Nhớ chợ tết quê xưa |
Viết bởi Xuân An |
Thứ tư, 25/01/2017, 12:27 GMT+7 |
Từ bao đời nay, trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt, Tết Nguyên đán đã trở thành một phần rất đỗi thiêng liêng, tựa như một mảnh hồn dân tộc hết sức đặc trưng trong kho tàng văn hóa truyền thống. 1. Những mảng màu của Tết, trong nhiều câu chuyện xưa nay, người ta thường gợi nhớ tới “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Riêng tôi, tôi lại giữ cho mình những ký ức về chợ tết như một miền hoài niệm thật khó quên. Chợ tết thường chính thức diễn ra từ khoảng 25 tháng chạp cho tới tận chiều 30 Tết. Như nhiều đứa trẻ khác, ngày còn nhỏ, tôi từng nhiều lần được lẽo đẽo theo chân mẹ đi chợ tết. Xưa kia, ở những vùng quê nghèo, chợ tết đơn sơ và khá giản tiện. Từng lều sạp được dựng lên tạm bợ và bày bán la liệt những mặt hàng nông phẩm, thủ công “tự sản tự tiêu” của những người nông dân chất phác. Cảnh họp chợ của làng quê Việt Nam - Ảnh đẹp 360 Họ quẩy hàng đi chợ tết có khi chỉ để bán mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng, mấy mớ trầu không và buồng cau hái ở vườn nhà; có khi lại là mấy cái rổ, cái rá tự đan bằng tre nứa. Người chăn nuôi được thì mang cặp trống thiến, vài con gà mái hoa bán để lấy tiền chi tiêu dịp thời giá đắt đỏ… Tất tả bận rộn giữa cái nghèo thuở ấy nhưng chợ tết xưa không kém phần huyên náo, xôm tụ với một sắc thái rất riêng. Đi chợ tết, mẹ toàn phải nắm tay tôi thật chặt dắt đi vì sợ con bị lạc. Tôi thấy lòng mình rộn ràng hẳn lên bởi muôn điều mới lạ hiện ra trước mắt. Góc chợ là ông đồ già đang ngồi “cho chữ” khách lại qua trong ngời ngời giấy đỏ mực tàu. Trước cổng chợ là mấy bác đứng tuổi đang nặn tò he, tạo hình những con vật thật ngộ nghĩnh với muôn sắc màu sặc sỡ. Đám thanh niên thì túm tụm ở một khoảng sân rộng, háo hức với các trò chơi dân gian: đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt đập niêu… Mùi tết đặc trưng cứ thế quyện trong khói hương trầm bay vòng quanh hàng tranh tết, hàng hoa giả giữa lấm tấm mưa phùn hòa lẫn giọng nói, câu cười rả rích. Niềm vui dâng lên trong tôi thật khó tả khi được mẹ mua cho một tấm áo, đôi dép mới. Tôi mân mê, hít hà mãi mùi vải mới tinh tươm trên suốt đường về, nóng lòng mong ngóng đến giao thừa để được mặc. Vậy mà, cũng có phiên chợ tết, tôi đã không giấu được nước mắt tủi hờn khi không có nổi một bộ đồ mới, mặc dù mẹ đã ra sức vỗ về, an ủi. Có lẽ, đó là một cái tết nghèo của mẹ sẽ còn ám ảnh mãi trong ký ức tuổi thơ tôi. Nhớ chợ tết xưa, bất giác tôi liên tưởng đến một bài thơ tết tuyệt hay của cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Ở đó, có một “Chợ Tết” đầy đặn sắc màu được ghi lại hết sức tinh tế bằng thơ: “Người các ấp tưng bừng ra chợ tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”. Và, không gian văn hóa Tết truyền thống được dựng lên với những nét chấm phá bằng lối tả - kể độc đáo: “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”… 2. Đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi vẫn giữ thói quen theo mẹ đi chợ tết. Tâm trạng bồi hồi, háo hức trong tôi dường như vẫn vẹn nguyên như thuở nhỏ. Có khác chăng là tôi không phải nài nỉ mẹ bằng được bộ quần áo mới để mặc tết, mẹ tôi cũng không phải trăn trở ngổn ngang cho việc sắm sửa mỗi khi Tết về. Ngày xưa mẹ dắt tôi lẽo đẽo đi bộ, nhà cách chợ hơn 3 cây số không biết mệt, thì bây giờ tôi chở mẹ bằng xe máy và được giao nhiệm vụ mang xách đồ đạc, có khi chỉ việc ngồi đợi ở cổng chợ khi mẹ mua sắm xong rồi chở về. Khu chợ huyện sau mấy chục năm đã đổi mới rất nhiều. Các lều lán tạm bợ xưa kia đã được thay thế bằng những gian hàng xây dựng kiên cố. Không gian được mở rộng hơn, sầm uất hơn trong sự chen chúc bán mua tấp nập. Vẫn những cành đào trơ mình chịu rét trong tiết mưa phùn nhưng thắm đỏ sắc xuân. Vẫn những chậu quất trĩu quả cùng cơ man hoa kiểng được bày bán rộng khắp, chật cả lối đi. Và âm thanh huyên náo của chợ tết hôm nay, còn là của những sản phẩm công nghệ phát ra từ các siêu thị điện máy. Khi đời sống người dân đã khá giả hơn, nhiều người còn đi chợ tết để sắm cho gia đình mình một chiếc tivi đời mới hay một dàn karaoke hiện đại để chơi tết. Hòa vào dòng chảy của nhịp sống mới, người đi chợ tết hôm nay “sang” hơn, sung túc hơn rất nhiều. Trôi trong miên man ký ức cũ, tôi dõi mắt kiếm tìm những hàng tranh dân gian xưa, kiếm tìm những con tò he được các nghệ nhân tạo hình ngộ nghĩnh, tìm hàng hoa giả làm bằng đủ thứ giấy màu… Tất cả đều không còn nữa. Tôi chạnh lòng nhớ quay quắt khói hương trầm quyện vòng bay lên, phả vào thênh thang không gian chợ tết một thời. Một thời xa lắc. Cụ đồ ngày xưa đã thành người thiên cổ, nét bút “phượng múa rồng bay” cũng đã theo Người về cõi khác. Trong khoảnh khắc ấy, những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên chợt vọng về cắt cứa tâm can: “Năm nay hoa đào nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ". Tôi thuộc típ người hoài cổ nên không giấu nỗi niềm day dứt, luyến thương mùi tết cũ. Tuy nhiên, chợ tết, dù cũ hay mới, chợ trong ký ức tuổi thơ hay nhịp sống hiện đại hôm nay, trong cảm thức của tôi, đều luôn mang một sắc thái, một dư vị rất riêng, rất đặc biệt. Rồi sẽ còn nhiều cái tết của nhiều năm sau nữa, tôi lại được theo chân mẹ đi chợ tết. Đi để được ngược về và sống trong một không gian văn hóa truyền thống; để biết yêu quý và trân trọng hơn những giá trị tinh hoa trong phách hồn dân tộc. Đi chợ tết, ở đấy, tôi cảm nhận rõ hơn hết hơi thở của cội nguồn vọng lại tự ngàn xa… Theo Duyên dáng Việt Nam Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|