top-banner-2

Thứ sáu, 17/02/2017, 09:20 GMT+7

Câu chuyện hồ tiêu

Viết bởi ducanh   
Thứ sáu, 17/02/2017, 09:20 GMT+7

Hiện giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm và đang ở mức trên dưới 120.000 đồng/kg, giảm 30% so với thời điểm giữa năm 2016 và bằng mức giá của tháng 8/2011. Vì sao giá hồ tiêu lại giảm như vậy? Giá hồ tiêu sẽ giảm tới mức nào? Và, người trồng hồ tiêu đang suy nghĩ gì? Cung đang vượt quá cầu?

1-ho-tieu

Tháng 12/2016, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có một đoàn khảo sát sản lượng hồ tiêu tại các địa phương có trồng hồ tiêu để dự báo sản lượng hồ tiêu trong niên vụ 2016/2017. Từ những số liệu thu thập được, VPA dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam ước vào khoảng 180.000 tấn, tăng ít nhất 15% so với niên vụ trước.

Trong những năm qua, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu. Do vậy, chỉ cần Việt Nam tăng sản lượng, ngay sau đó, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới sẽ có xu hướng giảm. Giá hồ tiêu giảm trong thời gian qua, theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch VPA, do yếu cố cung vượt quá cầu.

Ngoài ra, giá giảm cũng một phần liên quan đến “yếu tố tâm lý”, khiến các doanh nghiệp ngại mua, trữ hồ tiêu mà nguyên nhân xuất phát từ những kiến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC).

Yếu tố tâm lý từ rào cản kỹ thuật

Theo VPA, dù Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua nhưng chất lượng hồ tiêu cũng đang trở thành một rào cản khi các thị trường lớn đang đưa thêm những “rào cản kỹ thuật” đối với mặt hàng hồ tiêu nhập khẩu, trong đó chủ yếu là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này được thể hiện rõ nhất tại thị trường EU, thị trường quan trọng của hạt tiêu Việt Nam.

Cụ thể, trở ngại hiện nay đó là vấn đề dư lượng hoá chất Metalaxyl trên hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, hồ tiêu xuất vào thị trường EU, lượng tối đa cho phép (MRLs) đối với hoá chất Metalaxyl là 0.1 ppm, nhưng năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép chỉ là 0,05 ppm. Nếu kiến nghị này được thông qua, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xuất vào châu Âu.

Trong thư gửi VPA của Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) vào cuối tháng 1/2017, ESA cho biết, trong năm 2016, họ đã phân tích 799 mẫu tiêu đen Việt Nam nhập vào EU thì chỉ có 17% số mẫu có dư lượng tối đa dưới 0,05 ppm. Như vậy, nếu kiến nghị của EC áp dụng MRLs cho phép đối với hồ tiêu nhập khẩu được thông qua, hơn 80% lượng hồ tiêu xuất khẩu vào EU của Việt Nam sẽ khó khăn (năm 2016, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào EU là 40.000 tấn, tương đương 23% lượng hồ tiêu xuất khẩu).

Nói như vậy mới thấy, chỉ cần một điều chỉnh trong lượng tối đa cho phép MRLs, hồ tiêu Việt Nam sẽ đối diện ngay khó khăn. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, việc EC muốn điều chỉnh lượng tối đa cho phép chất Metalaxyl là 0,1 ppm xuống còn 0,05 ppm là một hàng rào kỹ thuật hơn là lo ngại về vấn đề sức khỏe người tiêu dùng, vì với hàm lượng  Metalaxyl là 0,1 ppm được cho là bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng mà không cần phải xuống đến mức chỉ còn 0,05 ppm.

Tại một thị trường khác là Mỹ, nơi có lượng hồ tiêu xuất khẩu tương tự châu Âu, nhiều khả năng các nhà xuất khẩu cũng sẽ phải đón nhận những thông tin không vui. Theo VPA, cơ quan quản lý của Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị ban hành hàng loạt quy định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu trong đó có hồ tiêu.

Hiện các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đang ở trong trạng thái chờ xem kiến nghị của EC có được thông qua hay không, mà như vậy, động thái của các nhà xuất khẩu trong nước là sẽ giảm lượng giao dịch. Điều này được thể hiện khi lượng hồ tiêu xuất khẩu trong tháng 1/2017 của Việt Nam chỉ đạt 8.000 tấn, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2016. Vì vậy, theo một số chuyên gia và doanh nghiệp, giá hồ tiêu giảm một phần do yếu tố tâm lý.

Có nên đầu cơ?

Hồ tiêu là một mặt hàng nông sản và giống như cà phê, hồ tiêu đã được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa ở Ấn Độ và có thể tại Việt Nam trong thời gian tới, tức là hồ tiêu đang được mua bán ở hai dạng giao dịch hàng thật và giao dịch hàng giấy.

Nhiều doanh nghiệp và nông dân Việt Nam - thủ phủ của cây hồ tiêu thế giới, thường chọn giao dịch hàng thật. Câu hỏi đặt ra là với giá giảm như hiện nay, doanh nghiệp, các đại lý, người trồng hồ tiêu nên có động thái như thế nào?

Thông thường, quyết định bán của nông dân căn cứ trên dự báo giá hồ tiêu tăng hay giảm so với hiện tại. Trong trường hợp này, những bên liên quan dự báo là giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, và như vậy, theo quy luật, những người trồng sẽ bán hồ tiêu để không bị thua lỗ. Ngược lại, nếu dự báo giá hồ tiêu hồi phục, người trồng và nhất là các đại lý sẽ tranh thủ mua vào dự trữ, đầu cơ chờ giá lên bán kiếm lời.

Về lý thuyết là như vậy. Còn thực tế ở Việt Nam, thị trường hồ tiêu trong thời điểm này như thế nào? Đang có một đợt bán tháo hay có tâm lý giữ lại hàng chờ giá lên?

Bà Nguyễn Mai Oanh cho biết, hiện tại, người trồng hồ tiêu đang giữ hồ tiêu không bán ra nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu muốn mua nhưng không thể mua được. Như vậy, người trồng hồ tiêu vẫn cho rằng trong thời gian tới, giá hồ tiêu sẽ tăng trở lại. Trong khi phía VPA lại có dự báo ngược lại bởi những yếu tố như sản lượng trong nước và hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Theo VPA, việc nông dân giữ lại không bán khi giá đang giảm lúc này có thể là một quyết định “không khôn ngoan” vì chưa có những tín hiệu thị trường nào để bảo đảm giá tiêu sẽ tăng trở lại.

Ai sẽ đúng? Thời gian sẽ có câu trả lời tốt nhất.

Theo Vũ Hạ - Baochinhphu.vn - 16/2/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Câu chuyện hồ tiêu

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc