top-banner-2

Thứ năm, 31/10/2024, 10:47 GMT+7

Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 31/10/2024, 10:47 GMT+7

Đó là tên của Hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức mới đây với sự tham dự của đại diện đến từ các Sở quản lý du lịch địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch, doanh nghiệp du lịch.

nhung-xu-huong-moi-trong-dau-tu-phat-trien-du-lich-o-viet-nam

Quang cảnh Hội thảo.

Thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch đáp ứng được những nhu cầu và xu hướng du lịch mới hiện nay

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, những năm qua, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho ngành du lịch. Đầu tư trong lĩnh vực du lịch được ưu tiên, huy động vốn đầu tư du lịch từ nhiều nguồn: ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nguồn vốn xã hội hóa. Hình thức đối tác công tư trong đầu tư phát triển du lịch cũng được triển khai áp dụng, mang lại những hiệu quả tích cực thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch.

Tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư trong ngành du lịch cũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thiếu chiến lược thu hút, hay chưa có chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư tại các vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng. 

Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch cũng chưa thu hút được đầu tư, do đó các giá trị đặc trưng chưa thực sự được phát huy. Bên cạnh đó, hạn chế về hạ tầng giao thông tiếp cận nhiều điểm du lịch tiềm năng làm nản lòng nhà đầu tư; nhiều dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc thực hiện dở dang…

Để đảm bảo chất lượng và thu hút hơn nữa đầu tư phát triển du lịch trong tình hình mới, nhiều rào cản, nút thắt cần được tháo gỡ, ông Phạm Văn Thủy bày tỏ kỳ vọng hội thảo lần này sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực liên quan... chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, đóng góp của mình để góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng được những nhu cầu và xu hướng du lịch mới hiện nay và thời gian tới”.

Tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải Phạm Hoài Chung cho biết, định hướng đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 41 tuyến cao tốc với 9.014km, 173 tuyến quốc tộ với 29.854km; 25 tuyến đường sắt với 6.354km, hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam; 14 cảng hàng không quốc tế, 19 cảng hàng không nội địa; 36 cảng biển, đầu tư đồng bộ cảng, luồng hàng hải, công trình phụ trợ... 

Trên cơ sở những định hướng đó, ông Phạm Hoài Chung đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và bền vững. Khuyến khích đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông từ thành phần kinh tế khác nhau, phát huy tối đa vai trò và nguồn lực của địa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Tập trung sử dụng vốn nhà nước vào các công trình trọng điểm quốc gia có tính “động lực, lan tỏa” để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác vào các dự án hạ tầng của địa phương, vùng.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, TS. Kim Young Jun thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa Du lịch Hàn Quốc cho biết, các địa phương Hàn Quốc đã tập trung đầu tư, xây dựng các khu phức hợp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch. Ông cũng kiến nghị phía Việt Nam xây dựng chính sách thu hút đầu tư có cấu trúc, do người dân thúc đẩy; cung cấp các ưu đãi mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư vốn tư nhân. Bên cạnh đó là thiết lập các nền tảng đa phương để thu hút đầu tư.

Các nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để đầu tư, khai thác có hiệu quả các điểm đến mới nổi của du lịch Việt Nam

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các bài tham luận về hiện trạng, giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Việt Nam; đầu tư trong lĩnh vực du lịch dưới góc nhìn doanh nghiệp; phát huy hiệu quả các nguồn đầu tư trong xây dựng sản phẩm, phát triển du lịch; tham khảo chính sách thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào phát triển du lịch và các khuyến nghị với Việt Nam… Các ý kiến tại hội thảo cũng tập trung đề xuất việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi thu hút đầu tư; tổ chức hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư; đầu tư vào sản phẩm để thu hút du khách; đầu tư khai thác hiệu quả các xu hướng mới trong ẩm thực, halal food, du lịch cưới...

Chia sẻ tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, sự phát triển của thị trường khách nội địa và sự quan tâm ngày càng tăng của nhiều thị trường khách quốc tế đến Việt Nam cho thấy cơ hội trong đầu tư. Bằng cách nắm bắt kịp thời và nhận diện rõ nhu cầu, xu hướng mới của thị trường, các nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để đầu tư, khai thác có hiệu quả các điểm đến mới nổi của du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, Hội thảo đã đánh giá đúng hiện trạng, nêu được kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vào du lịch. Dù vậy, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục trong thu hút đầu tư. Theo đó, cần xóa bỏ rào cản về thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là những ưu đãi, tạo thuận lợi về vấn đề thuế, đất đai, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, quy hoạch... Đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là ở những vùng còn khó khăn. Đẩy mạnh đầu tư du lịch chuyên nghiệp, thực chất, tránh gây lãng phí nguồn lực.

Để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, cần dựa trên nhiều yếu tố nội tại như tiềm năng du lịch và thương hiệu điểm đến địa phương để thúc đẩy thu hút đầu tư vào du lịch, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, môi trường đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là sự sẵn sàng và chủ động của địa phương trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư du lịch, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc cấp chứng nhận đầu tư du lịch.

(nguồn: toquoc.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc