top-banner-2

Thứ tư, 01/06/2022, 15:57 GMT+7

Lo lắng về mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022

Viết bởi ducanh   
Thứ tư, 01/06/2022, 15:57 GMT+7

Doanh nghiệp du lịch cho rằng mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 là khó khả thi. Thay vì phải đạt số lượng khách năm sau cao hơn năm trước, Việt Nam nên tìm cách tăng doanh thu từ khách du lịch.

5 tháng chưa đạt 10% mục tiêu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2022 đạt khoảng 172.900 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

lo-lang-ve-muc-tieu-5-trieu-luot-khach-quoc-te-nam-2022

Du khách Nga tại Khánh Hòa. Nguồn: Anex Việt Nam

Những tháng gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao do chính sách mở cửa, tái khởi động ngành du lịch Việt Nam từ 15/3/2022. Tuy nhiên, dù tăng nhanh nhưng số lượng khách quốc tế còn rất nhỏ so với năm 2019. Nếu so với "cái đích" 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, sau 5 tháng đầu năm ngành du lịch Việt Nam chưa đi được 10% chặng đường.

Trung bình mỗi tháng năm 2019 Việt Nam đón khoảng 1,5 triệu lượt khách; trong khi tháng 5/2022, Việt Nam mới chỉ đón lượng khách bằng khoảng 1/10 con số này. Một nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) mới đây dự báo 5 trong 6 thị trường hàng đầu của Việt Nam năm 2019 là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Nga sẽ khó hồi phục trong năm 2022. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 32% tổng lượng khách đến Việt Nam năm 2019.

Dễ thấy, mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022 sẽ là thách thức rất lớn. 7 tháng còn lại của năm nay, mỗi tháng Việt Nam phải đón trên 650.000 lượt khách mới có thể đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, đón 650.000 lượt khách quốc tế trong 1 tháng là mục tiêu khó khăn với các nước Đông Nam Á. Thái Lan đón khoảng 1,1 triệu lượt khách quốc tế từ đầu năm đến giữa tháng 5/2022, tức là trung bình 200.000 – 300.000 lượt khách/tháng. Từ tháng 5 đến tháng 9/2022, Thái Lan chỉ kỳ vọng đón khoảng 500.000 lượt khách mỗi tháng.

Trong bối cảnh mất nguồn khách lớn nhất trước đại dịch Covid-19 là Trung Quốc, Thái Lan đã chủ động chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ và Trung Đông. Tương tự, Ấn Độ cũng là thị trường lớn nhất của Singapore từ đầu năm 2022. Nước này đón hơn 540.000 lượt khách trong 4 tháng đầu năm 2022. Philippines mở cửa từ tháng 2/2022, tính đến ngày 25/5 nước này đón hơn 510.000 lượt khách, chủ yếu từ Mỹ.

Ông Nguyễn Sơn Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam dự báo mục tiêu 5 triệu lượt khách năm 2022 là rất khó khăn cho ngành du lịch: “Đây là thời điểm chúng ta cần bung lực lượng xúc tiến ra thế giới, chứ không nên tổ chức quá nhiều hội nghị, hội thảo bàn bạc giải pháp trong nước. Nên tổ chức các buổi roadshow giới thiệu về du lịch Việt Nam ở nước ngoài, các thị trường trọng điểm, hoặc các thị trường đã mở cửa rộng rãi. Nếu làm như vậy thì mới nhanh chóng phục hồi du lịch, hướng đến mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế. Chúng tôi cần hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao về hoạt động này rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn, nhằm giúp ngành du lịch xúc tiến các thị trường nước ngoài”.

Cũng theo ông Nguyễn Sơn Thủy, lúc này Thái Lan là một trong những nguồn khách tiềm năng nhất của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 500.000 lượt khách Thái Lan thì năm nay phấn đấu đón được 50% con số này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ kỳ vọng số lượng khách Thái Lan tăng lên từ sau tháng 10/2022.

Số lượng khách có còn quan trọng?

Dự đoán Việt Nam khó đạt mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group cho rằng sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi trong cách thống kê và các mục tiêu đặt ra mỗi năm. Lượng khách hàng năm chỉ là con số để tham khảo, còn doanh thu mới cần được tính toán và đánh giá kỹ lưỡng để xác định rõ vai trò, đóng góp của du lịch vào nền kinh tế.

"Lượng khách không nhất thiết năm sau phải cao hơn năm trước, mà quan trọng là doanh thu từ du lịch phải tăng. Sau Covid-19, không dễ để có số lượng du khách ồ ạt như trước, nhất là khi các thị trường chính của Việt Nam chưa mở cửa. Vì vậy, nếu không tăng được số lượng khách thì phải tăng mức chi tiêu trên đầu khách. Có thể chỉ đạt 3-4 triệu lượt khách nhưng phấn đấu doanh thu bằng 5 triệu lượt khách" – ông Phạm Hà cho biết.

Để thu hút khách quốc tế, ông Phạm Hà cho rằng trước tiên cần thay thế những hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam đã cũ, có từ trước dịch Covid-19: “Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường mục tiêu, đặt khách hàng làm trung tâm để có sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu và thỏa mãn họ. Du khách cần những hình ảnh, video cập nhật về điểm đến Việt Nam sau Covid-19, thể hiện sự tươi mới, hoang sơ, trong lành, chạm vào cảm xúc và cả sự đẳng cấp; rằng du lịch Việt Nam vẫn rất tốt và đã hoạt động bình thường. Đưa những video đó đến đối tác nước ngoài, tới những nơi đã sẵn sàng như thị trường nói tiếng Đức hoặc tiếng Tây Ban Nha. Khi Việt Nam đáp ứng đúng kỳ vọng thì khách sẽ tìm đến với chúng ta”.

Ông Phạm Hà cho rằng lượng khách không nhất thiết năm sau phải cao hơn năm trước, mà quan trọng là doanh thu từ du lịch phải tăng.

Khi thu hút được rồi thì phải khiến khách chi tiêu nhiều hơn ở Việt Nam. Ông Phạm Hà cho biết khách quốc tế đến Thái Lan thường chi tiêu rất cao, vì họ cung cấp nhiều dịch vụ và khéo léo trong bán hàng. “Thái Lan đẩy mạnh kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn mà luật pháp không cấm. Đến Việt Nam thì khách quốc tế vẫn phải đi ngủ sớm, nhiều khách phàn nàn là buồn quá, không có dịch vụ đáng tiêu tiền. Vì thế vẫn số lượng khách đó nhưng Việt Nam thu được ít hơn Thái Lan”.

Vẫn biết thị trường nội địa đang phục hồi rất mạnh và trở thành "nguồn sống" cho rất nhiều công ty du lịch. Nhưng dù thị trường trong nước như "cơm ăn nước uống" hàng ngày, ông Phạm Hà cho biết khách nội địa không thể thay thế khách quốc tế. Trong đó, dòng khách quốc tế cao cấp cần được đặc biệt chú trọng, vì xu hướng quyết định nhanh và chi tiêu nhiều cho chuyến đi.

"Khách quốc tế giúp ngành du lịch cân bằng tính mùa vụ, giải quyết bài toán trong tuần thì vắng cuối tuần thì quá tải. Họ cũng giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho nhiều bộ phận của ngành du lịch, như hướng dẫn viên inbound hay mô hình du lịch cộng đồng miền núi… Đón dòng khách cao cấp là cách để ngành du lịch Việt Nam không ngừng nâng cấp chất lượng, tạo ra những dịch vụ đẳng cấp vừa để cạnh tranh với thế giới, vừa tạo sản phẩm phục vụ khách cao cấp ở trong nước. Từ đó, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến cao cấp không thể bỏ qua, thay vì bị gắn mác du lịch giá rẻ" – ông Phạm Hà nói.

theo Hải Nam / VOV.VN - 01/06/2022

link nguồn: https://vov.vn/du-lich/lo-lang-ve-muc-tieu-5-trieu-luot-khach-quoc-te-nam-2022-post947352.vov


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lo lắng về mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc