Ghé thăm cuộc sống bình yên ở 9 làng chài trên cung đường ven biển |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 26/05/2016, 16:49 GMT+7 |
Dọc cung đường ven biển từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Huế, sẽ rất thiếu sót nếu bạn bỏ qua những làng chài dân dã hay độc đáo. Ở mỗi nơi bạn dừng chân, những làng chài luôn là bức tranh sinh động và chi tiết nhất về cuộc sống của người dân miền biển. 1. Làng chài Mũi Né Một góc làng chài nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiểu Duy Thuộc tỉnh Bình Thuận, làng chài Mũi Né nằm dọc theo bờ biển kéo dài khoảng 1km, bãi biển nơi đây có sóng yên gió lặng quanh năm, vị trí cực kỳ lý tưởng cho tàu bè trú ẩn. Nếu đến đây vào dịp sáng sớm bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh buôn bán tấp nập của ngư dân trở về sau những chuyến biển khuya. Thu mua hải sản ngay tại chỗ. Ảnh: Zen Nguyễn Đến làng chài Mũi Né, ngoài việc trải nghiệm cuộc sống và nghề chài lưới của các ngư dân, bạn còn có thể lựa chọn cho mình những hải sản tươi sống như: mực, cá, tôm, ghẹ, cua, ốc,.. để đem về chế biến các món ăn hoặc có thể nhờ người dân chế biến tại chỗ luôn với giá cực mềm so với mua ở chợ, mà hải sản lại còn tươi ngon nữa. Ngoài ra, bạn cũng được đón tiếp bằng những trái dừa tươi mát, ngọt lịm như chính nụ cười hiền hòa và tấm lòng mến khách của những ngư dân nơi này. 2. Làng chài Sơn Hải Đường vào làng chài Sơn Hải. Ảnh: Tiểu Duy Làng chài Sơn Hải nằm gần mũi Dinh, thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Người dân ở đây mưu sinh chủ yếu từ đánh bắt ven bờ và nuôi trồng rong biển. Nếu bạn yêu thích các món từ rong biển thì đây chính là cơ hội vô cùng hấp dẫn để thưởng thức đấy. Trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp ở làng chài Mũi Né, đến với Sơn Hải bạn sẽ có cảm giác khá bình yên. Nơi này thích hợp cho những ai thích trải nghiệm cuộc sống đúng chất biển, thích câu cá và đặc biệt là thích ăn hải sản. Hệ sinh thái phong phú đa dạng. Ảnh: Mèo Ú Người dân ở đây rất nồng hậu và chân chất, bất kể bạn cần một sự trợ giúp nào, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ mà không cần bất kỳ điều kiện gì. Đừng ngại mở lời trò chuyện với ngư dân, bạn sẽ hiểu thêm về cuộc sống và những khó khăn của nghề biển. Ban đêm, nếu chạy trên đường DT701, bạn sẽ thấy làng chài hiện ra như một bầu trời sao lấp lánh với rất nhiều ánh đèn trắng san sát nhau đẹp vô cùng. 3. Làng chài Bãi Ngang – Tàu Bể Làng Bãi Ngang. Ảnh: Kua Nằm trong bán đảo Bình Lập, làng chài Bãi Ngang và làng chài Tàu Bể nằm dựa vào núi quanh năm êm sóng tạo nên một khung cảnh rất hữu tình. Làng chài Bãi Ngang là nơi có nhiều quán ăn và các khu du lịch như Sao Biển, Đảo Hoa Vàng… thích hợp cho những ai muốn đến ăn uống, nghỉ ngơi, tắm biển. Làng chài thu hút khách du lịch không chỉ bởi biển xanh trong vắt mà còn có món tôm hùm đặc sản chỉ có ở vùng biển Cam Ranh. Người dân tấp nập phân loại hải sản đánh bắt được ở làng Tàu Bể. Ảnh: Tiểu Duy Làng Tàu Bể nằm ở phía cuối và là nơi tập trung dân cư đông nhất Bình Lập, từ đây, bạn có thể thuê tàu ra đảo Bình Ba rất nhanh chóng. Nghề chính của người dân ở làng Tàu Bể là đánh bắt thủy sản. Nếu trước đây khi chưa có đường thông từ xã Bình Lập đến Tàu Bể nên cuộc sống người dân khá khó khăn thì giờ đây, đường đi trong làng đều đã được bê tông hóa, nhà cửa khá khang trang. 4. Làng chài Vạn Giã Cuộc sống yên bình bên làng chài. Ảnh: M.Truong Làng chài Vạn Giã đã có từ lâu nhưng gần đây đảo Điệp Sơn được nhiều người biết đến thì làng chài càng trở nên nhộp nhịp hơn trước. Hầu như du khách muốn đến Điệp Sơn để trải nghiệm con đường dưới biển đều phải đi từ làng chài này. Đặc sản ở Vạn Giã chính là món hàu vừa thơm ngon, vừa rẻ. Thưởng thức gió biển lồng lộng ở làng chài Vạn Giã. Ảnh: Tiểu Duy Biển ở đây tuy không tắm được nhưng bù lại không khí vô cùng dễ chịu. Những buổi chiều, bạn có thể thả bộ trên con đường dọc biển hóng gió, uống một trái dừa ngọt mát và nghe tiếng sóng vỗ rì rào. Ngày nay người dân sống ở làng chài Vạn Giã ngoài công việc đóng tàu, đánh bắt hải sản, họ còn kinh doanh các dịch vụ du lịch như ăn uống, thuê tàu ra đảo… tạo nên một nhịp sống sôi động. 5. Làng chài Xuân Hải Một góc Xuân Hải. Ảnh: Kua Làng chài Xuân Hải nằm ở phía Bắc thị xã Sông Cầu, là nơi tiếp giáp thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây là đánh bắt thủy hải sản ven bờ và xa bờ. Ngày mới của người dân làng chài Xuân Hải bắt đầu từ 4 giờ sáng với nhịp sống đều đặn gắn với biển. Họ là những con người siêng năng, cần mẫn với công việc mưu sinh của mình. Không chỉ đánh bắt các loài cá, đến mùa soi tôm hùm nhí, mùa câu mực hay mùa cá trích là khoảng thời gian bận rộn nhất của ngư dân Xuân Hải, bởi đó là cơ hội kiếm được nhiều tiền nhất. Làng chài nằm ẩn dưới những rặng dừa xanh mướt. Ảnh: Tiểu Duy Hàng năm vào dịp gần rằm tháng sáu âm lịch, người dân Xuân Hải lại tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu Ông Nam Hải để mong mùa màn bội thu, sóng êm gió lặn. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống của cư dân miền biển Xuân Hải nói riêng, và Sông Cầu nói chung từ bao đời nay. 6. Làng chài Nhơn Lý – Nhơn Hải Nhơn Lý nhìn từ Eo Gió. Ảnh: Tiểu Duy Nếu yêu thích du lịch Bình Định, chắc hẳn bạn sẽ không lạ lẫm gì với hai làng chài vô cùng nổi tiếng này. Cả hai làng chài đều nằm trong bán đảo Phương Mai. Nếu Nhơn Lý được nhiều người yêu thích bởi thắng cảnh Eo Gió, Kỳ Co đẹp hút hồn thì Nhơn Hải lại có phần khiêm tốn hơn với Hòn Khô hoang sơ. Dải đất hiện ra khi thủy triều rút ở Nhơn Hải. Ảnh: Huỳnh Ngọc Lắm Thế nhưng điểm chung nhất không thể lẫn vào đâu của hai làng chài này chính là những ngư dân thân thiện, hiếu khách. Bất kể bạn là ai, ở đây đều mang đến cho bạn cảm giác như trở về nhà mình vậy. Đến đây thì hải sản nhiều và rẻ “không thể tin được”, biển thì tuyệt đẹp với làn nước xanh trong nhìn thấu đáy. Và có lẽ cũng bởi nơi đây còn chưa thực sự phát triển về du lịch nên nó vẫn giữ được cho mình sự hoang sơ như đúng những gì mẹ thiên nhiên đã ban tặng. 7. Làng chài Tam Hải Bến đò Tam Hải. Ảnh Tiểu Duy Cách thành phố Tam Kỳ khoảng 40 km về phía Đông Nam huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, làng chài Tam Hải nằm trên đảo Tam Hải được biển bao bọc quanh năm nên người dân luôn thụ hưởng một cuộc sống êm đềm. Đời sống văn hóa nơi đây được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn còn đâu đó trong cuộc sống hằng ngày của người dân sự mến khách, thân thiện và nhiệt tình đã làm bao nhiêu du khách ghé qua không khỏi lưu luyến. Người dân đảo nhiệt tình, hiếu khách. Ảnh: Linh Đào Xã đảo Tam Hải đặc biệt hơn bởi một mặt giáp biển và ba mặt giáp sông nên người dân sinh sống chủ yếu dựa vào biển với những nét văn hóa đặc trưng của người vùng biển. Ngoài bãi, từng thuyền lớn, nhỏ đến những chiếc thuyền thúng xoe tròn neo đậu tô điểm mặt nước xanh ngắt thêm những điểm nhấn sinh động. 8. Làng chài Lăng Cô Vẻ đẹp xanh trong, diệu kì của Lăng Cô. Ảnh: Hà Hải Có tuổi đời hơn 250 năm, nép mình trên vịnh Lăng Cô, làng chài có dải biển đẹp với vẻ thanh khiết của thiếu nữ, khi tấm lưng ong thon thả, mịn màng của nàng quay ra phía biển, nửa e ấp, nửa mơn trớn, bông đùa… đón những vạt sóng trắng xoá. Làng chài Lăng Cô được ôm gọn bởi một bên là núi thẳm và một bên là mênh mông trời nước. Có xóm chài bình yên với những người dân chài chấc phác, hồn hậu. Hoàng hôn Lăng Cô khoác lên chiếc áo choàng rực rỡ – Ảnh: Dzung Viet Le Theo người dân địa phương thì trước kia, nơi này vốn là một làng chài thơ mộng, với từng đàn cò trắng bay về tụ hội, sinh sống. Khi người Pháp đến đây đã đặt tên và ghi địa danh lên bản đồ là “Lang Co” (Làng Cò không có dấu), lâu dần người ta đọc thành Lăng Cô. Giờ đây, khi nhắc đến Lăng Cô người ta nghĩ ngay đến những khu du lịch, khu resort nổi tiếng và chất lượng cao. Nhưng nếu có dịp đến đây bạn sẽ thấy một Lăng Cô khác bình yên và êm ả với những ngõ nhỏ, xóm nhỏ hiền hòa, sạch đẹp đến ngỡ ngàng, thực sự tạo dấu ấn trong lòng du khách. 9. Làng chài An Bằng Nhà tổ được xây san sát nhau. Ảnh: Zing News Không như những làng chài kể trên, làng chài An Bằng ở Huế có một nét văn hóa vô cùng độc đáo mà tờ Daily Mail của Anh phải thốt lên rằng đây là “một nghĩa trang kỳ lạ, đầy màu sắc và xa hoa”. Tại Huế, người dân vẫn hay gọi làng chài này với những cái tên như “thành phố của người chết” hay “thành phố ma An Bằng”. Theo dân trong làng chài, 90% dân làng có họ hàng, người thân đang ở nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ) và họ thường gửi tiền về để xây cất lăng mộ. Vì vậy, ngư dân ở đây thường cạnh tranh nhau để xây những ngôi mộ ngày càng cao to với nhiều hoa văn tỉ mỉ cho những người đã chết.
Kiến trúc nhà tổ được thiết kế tinh xảo. Ảnh: Tiểu Duy Những ngôi mộ tại nghĩa trang này được trang trí bởi nghệ thuật “khảm sành sứ” đặc trưng ở Huế với những họa tiết hoa lá và hình rồng. Một số ngôi mộ có kiến trúc vô cùng công phu, cao 6 mét và được chạm khắc rồng đầy màu sắc vào các cột trụ. Nhiều ngôi mộ mới được xây cao tới 10m và được trang trí tỉ mỉ từng cm. Đặc biệt, một số ngôi mộ ở đây vẫn còn trống, vì nó được xây trước khi có người chết. Link nguồn: http://depplus.vn/tin-tuc/24-05-2016/9-lang-chai-ban-khong-nen-bo-qua-tren-cung-duong-ven-bien/241/42940/ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|