top-banner-2

Thứ ba, 22/11/2016, 09:27 GMT+7

2 năm đóng cửa 2 TTTM đình đám, chuyện gì đang xảy ra trong nội bộ Parkson Hà Nội?

Viết bởi An An   
Thứ ba, 22/11/2016, 09:27 GMT+7

Parkson Hà Nội hiện do 4 bên sở hữu, gồm Parkson Việt Nam, Công ty đầu tư Thuỳ Dương, ông Lê Minh Dũng và ông Hoàng Mạnh Cường.

Parkson Retail Asia có 2 công ty con trực tiếp ở Việt Nam là Công ty TNHH Parkson Hải Phòng và Công ty TNHH Parkson Việt Nam. Trong đó, Parkson Việt Nam lại có 2 công ty con là Công ty TNHH quản lý dịch vụ Parkson Việt Nam và Công ty TNHH Parkson Hà Nội.

Parkson Hà Nội chính là cái tên quản lý 2 toà nhà Parkson Keangnam và Parkson Viet Tower. Cả 2 trung tâm thương mại này đã lần lượt đóng cửa, Keangnam là tháng 1/2015 và Viet Tower là giữa tháng 12 tới đây.

1-lam-an-thua-lo

Những cổ đông của Parkson

Parkson Hà Nội được thành lập tháng 3/2008. Khi đó, Parkson Việt Nam chỉ có tỷ lệ sở hữu 49%, do pháp luật Việt Nam giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ các điều lệ của công ty, Parkson Việt Nam vẫn nắm quyền kiểm soát hội đồng quản trị của Parkson Hà Nội. Vì vậy, dù không sở hữu quá bán nhưng Parkson Hà Nội vẫn được coi là công ty con của Parkson Việt Nam.

51% còn lại của Parkson Hà Nội được chia làm 3 phần, do Công ty TNHH IDIS sở hữu 21%, Công ty cổ phần đầu tư Thuỳ Dương nắm 20% và ông Lê Minh Dũng nắm 10% còn lại.

Sau khi được cho phép tăng quyền sở hữu, Parkson Việt Nam đã mua lại 21% phần vốn từ tay IDIS và nâng tỷ lệ sở hữu tại Parkson Hà Nội lên 70%. Giao dịch này được thực hiện vào tháng 1/2010, giá trị hơn 1 triệu USD, trong khi giá trị sổ sách của Parkson Hà Nội khi đó là 6,6 triệu USD.

2 nhà đầu tư còn lại đều là những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản. Công ty Thuỳ Dương chính là chủ đầu tư toà TD Plaza tại Hải Phòng. Tháng 12/2008, Công ty Thuỳ Dương đã bán toà TD Plaza cho Công ty Parkson Hải Phòng.

Ông Lê Minh Dũng từng là thành viên hội đồng quản trị Parkson. Ông bắt đầu sự nghiệp tại Vinaconex vào năm 1996 sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại Thương và đến nay có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Năm 2004, ông gia nhập tập đoàn CBRE, một tập đoàn tư vấn bất động sản Mỹ và trở thành một trong những giám đốc đầu tiên của công ty.

Ngoài ra, ông Lê Minh Dũng còn tham gia Hội đồng quản trị của tập đoàn Ascott (Singapore), một tập đoàn đầu tư bất động sản quốc tế. Tháng 10/2014, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Syrena Việt nam, kiêm Giám đốc điều hành khối bất động sản và nghỉ dưỡng. Syrena là công ty con của Tập đoàn tư nhân Bim Group, cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Vốn điều lệ ban đầu của Parkson Hà Nội là 4,8 triệu USD và sau này được tăng lên trên 10 triệu USD. Tuy nhiên, do Công ty Thuỳ Dương và ông Lê Minh Dũng không tăng vốn theo tỷ lệ tương ứng, nên tỷ lệ sở hữu của Parkson Việt nam tại đây là gần 76%, công ty Thuỳ Dương giảm xuống còn trên 16% và ông Lê Minh Dũng là trên 8%.

Thua lỗ lớn từ Parkson Keangnam

Năm 2015, cổ đông của công ty mẹ Parkson Retail Asia đón nhận cú sốc tài chính lớn khi công ty thua lỗ tới 52,8 triệu đô la Singapore (khoảng 833 tỷ đồng). Nguyên nhân xuất phát chính từ Parkson Hà Nội, do công ty huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 trước thời hạn. Chi phí cho việc huỷ hợp đồng lên tới 1.020 tỷ đồng, nhưng Parkson Hà Nội vẫn chấp nhận vì muốn "tránh việc tiếp tục thua lỗ do những thách thức của thị trường bán lẻ".

Thương vụ này khiến Parkson lỗ tổng cộng 1.250 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Ngay sau đó, Parkson đã quyết định thoái bớt vốn tại Parkson Hà Nội, bán 31% cho ông Hoàng Mạnh Cường, giảm tỷ lệ sở hữu từ 76% xuống còn 45%, mất quyền kiểm soát và chuyển Parkson Hà Nội từ công ty con thành công ty liên kết.

Ông Hoàng Mạnh Cường chính là Phó Tổng giám đốc của Công ty đầu tư Thuỳ Dương, nhưng điều đáng chú ý hơn là thương vụ này chỉ có giá trị vỏn vẹn 5.000 USD (khoảng 110 triệu đồng).

Việc chuyển Parkson Hà Nội từ công ty con sang công ty liên kết có thể là động thái nhằm làm đẹp báo cáo tài chính của công ty mẹ Parkson. Việc điều chuyển này giúp Parkson không phải ghi nhận khoản lỗ khổng lồ từ Parkson Hà Nội. Chính vì thế, lợi nhuận của Parkson tăng vọt trở lại tại thị trường Việt Nam, lên tới 551 tỷ đồng trong năm 2016, dù cho doanh thu chỉ đạt 547 tỷ đồng.

Sau khi đóng cửa nốt Parkson Viet Tower, hệ thống của Parkson sẽ chính thức không còn trung tâm thương mại nào tại Hà Nội. Đây là trung tâm thứ 2 ở Hà Nội và là trung tấm thứ 3 tại Việt Nam đóng cửa trong vòng chưa đầy 2 năm qua. Hồi giữa tháng 5/2016, Parkson Paragon tại TPHCM cũng phải ngừng hoạt động.

Dù phía Parkson không nêu rõ nguyên nhân vì sao đóng cửa Trung tâm thương mại này nhưng nhiều nguồn tin cho rằng nguyên nhân rất có thể cũng là do làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả. Xu hướng kinh doanh trong các Trung tâm thương mại dường như không phù hợp với phong cách mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam.

Theo Tri Thức Trẻ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

2 năm đóng cửa 2 TTTM đình đám, chuyện gì đang xảy ra trong nội bộ Parkson Hà Nội?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc