top-banner-2

Thứ tư, 11/12/2024, 11:38 GMT+7

Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương khi phát triển du lịch

Viết bởi ducanh   
Thứ tư, 11/12/2024, 11:38 GMT+7

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có việc phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương.

Chiều 10/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất, do Bộ VHTTDL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ở Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh: Phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, bồi đắp, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-dia-phuong-khi-phat-trien-du-lich

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất, chiều 10/12. Ảnh: Đức Hoàng

Chú trọng lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định: Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia và là xu hướng phát triển của tương lai. Hầu hết các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững.

Hiện có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh… Trong đó, du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, việc UN Tourism mở rộng triển khai "Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn" nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm là chương trình ý nghĩa và phù hợp với ba trụ cột phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường).

"Điều này phù hợp với chiến lược phát triển và những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn", Phó Thủ tướng nói.

Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương khi phát triển du lịch - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, du lịch Việt Nam được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong 11 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam đã phục vụ hơn 100 triệu lượt khách nội địa và đón 15,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm 2024.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng là "phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương".

Nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn da dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên...

Trong đó, nhiều làng du lịch đã được công nhận theo tiêu chí ASEAN. Đặc biệt, các làng Tân Hóa (Quảng Bình), Thái Hải (Thái Nguyên) được UN Tourism vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất".

Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương khi phát triển du lịch - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị, chiều 10/12. Ảnh: Đức Hoàng

Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng, Phó Thủ tướng đề nghị: Cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế.

Phát triển du lịch nông thôn dựa trên các vấn đề cốt lõi: Luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách; tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn để những giá trị này lan tỏa và trường tồn.

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn. Những sự kiện ý nghĩa như Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất là dịp tốt để các quốc gia, tổ chức và cá nhân chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về chính sách, cơ chế quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư trong phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và UN Tourism triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm "mỗi làng một sản phẩm", "mỗi người dân là một đại sứ du lịch", "mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc".

Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương khi phát triển du lịch - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Gìn giữ giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam có 70% dân số đang sống ở vùng nông nghiệp nông thôn - vùng đất có dư địa để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.

Trong quá trình phát triển, du lịch Việt Nam dựa trên mối quan hệ giữa cộng đồng, làng xã với nhân dân và quốc gia. Để phát triển bền vững, phải bắt đầu từ văn hóa bản địa, giữ được bản sắc văn hóa của từng làng, từ đó hình thành các sản phẩm du lịch.

Các sản phẩm du lịch đã được nhận diện và đang được tiếp tục xây dựng, đó là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch ẩm thực… Sự bình dị của những người nông dân một nắng hai sương, lam lũ làm ra các sản phẩm du lịch đã tác động đến tình cảm của du khách - những người muốn trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp chất phát của con người Việt Nam thân thiện, hiền hòa và mến khách. Đó chính là chiều sâu văn hóa.

Năm 2024, Việt Nam mong muốn cán đích 18 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua con số trước đại dịch COVID-19. Mặc dù còn nhiều dư địa để phát triển nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức, chẳng hạn như các bản làng của Việt Nam sống ở những nơi xa xôi. Vậy làm gì để hạ tầng du lịch VN phát triển đồng bộ? Bài toán này không thể được giải quyết ngày một ngày hai.

Việt Nam đã có những sản phẩm du lịch nhưng để sản phẩm thực sự đặc sắc, tiêu biểu, riêng biệt của từng làng, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao. Nhu cầu, thị hiếu của du khách ngày càng cao nên sản phẩm cũng phải ngày càng được nâng cao. Đó là phải giữ được giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong sự đan xen giữa nhiều nền văn hóa.

"Bài toán ở đây là phải giữ được văn hóa. Chỉ khi yêu làng thì mới yêu nước. Chỉ khi yêu làng thì mới yêu Tổ quốc. Chỉ khi làng giàu lên thì đất nước mới giàu lên. Làng mạnh lên thì quốc gia sẽ mạnh lên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương khi phát triển du lịch - Ảnh 5.

Tại hội nghị, chiều ngày 10/12, đại diện UN Tourism đã trao giấy chứng nhận làng du lịch tốt nhất năm 2024 của UN Tourism cho làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Người đứng đầu ngành VHTTDL nhấn mạnh những cam kết: Thứ nhất, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút nhiều nguồn lực. Thể chế chính sách phải được tháo gỡ, như tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó huy động được nhiều nguồn lực nhất đầu tư cho du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp nông thôn. Nhà nước giữ vai trò đầu tư công, dẫn dắt...

Thứ hai, trên cơ sở sản phẩm du lịch nông nghiệp, ngành du lịch sẽ tập trung làm mới hơn, đảm bảo sản phẩm du lịch đặc sắc hơn, tiêu biểu hơn.

Thứ ba, tập trung ứng dụng công nghệ. Chuyển đổi số mạnh mẽ để kết nối các làng. Dùng công nghệ để quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến du lịch tại các làng.

Thứ tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, chứ không tự phát.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, kết quả của hội nghị lần này làm chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề nông nghiệp nông thôn, về sự chuyển động trong quá trình đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu.

"Chúng ta nhận thức đầy đủ rằng du lịch nông nghiệp - nông thôn sẽ trở thành xu hướng phát triển tất yếu của thế giới, mang lại giá trị cốt lõi cho cộng đồng và người dân. Đó chính là thông điệp mà LHQ và Bộ VHTTDL muốn truyền đạt", Bộ trưởng nói.

Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương khi phát triển du lịch - Ảnh 6.

Chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị.

Tại hội nghị, phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã tập trung vào 3 chủ đề: Chính sách của quốc gia và địa phương nhằm thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn. Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, Hội nghị đã thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa. Đặc biệt các đại biểu đã chia sẻ hành động trong tương lai để phát triển du lịch nông thôn. Các diễn giả đã đưa ra những từ khóa về định hướng tương lai du lịch nông thôn bao gồm: Giá trị- Hợp tác - Tính bền vững - Sự phối hợp công - tư, sự tham gia của cộng đồng.

Các đại biểu tại phiên thảo luận chiều 10/12. Ảnh: Đức Hoàng

Phiên thảo luận buổi chiều với chủ đề "Làng Du lịch tốt nhất: Đổi mới có mục đích - Tạo ra sản phẩm thay đổi cuộc sống của thanh niên", các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ về các sáng kiến cộng đồng thành công nhằm thu hút sự tham gia của thanh niên vào hoạt động kinh doanh du lịch nông thôn. Đặc biệt những sáng kiến để giữ chân người trẻ ở địa phương, cùng đóng góp để trở thành những người hướng dẫn du lịch, đóng góp thúc đẩy du lịch nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận với du khách,…Các đại biểu cũng thảo luận về việc "Tiếp cận thị trường với các trải nghiệm du lịch đích thực, trao đổi cách thúc đẩy tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh".

(nguồn: toquoc.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương khi phát triển du lịch

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc