top-banner-2

Thứ ba, 09/04/2024, 11:35 GMT+7

Thái Lan hướng tới sáng kiến thị thực chung với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 09/04/2024, 11:35 GMT+7

Thái Lan đang xem xét sáng kiến thiết lập một khu vực thị thực chung ở Đông Nam Á, tương tự cơ chế thị thực Schengen mà châu Âu đã triển khai nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

Theo trang SCMP, Thái Lan đang thúc đẩy sáng kiến chương trình thị thực chung với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á khi Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tăng cường các sáng kiến thu hút du khách lựa chọn các chuyến du lịch đường dài và chi tiêu nhiều hơn.

thai-lan-huong-toi-sang-kien-thi-thuc-chung-voi-viet-nam-va-mot-so-nuoc-dong-nam-a

Đền Chân lý độc đáo ở Pattaya, Thái Lan. Thái Lan đang đặt mục tiêu thu hút 80 triệu du khách nước ngoài vào năm 2027. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo dữ liệu chính thức, Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam ghi nhận tổng cộng 70 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2023, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn một nửa số khách du lịch.

Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Srettha Thavisin đã thúc đẩy sáng kiến phát triển loại thị thực tăng cường với các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam nhằm hướng đến một loại thị thực chung ở khu vực giống như thị thực Schengen của Liên minh châu Âu (EU). Cơ sở này sẽ đảm bảo khả năng di chuyển liền mạch cho khách du lịch giữa 6 quốc gia láng giềng, tạo đòn bẩy phát triển du lịch trong khu vực.

Nếu sáng kiến thành công, khách du lịch chỉ cần xin visa một trong 6 nước Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Malayisa là có thể thoải mái di chuyển, tham quan các nước còn lại.

Thị thực nhập cảnh một lần (Single entry visa) là loại thị thực cho phép người nước ngoài nhập cảnh và xuất cảnh vào một nước chỉ một lần duy nhất trong thời hạn hiệu lực của thị thực và không được thay đổi mục đích thị thực.

Thị thực nhập cảnh một lần là sáng kiến tham vọng nhất trong số các kế hoạch phát triển du lịch của Thái Lan và hướng đến mục tiêu lâu dài. Ngành công nghiệp du lịch Thái Lan đã đóng góp rất nhiều cho quá trình phát triển đất nước, chiếm khoảng 20% tổng số việc làm và 12% trong nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của quốc gia. Trong thời gian dài, ngành du lịch Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ và ứng phó với tình trạng sụt giảm trong sản xuất và xuất khẩu, những trụ cột truyền thống của nền kinh tế.

Ngành du lịch Thái Lan đang rất lạc quan. Bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, cựu Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan nhấn mạnh Thái Lan hiện muốn hướng đến một loại thị thực chung nhằm khuyến khích du khách đi đường dài đưa ra quyết định dễ dàng hơn.

Bà Marisa Sukosol Nunbhakd cho rằng thời hạn hiệu lực của thị thực sẽ cần được kéo dài lên 90 ngày so với thời hạn 30 ngày thông thường.

Cần sự phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á

Chính quyền Thủ tướng Thái Lan Srettha cũng đặt mục tiêu thu hút 80 triệu khách du lịch vào năm 2027. Và kể từ khi lên nắm quyền vào khoảng 7 tháng trước, chính phủ của ông Srettha đã ký thỏa thuận miễn thị thực đối ứng với Trung Quốc – thị trường khách du lịch lớn nhất của Thái Lan – và đưa ra miễn thị thực tạm thời cho du khách đến từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Kazakhstan.

Theo ông Bill Barnett, Giám đốc điều hành bộ phận tư vấn khách sạn và tài sản C9 Hotelworks, nếu thực hiện đúng, lợi ích của việc du lịch miễn thị thực sẽ không chỉ tạo cơ hội phát triển du lịch vì việc đi lại dễ dàng mà còn mang lại lợi ích cho khách doanh nhân và thương mại.

Thị thực Schengen đã cho phép 27 quốc gia châu Âu không có biên giới kiểm soát giữa các nước đi lại tự do quanh khu vực không biên giới trong phạm vi châu Âu.

Khu vực Schengen bao gồm 27 quốc gia châu Âu không có biên giới kiểm soát giữa các quốc gia đó: Đức, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Croatia, Đan Mạch, Slovenia, Slovakia, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Theo Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư tại khoa khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn, đối với chương trình thị thực chung, việc phê duyệt phải được phối hợp giữa các quốc gia, tuy nhiên các nước Đông Nam Á hiện chưa có tiêu chí chung về nhập cảnh, khác với Liên minh châu Âu.

Sáng kiến thành lập một khu vực tương tự Schengen của EU trong khu vực Đông Nam Á đã được cân nhắc trong nhiều năm. ASEAN đã công bố kế hoạch xây dựng cơ chế du lịch một thị thực từ năm 2011, nhưng nỗ lực này đã bị đình trệ do có sự khác biệt đáng kể trong quy chế thị thực của các quốc gia thành viên.

Từ lâu, du lịch là nguồn thu chính của Thái Lan, chiếm khoảng 12% trong nền kinh tế trị giá gần 500 tỷ USD của quốc gia này. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan đã tăng 20% vào năm 2023 so với năm trước, lên hơn 27 triệu, cao nhất kể từ đại dịch Covid-19.

(nguồn: toquoc.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thái Lan hướng tới sáng kiến thị thực chung với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc