top-banner-2

Thứ ba, 07/01/2014, 08:05 GMT+7

Xử phạt hành chính về thương mại điện tử: Vẫn còn lỗ hổng

Viết bởi lehang   
Thứ ba, 07/01/2014, 08:05 GMT+7

Kể từ khi nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” có hiệu lực (1.1.2014), nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tỏ ra lo lắng.

Họ cho rằng quy định này sẽ gây khó cho hoạt động kinh doanh.

“Quy định sẽ không làm khó cho những doanh nghiệp làm ăn tử tế. Nếu bạn là doanh nghiệp đàng hoàng, chỉ cần khai báo vài dòng trên trang web của cục Thương mại điện tử (TMĐT) là xong. Cốt lõi của nghị định này là triệt tiêu những kẻ kinh doanh gian dối”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, trưởng đại diện hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) phía Nam tư vấn.

Còn theo ông Trần Hữu Linh, cục trưởng cục TMĐT (bộ Công thương), với những địa chỉ web có đăng ký, khi có khiếu nại từ người tiêu dùng, những cơ quan quản lý cũng có những cách giải quyết “nhẹ nhàng” với các chủ web: khi nhận được năm ý kiến phản ảnh về chất lượng hàng hoá, dịch vụ, cục sẽ yêu cầu chủ web giải trình, sau 15 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu giải trình mà chủ web không giải trình mới bị xếp vào danh mục những trang web “có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. Ông Linh cho rằng, quy định này giúp thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ổn định môi trường kinh doanh lành mạnh là điều cần làm. Nhưng làm tới đâu, hiệu quả thế nào cần chờ thời gian trả lời.

Tuy nhiên, đối tượng chịu sự chi phối của nghị định 185 là hàng trăm ngàn website đang hoạt động trên môi trường mạng Việt Nam! Theo nghị định 52 có hiệu lực 1.7.2013, website TMĐT là “những website do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ những hoạt động: xúc tiến thương mại, bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của mình”. Căn cứ vào định nghĩa này, những website dù không có chức năng bán hàng, chỉ giới thiệu sản phẩm cũng phải đăng ký với cục TMĐT vì có chức năng “tiếp thị sản phẩm”, một trong những hoạt động của xúc tiến thương mại. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Dũng cho biết, những địa chỉ kinh doanh trên các mạng xã hội, như facebook, twitter… sẽ không thuộc diện quản lý của nghị định 185 vì những mạng xã hội này chưa đăng ký tại Việt Nam. Với “quy định” này, trong thời gian tới, có lẽ các mạng xã hội sẽ tràn ngập các gian hàng TMĐT!

Theo nghị định 185 kể trên, bắt đầu từ ngày 1.1.2014, các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT dưới các hình thức website thương mại điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, nếu: “không đăng ký hoặc thông báo về website vừa được thành lập hoặc chuyển nhượng, cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website, giả mạo thông tin trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hoá dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh…” cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định, sẽ bị xử phạt từ 10 – 100 triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm. Cùng với việc áp dụng hình thức phạt tiền, các website thương mại điện tử vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động từ 6 – 12 tháng, bị tịch thu tang vật và phương tiện cũng như bị thu hồi tên miền nếu đó là tên miền “.vn”.

Theo SGTT


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xử phạt hành chính về thương mại điện tử: Vẫn còn lỗ hổng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc