc.

Một nhân vật khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa cũng luôn được biết đến với những câu chuyện về ngọc là Từ Hy Thái hậu. Ngọc được coi là bí kíp giúp duy trì tuổi trẻ và sắc đẹp của bà. Sử sách Trung Hoa cũng ghi lại rằng, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, Từ Hy Thái hậu sử dụng những bộ ngọc khác nhau. Đó không chỉ là vật trang sức, mà còn được các quan ngự y cũng như tướng số xem sao cho loại ngọc nào đeo phù hợp với thời tiết từng ngày, cũng như từng công việc bà làm.

Những loại ngọc được cả người phương Đông lẫn phương Tây ưa chuộng là kim cương, ngọc bích, ngọc phỉ thúy, ngọc mắt mèo, ngọc mã não...

 Co Ngoc1

Cổ ngọc - quý tộc đệ nhất

Cổ vật vốn được xem là thú chơi quý tộc. Có nhiều cách phân biệt các dòng cổ vật. Về chất liệu, có thể chia cổ vật thành các dòng gốm, đá, đồng...; về đối tượng sử dụng, có thể chia thành đồ ngự dụng (vua và hoàng gia), đồ quan dụng (giới quý tộc nói chung), đồ thờ cúng và đồ dân dụng. Trong những dòng này, đương nhiên quý nhất là đồ ngự dụng.

Đồ ngự dụng luôn mang yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật ở một đẳng cấp rất cao. Nhưng đó chưa phải là yếu tố quyết định đến giá trị của nó. Càng quý báu hơn, nếu người ta sở hữu một món đồ nào đó, ví như bộ ấm chén mà nó từng được vua Càn Long, vua Khang Hy hay vương tôn hoàng tử từng sử dụng.

Ở Việt Nam, đồ nội phủ là một trong những dòng đồ cổ cực kỳ được ưa chuộng. Nguyên do những đồ sứ men lam này được các chúa nhà Trịnh đặt hàng làm bên những lò gốm danh tiếng tại Trung Hoa. Trên những món đồ đó thường ghi rõ nó được sử dụng trong phủ nào, thậm chí trong dịp nào. Vì thế, cầm những chiếc nậm rượu, những chiếc bát, người ta vẫn còn cảm thấy bóng dáng các ông hoàng bà chúa thuở nào.

Nhưng trong thang bậc đẳng cấp cổ vật, những ví dụ về đồ gốm ngự dụng kể trên, vẫn xếp sau ngọc cổ rất nhiều. Ngọc quý nên thường dân không thể mơ chạm vào, trong khi đó, ngược dòng lịch sử chút ít, đã có nhiều thời, triều đình cấm dân gian sử dụng ngọc, và có những loại ngọc chỉ hoàng gia được sử dụng. Bởi thế, nếu là một đồ ngọc cổ, thì gần như chắc chắn, nó chỉ xảy ra hai khả năng: hoặc thuộc về hoàng thất, hoặc thuộc về những gia đình trâm anh thế phiệt!

Một viên ngọc tự thân nó đã có giá trị. Những viên ruby chất lượng tốt có giá đến hàng trăm ngàn USD cho mỗi cara (1 gam quy đổi bằng 5 cara). Một viên ruby dùng làm mặt nhẫn có thể mang giá trị tương đương cả tòa biệt thự. Giả sử những viên ngọc ấy còn mang theo giá trị lịch sử, giá trị của nó còn có thể được nhân lên nhiều lần! Xét về giá trị tự thân, xét về tiêu chí đối tượng sử dụng, cổ ngọc không cho phép loại cổ vật nào xếp ở vị trí trên nó!

Co Ngoc 4

Trong điều kiện ngày xưa, để chế tác ra các sản phẩm ấy, một trong những phương pháp được biết đến nhiều nhất là dùng ngọc để mài ngọc. Để chế tác ra một sản phẩm hoàn hảo, một người thợ phải dành tâm huyết đến cả chục năm, thậm chí cả đời người!

Một trong những tiêu chí để phân biệt ngọc với các loại đá khác là độ cứng. Theo thang chia độ cứng, thì kim cương được lấy làm chuẩn, độ cứng của kim cương là 10, nếu so sánh sắt với kim cương thì chả khác nào so sánh bê tông với... bún. Độ cứng của sắt chỉ là 4, trong khi đó, các loại ngọc như ngọc bích, saphia đều là 9, kế đến là ngọc mắt mèo - 8,5, các loại thạch anh, mã não độ cứng đều lớn hơn 6.

Ngày nay, với vô số các loại máy móc hiện đại, chế tác ngọc vẫn được coi là một nghề đòi hỏi kỹ năng cực kỳ tinh xảo. Vậy người xưa chế tác các đồ dùng bằng ngọc thế nào? Cho đến giờ, rất nhiều đồ bằng ngọc quí được chế tác cầu kỳ từ xưa để lại. Điển hình trong số đó là những viên ngọc được chế tác thành những hình long, ly, quy, phượng, hay những bình, lọ trang trí... với những chi tiết cực kỳ phức tạp. Trong điều kiện ngày xưa, để chế tác ra các sản phẩm ấy, một trong những phương pháp được biết đến nhiều nhất là dùng ngọc để mài ngọc. Để chế tác ra một sản phẩm hoàn hảo, một người thợ phải dành tâm huyết đến cả chục năm, thậm chí cả đời người!

Những người am tường, còn trân quý cổ ngọc, vì nó là hiện thân của sự kiên trì, hiện thân của công sức lao động của những nghệ nhân xưa kia, những người ngày này qua tháng khác mài giũa để rồi cả đời có khi chỉ cho ra được vài sản phẩm.

 Co Ngoc 3

Thú chơi quý tộc của quý tộc

Nếu chơi cổ vật đã là thú chơi quý tộc thì phải nói rằng chơi ngọc cổ là thú chơi quý tộc của quý tộc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong các loại sưu tầm cổ vật, cổ ngọc luôn được giới săn đồ cổ xếp vào vị trí độc tôn. Cổ ngọc vốn cực kỳ quý hiếm nên cái giá của mỗi viên ngọc thực sự không phải là con số mà một người bình thường có thể nghĩ được. Không trường vốn, đủ gan thì đừng nghĩ đến việc chơi ngọc cổ, nói theo cách của các tay săn ngọc, nó là thú chơi không dành cho người nghèo.

Nhưng chơi cổ ngọc thì không phải có tiền là đủ. Có gặp được cổ ngọc hay không cũng phải tùy vào duyên phận chứ không thể dùng tiền bạc cưỡng cầu là được. Cổ ngọc vốn hiếm, việc mua được cổ ngọc thực sự càng trở nên gian nan hơn bao giờ hết khi không chỉ ngày nay mà cả ở những thời đại trước đó, người ta đã làm giả các loại ngọc cổ để lừa những tay chơi dài vốn nhưng lại ngắn kinh nghiệm.

Thế là người xưa đã làm giả cổ nhân, người nay lại theo người xưa mà làm giả, hai cái giả chất chồng khiến việc tìm cổ ngọc giống như đãi cát tìm vàng. Thậm chí, có khi đãi cả xe cát nhưng chẳng thu được nửa hạt bụi vàng. Có nhiều người tự xưng mình sưu tầm ngọc cổ, trong tay đã có đến hàng ngàn cổ ngọc đủ mọi thời đại khác nhau, nhưng hóa ra trong cả ngàn cổ ngọc ấy chẳng có cái nào là thật. Nhiều cái còn chẳng phải là ngọc chứ đừng nói là ngọc cổ. Cái thú chơi ngọc, săn ngọc quý tộc cũng là thế. Nó hấp dẫn quyến rũ và lãng mạn nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm và kén chọn người chơi. Cũng có lẽ vì lý do này mà việc săn tìm cổ ngọc mới đẻ ra nhiều chuyện bi hài đến vậy.

Bài: Minh Thúy

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cổ ngọc - Quý tộc đệ nhất

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc