top-banner-2

Thứ bảy, 29/06/2013, 14:22 GMT+7

Hành trình viết dở, thông điệp trọn vẹn…

Thứ bảy, 29/06/2013, 14:22 GMT+7

 Giấc mơ chinh phục Fansipan của Hiệp sỹ Trịnh Công Thanh trong chương trình leo núi mang tên “Hợp sức chinh phục Fansipan” vẫn chưa thành hiện thực khi anh mới chỉ lên được độ cao 2.500m của ngọn núi hùng vĩ này vì không đủ thời gian và thể lực.

Tuy nhiên, câu chuyện cảm động về những người tật nguyền quyết tâm chinh phục Fansipan thì đã là một thông điệp trọn vẹn: người khuyết tật cũng có thể làm được những điều mà tưởng như chỉ có người bình thường mới làm được.

Hành trình viết dở…

Khi xuất hiện trong cuộc họp báo giới thiệu về chương trình leo núi mang tên “Hợp sức chinh phục Fansipan” đầu tuần trước, Trịnh Công Thanh cho biết mình đã có sự chuẩn bị cả về tinh thần và thể lực cho thử thách này. Biết trước khó khăn, nhưng anh vẫn tin tưởng và hy vọng rằng việc chinh phục Fansipan, với sự hỗ trợ của các thành viên trong đoàn, là thông điệp không thể tốt hơn để cộng đồng những người tật nguyền khẳng định khả năng của mình.

Con đường vào rừng ngày càng khó dần lên, những tảng đá trơn trượt, những dốc dài đã cản trở từng bước chân của Trịnh Công Thanh

Thật tiếc, hành trình quá dài từ Trạm Tôn lên đỉnh Fansipan, vốn đã vô cùng cực nhọc đối với người bình thường, trở nên quá dài đối với một người đã phải cắt bỏ chân phải vì căn bệnh ung thư xương. Cho dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của các thành viên trong nhóm, nhưng Trịnh Công Thanh đã mất nhiều thời gian hơn người bình thường để có thể đạt đến độ cao 2.200m, trước khi đối mặt chặng đường khó khăn còn lại.

Nhóm của Thanh có 9 người, mọi người đều rất phấn khởi xuất phát. Tuy nhiên, con đường vào rừng ngày càng khó dần lên, những tảng đá trơn trượt, những dốc dài đã cản trở từng bước chân của Thanh. Ở những đoạn đường khó, mọi người phải bám chắc bằng chân và dùng tay để đu vào cây hoặc mỏm đá để leo lên, còn Thanh thì phải nhờ đồng đội kéo, chính vì vậy, nhóm của Thanh bị chậm lại dần.

Khi đến độ cao 2.200m, chiếc chân giả sử dụng silicon đi nhiều mồ hôi bị tuột ra, khi đó nó không có tác dụng trợ lực để đi lại nữa mà trở thành một vật thừa lủng lẳng, cản trở bước chân của Thanh. Thanh quyết định tháo ra và khi đó, đôi tay lại phải trụ nhiều hơn trên 2 chiếc nạng. Trời mỗi lúc một chiều và khi cả nhóm lên đến độ cao 2,500m thì hai tay của Thanh đã bị phồng rộp. Cả nhóm xác định là nếu đi với tốc độ như thế này thì nhóm sẽ đến trạm nghỉ chân ở độ cao 2.800m vào lúc nửa đêm. Đường rừng, trời tối sẽ có rất nhiều rủi ro, với bàn tay bỏng rát, Thanh sẽ rất khó khăn cho chặng đường trước mắt. Chính vì vậy, nhóm quyết định dừng hành trình tại đây, cử hai người đưa Thanh trở lại độ cao 2.200m, nơi có trạm dừng chân và nhà dân để nghỉ qua đêm.

Thông điệp trọn vẹn

Khi khởi hành, Thanh đã mang theo mình cờ in sẵn logo của Hội người khuyết tật Việt Nam và áo đỏ sao vàng với ước vọng sẽ căng ở trên đỉnh Fansipan để gửi một thông điệp rằng “nếu được tạo điều kiện và cơ hội, thì không đình cao nào người khuyết tật không thể vượt qua được”. Trở về độ cao 2.200m khi ước mơ Fansipan vẫn dang dở, Thanh vẫn nung nấu ý nghĩ đi lên đến đỉnh Fansipan, và vì thế tôi (người viết bài) ngỏ ý nhờ Dềnh, một người dân tộc làm quản lý trạm dừng chân ở điểm 2.200m hỗ trợ Thanh tiếp tục hành trình. 

Thành viên trong đoàn giúp đỡ Hiệp sỹ Trịnh Công Thanh

Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị lên đường thì Thanh gặp một nhóm porter ở dưới lên, bảo rằng lên để đón một nhóm người trong đoàn về. Thanh nghĩ, nếu họ lên được đến điểm 2.800 vào hôm qua mà nay phải có thêm người lên đón về, chắc hẳn điều này sẽ khó khăn, ít nhất là lúc này. Chính vì vậy, Thanh đã quyết định sẽ leo xuống vào lúc 9 giờ sáng và về lại Trạm Tôn vào lúc 4 giờ chiều.

“Tôi quyết tâm chinh phục Fansipan, và tôi vẫn quyết tâm làm điều đó. Tuy nhiên, trong một chương trình chinh phục hòa nhập như thế này, tôi chưa lượng được sức mình. Tôi nghĩ sẽ thưc hiện được hành trình này, nếu tôi có 4 ngày để leo núi”, Thanh chia sẻ khi “về đích”.

“Hiệp sĩ một chân” Trịnh Công Thanh đã không thể lên đến đỉnh Fansipan, tuy nhiên, 2 người bạn khuyết tật khác trong đoàn đã chinh phục được đỉnh Fansipan. Một người là Bùi Thế Hùng, cũng làm việc trong Hội thanh niên khuyết tật thành phố Hà Nội và một người nữa là anh Lê Hữu Bằng ở Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Anh Bằng thậm chí còn là người lên đến đỉnh Fansipan đầu tiên trong cả đoàn.

“Tôi rất cám ơn các anh chị ở MCNV và đối tác của họ, những đồng đội đã giúp tôi đạt đến độ cao 2500m lần này. Họ đã giúp tôi trong từng bước chân ở đoạn đường khó khăn. Dù chưa lên được đến đỉnh Fansipan nhưng tôi vẫn tự hào về độ cao mà mình đã đạt được”, Thanh chia sẻ.

Với những người tham gia tổ chức chương trình này, Thanh là linh hồn của hành trình chinh phục gian khó này, và chính những người như anh đã cùng viết nên một thông điệp trọn vẹn: “nếu được tạo điều kiện và cơ hội, thì không đình cao nào người khuyết tật không thể vượt qua được”.

Sáng 21/6/2013, đoàn leo núi trong chương trình “Hợp sức chinh phục Fansipan” đã chính thức khởi hành tại Sapa. Điều thú vị là, trong số 45 thành viên của đoàn, có một người rất đặc biệt: Chủ tịch Hội thanh niên khuyết tật Nguyễn Công Thanh, người mà 8 năm trước đã được phong tước “Hiệp sỹ công nghệ thông tin”.

Trịnh Công Thanh nổi tiếng trong giới trẻ vì đã đi qua một hành trình cuộc sống đầy khó khăn, thậm chí có lúc phải nỗ lực hết mình để giành giật lấy sự sống, một hành trình mà anh từng ví von là đầy giông bão.

Mười hai năm trước, Trịnh Công Thanh tốt nghiệp đại học luật với rất nhiều ước mơ và hoài bão. Nhưng đúng vào thời điểm tràn ngập niềm tin và hy vọng ấy, bác sỹ phát hiện anh bị ung thư xương, phải phẫu thuật cắt chân phải để tránh sự phát triển mạnh của căn bệnh.

Với cuộc phẫu thuật ấy, Thanh chính thức trở thành “khuyết tật”, nhưng nhờ vậy giành được sự sống và bắt đầu viết câu chuyện cổ tích của đời mình. Bẳng ý chí và nghị lực, anh bắt đầu học tin học, sau đó xin đến làm tình nguyện viên cho tổ chức phi chính phủ HVO (Tổ chức thầy thuốc tình nguyện hải ngoại).

Từ điểm khởi đầu nay, anh được chọn để làm Điều phối viên cho dự án “Hà Nội cho mọi người - du lịch không rào cản” đây là một dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới trong Ngày sáng tạo Việt Nam 2003. Cũng trong khoảng thời gian năm 2003, Trịnh Công Thanh cho ra đời website về người khuyết tật, Diễn đàn người khuyết tật (http://nguoikhuyettat.org) và website chất độc da cam. Website và diễn đàn người khuyết tật là kênh thông tin đầy đủ nhất về người khuyết tật, việc làm, và là nơi giao lưu và kết bạn...

Năm 2006, anh quyết định nghỉ việc để thành lập công ty riêng. Tháng 4/2006, Trịnh Công Thanh đã thành lập Công ty TNHH Du lịch Rồng Việt (nay là Công ty Cổ phần Con người và Công nghệ Việt Nam) với 70% số người làm việc là người khuyết tật. Đầu năm 2008, Trịnh Công Thanh lại đứng ra thành lập “Hội Người khuyết tật quận Hai Bà Trưng” (Hà Nội), sau đó là sự ra đời “Hội Thanh niên Khuyết tật thành phố Hà Nội” năm 2010.

Trịnh Công Thanh hiện là Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội; Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); Trưởng nhóm tình nguyện vì người khuyết tật “Những ước mơ xanh Hà Nội”.

Anh cũng từng là Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin; Tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc toàn quốc; Anh hùng chiến thắng nỗi đau; Giải Nhất giải thưởng sáng tạo “ICT - thắp sáng niềm tin”; Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần”; Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2011…

Sự kiện “Hợp sức chinh phục Fansipan” tại Sapa – Lào Cai Ủy ban y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức từ ngày 20/6 đến 23/6 năm 201 với mục tiêu thúc đẩy vấn đề hòa nhập cho người khuyết tật ở trong xã hội.

Hà Minh

dddn.com.vn


Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hành trình viết dở, thông điệp trọn vẹn…

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc