Lễ Đôlta chờ đón hội đua bò |
Viết bởi Nhung |
Thứ bảy, 05/10/2013, 13:43 GMT+7 |
Ngày 4.10, Sene Đôlta - 1 trong 4 lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Khmer chính thức diễn ra. Nét đặc trưng được chờ đón nhất của lễ hội này là hội đua bò của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (An Giang). Lễ Đôlta – lễ báo hiếuSene Đôlta có nghĩa là cúng ông bà, còn gọi là lễ mừng tuổi, lễ tạ ơn. Anh Chau Tranh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Tri Tôn cho biết: “Mỗi năm, người Khmer lại tổ chức lễ Sene Đôlta để con cháu trong gia đình biết ơn ông bà đã dày công nuôi dưỡng, sinh thành. Lễ nghi này mang đậm nét văn hóa phi vật thể, ảnh hưởng tín ngưỡng triết lý Phật giáo của các dân tộc thuộc hệ văn minh lúa nước vùng Đông Nam Á”. Dàn nhạc ngũ âm của xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên (An Giang) đang tập luyện cho ngày lễ hội Đôlta. Năm nay, chính lễ Sene Đôlta rơi vào ngày 30.8 âm lịch (kết thúc vào ngày mùng 2.9 âm lịch). Ngay từ trước chính lễ khoảng nửa tháng, khắp các phum sóc vùng Bảy Núi đã chộn rộn không khí đón lễ. Chùa chiền được sơn phết lại, trang hoàng cờ lễ tinh tươm. Phật tử Khmer nhà nhà đều lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sửa soạn bàn thờ ông bà, tổ tiên. Những gia đình có điều kiện thì tổ chức gói bánh tét, bánh ít để kịp nấu cúng ông bà trong ngày chính lễ. Đến đầu phum Vĩnh Tây, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, nơi có tỷ lệ người Khmer cao nhất vùng Bảy Núi, chúng tôi đã thấy nhiều gia đình lo phơi lá chuối để gói bánh tét. Đang cùng gia đình soạn sửa chiếc lò to để đun ngoài trời chuẩn bị nấu nồi bánh tét lớn, ông Chau Bua dừng tay, cho biết: “Ngày càng ít người gói bánh này vì nó mất nhiều thời gian, tốn nhiều công, nên đến ngày lễ họ ra chợ mua cho tiện. Riêng gia đình tôi thì quen rồi, năm nào cũng gói bánh và nấu đến khuya để sáng sớm cúng ông bà”. Trong những ngày diễn ra lễ hội, buổi sáng từng nhà, mọi người chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn và bánh trái ngon mang đến chùa, tổ chức thành lễ hội chung của phum sóc (ấp). Lễ Đôlta – hội đua bòTrong những ngày Sene Đôlta, hoạt động được mọi người háo hức, chờ đón nhất chính là hội đua bò. Anh Chau Tranh cho biết thêm: “Cũng như các trò chơi dân gian khác, ban đầu những cuộc đua bò có tính ngẫu hứng, đơn lẻ, tự phát, nhưng từ năm 1990 đã được định hình và trở thành phong trào khá sôi nổi. Nhận thấy nét đẹp, sức hấp dẫn độc đáo từ môn thể thao dân dã và lành mạnh này, Nhà nước đã tích cực hỗ trợ mọi mặt và chính thức đứng ra tổ chức hội đua bò truyền thống lần đầu tiên vào năm 1991. Từ đó đến nay, cứ vào dịp lễ Đôlta của đồng bào Khmer An Giang, hội đua bò lại được tổ chức”. An Giang hiện có hơn 90.000 người dân tộc Khmer, chiếm 4,2% tổng dân số và chiếm 75% tổng số đồng bào DTTS trong tỉnh. Trong những ngày này ở Bảy Núi là không khí tập luyện đua bò ngoài ruộng. Vừa một lượt tập dượt cho đôi bò tại một sân ruộng ở phum Vĩnh Tây, anh Chau Ri Chuôh hào hứng cho biết: “Chỉ còn mấy ngày nữa là thi đấu rồi, tôi cho bò tập nhẹ thôi. Xã Vĩnh Trung này là nơi có nhiều bò đua nhất và cũng có nhiều người đoạt giải cao so với các xã ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên”. Và kể từ năm 1991, các hội đua bò đã được nâng lên thành lễ hội truyền thống. Ban đầu là cấp huyện, sau này là cấp tỉnh rồi cấp quốc gia. Hiện nay hội đua bò có tên gọi “Lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng”, vì có cả bò đến từ nước bạn láng giềng Campuchia. Theo Dân Việt Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|