Đi tìm hồn trung cổ ở Ba Lan |
Thứ ba, 13/08/2013, 15:55 GMT+7 | ||||||||||||||
Vào một buổi sáng tháng Tư, chúng tôi đón tàu hỏa hướng lên phía Bắc Ba Lan để đến thành phố Torun. Từ xa, lớp tường thành đồ sộ bằng gạch đỏ đã nổi bật giữa nền trời xanh nhạt. Đến khu rừng thông ai nấy đều hướng mắt nhìn sang bên kia sông, nơi có toàn cảnh trung tâm Torun thơ mộng với tường thành kiên cố và những tòa tháp đồ sộ đặc trưng cho kiến trúc trung cổ. Torun một thời phồn hoa Torun là thành phố duy nhất của Ba Lan mà hầu như các công trình kiến trúc không bị tổn thất bởi cuộc thế chiến thứ Hai. Đặt chân lên những đường phố cổ, du khách có cảm giác mình trở về thời xa xưa cách đây gần chục thế kỷ với những công trình được xây bằng gạch đỏ, một đặc trưng đến từ người láng giềng Đức. Ngoài quần thể kiến trúc xinh đẹp được giữ nguyên vẹn, cái “hồn trung cổ” của Torun vẫn lắng đọng sau những bức tường rêu phong. Vẻ cổ kính không chỉ nằm trên các tòa nhà mà còn phảng phất trong nếp sống yên bình, chậm rãi của người dân.
Châu Âu vào những thế kỷ từ XI đến XV vốn nhiều chiến tranh. Những thành phố giàu có như Torun luôn hấp dẫn các cuộc cướp bóc quy mô lớn. Chính vì thế, chính quyền địa phương phải cho xây một hệ thống phòng thủ rất kiên cố. Trải qua tám trăm năm, hệ thống tường thành và chòi canh của Torun vẫn sừng sững oai vệ. Tòa thị chính của Torun có một tòa tháp đồ sộ nằm ngay sát bên. Tòa tháp của Torun ngoài việc phô trương uy lực kinh tế thì còn đóng vai trò như một nhà giam. Càng đi sâu vào trung tâm Torun thì phong cách kiến trúc trung cổ càng hiện ra rõ nét hơn. Trong suốt giai đoạn từ thế kỷ XIII cho đến hai trăm năm sau đó, Torun là một trong những trung tâm văn hóa nghệ thuật phồn vinh nhất khu vực. Thành phố cũng là quê hương của Nicolas Copernic, nhà thiên văn học đã khám phá ra việc trái đất xoay quanh mặt trời. Mái nhà xưa của nhà khoa học này giờ đã trở thành bảo tàng. Nhiều người đến Torun chỉ để xem nơi sinh của Nicolas Copernic ra sao.
Thời buôn bán hoàng kim của Torun có nhiều điểm khá giống phố cổ Hội An. Thời đó, các thương nhân cùng ngành nghề liên kết với nhau để tạo thành một hiệp hội mà người châu Âu gọi là guild. Torun vào những thế kỷ XIII-XIV có khoảng hơn mười hiệp hội ngành nghề nhưng ngày nay thì chỉ còn lại một, đó là Saint George Brotherhood House. Lịch sử các hiệp hội vẫn ghi tên một số gia đình thương nhân vô cùng giàu có và sở hữu những ngôi nhà lộng lẫy trong thành phố. Tùy theo thời gian xây dựng mà kiến trúc của các ngôi nhà này mang phong cách gô tích hay phục hưng… nhưng chúng đều có một cấu trúc giống nhau là thường có hai đến bốn tầng. Tầng trệt để buôn bán và mặt tiền của ngôi nhà được trang trí rất bắt mắt với những nét điêu khắc tinh xảo.
Yếu tố cuối cùng đặc trưng cho cuộc sống thời trung cổ ở Torunchính là những lữ quán mà tiếng Anh gọi là Inn. Đối với Torun, Inn đồng nghĩa với tửu quán, nơi có những vại bia hảo hạng và là điểm hẹn đàm phán hợp đồng quan trọng của các thương gia. Thực chất, ngoài chức năng là điểm dừng chân cho những thương gia sau một chặng đường dài, đây còn là một quầy bar, nơi các đấng mày râu tụ tập uống bia và thư giãn. Vào thời cực thịnh của thành phố, có lẽ có đến hàng trăm Inn sáng đèn náo nhiệt suốt đêm.
Đi dọc theo các con đường lát gạch, chúng tôi phát hiện ra một đặc sản của Torun được bày bán trong các cửa hàng trang trí rất đẹp. Đó là bánh quy vị hương. Cách đây sáu, bảy thế kỷ, loại bánh này thuộc dạng hàng xa xỉ ở châu Âu vì để làm được nó, người ta phải sử dụng ngũ vị hương nhập từ Ấn Độ xa xôi. Chỉ một số ít gia đình ở Torun mới có được công thức gia truyền tuyệt mật tạo ra các loại bánh có hương vị hảo hạng này. Ngành công nghiệp làm bánh vị hương của Torun đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ XVIII-XIX, khi bánh không chỉ để ăn, biếu tặng mà còn được coi là loại lương khô quý giá trong những chiến dịch quân sự kéo dài nhiều tuần. Ngày nay, bánh vị hương không chỉ hấp dẫn du khách nhờ mùi vị đặc biệt mà còn nhờ hoa văn tinh xảo trên bề mặt bánh. Nhiều chiếc bánh mang hình các nhân vật truyền thuyết hay phong cảnh rất sống động. Đó là kết quả từ những bộ khuôn đúc bánh bằng gỗ với đường nét điêu khắc hết sức công phu. Để có được một cái nhìn sống động và cụ thể về truyền thống làm bánh vị hương, chúng tôi thăm Gingerbread Museum, bảo tàng tọa lạc trong ngôi nhà cổ trước kia đã từng là xưởng sản xuất bánh vào thế kỷ XVI. Tại đây, du khách được tham gia trực tiếp vào quá trình làm bánh để hiểu được công thức cổ truyền (không dễ chút nào) dưới sự hướng dẫn của người địa phương. Gdansk, thành phố hổ phách Dù đã bị tàn phá nhiều trong chiến tranh, Gdansk vẫn làm chúng tôi ngạc nhiên vì vẻ cổ xưa còn giữ được của thành phố. Trình độ phục hồi các di sản kiến trúc của những chuyên gia Ba Lan thật đáng nể phục. Đi men theo con đường bao quanh Gdansk, du khách có cảm giác như đang sống lại thời kỳ phồn thịnh của thành phố cảng với hàng chục tàu gỗ cập bến mỗi ngày để chất lên hàng tấn mặt hàng xa xỉ, đổi lấy những nguyên liệu xuất xứ từ châu Á và Trung Đông.
Thời thịnh vượng rực rỡ của Gdansk kéo dài từ thời trung cổ đến những thế kỷ XVI-XVII, chủ yếu nhờ xuất khẩu một mặt hàng rất xa xỉở châu Âu thời đó là đá amber, hay còn gọi là hổ phách. Có thể nói lịch sử của Gdansk gắn liền với loại nhựa cây hóa thạch này. Ngày nay thành phố vẫn còn rất nhiều cửa hàng lưu niệm chuyên bán những mặt hàng có liên quan đến hổ phách. Dọc theo con đường Mariacka có rất nhiều cửa hiệu sang trọng bày bán các loại đá amber đẹp lộng lẫy. Bản thân đường Mariacka cũng là một viên ngọc quý của Gdansk. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc trưng cho thành phố với mái hiên nhô ra đường và được trang trí rất duyên dáng. Ngoài khu vực bờ cảng, tòa nhà Artus Court cùng với tháp phun nước Neptune được coi là biểu tượng thứ hai của Gdansk. Trong hoạt động thương mại của Gdansk vào thời xưa, các thương gia của thành phố cho xây tòa nhà Artus như là biểu tượng của sự đoàn kết và là nơi tổ chức các bữa tiệc xa hoa. Ngoài ra, tất cả những điều khoản hay trao đổi về thương mại giữa các doanh nhân trong và ngoài thành phố đều phải được thông qua tại tòa nhà này.
Chỉ cách Gdansk khoảng 45 phút đi tàu hỏa, pháo đài Malbork hội tụ tất cả những gì mà chúng tôi đã được xem trong bộ phim Robin Hood. Được xây dựng cách đây tám trăm năm bởi các hiệp sĩ gốc Đức, Malbork có cái tên tiếng Đức là Marienburg (lâu đài đức mẹ Maria). Pháo đài Malbork không chỉ điển hình cho dòng kiến trúc gô tích gạch nung đỏ đặc trưng Bắc Âu, mà còn là ví dụ tiêu biểu cho công nghệ xây dựng lâu đài bậc thầy của các tổ chức hiệp sĩ thời trung cổ. Nhìn từ bên ngoài vào, trông pháo đài Malbork thật đồ sộ, bên trong gây ấn tượng nhất với du khách là loạt tượng của những vị thủ lĩnh nổi tiếng đứng đầu dòng hiệp sĩ Teutonic.
Gần cả ngàn năm đã qua đi, sức mạnh và vẻ đẹp của thế giới hiệp sĩ một thời vẫn khiến nhiều du khách thấy xúc động và cảm phục. Torun, Gdanskhay nhiều thành phố khác ở Ba Lan đã qua thời rực rỡ nhất, nhưng đó chính là nơi để cho những ai muốn trở lại quá khứ có thể tìm về… Theo DNSGCT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|