top-banner-2

Chủ nhật, 20/09/2015, 08:52 GMT+7

Để Tết Trung thu vẹn tròn trong mắt trẻ

Viết bởi Đức Lợi   
Chủ nhật, 20/09/2015, 08:52 GMT+7

Tết Trung thu người ta thường gọi là tết trông trăng, phá cỗ. Ngắm trăng, chơi trăng và phá cỗ. Cỗ cũng giản dị lắm. Bưởi, hồng, chuối trứng cuốc với dăm chiếc bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền. Mọi đôi mắt trẻ đều ngước lên ngắm vầng trăng rằm vằng vặc treo giữa trời, tỏa ánh vàng ngời ngợi, rạng rỡ, trong sáng nhất trong mười hai mùa trăng. Trải manh chiếu ngồi quây quần dưới ánh trăng thu mát rượi, vui đón Tết giữa biển ánh sáng mênh mông, tràn ngập khắp mọi nẻo.

Nay thì, bánh Trung thu đầy ắp, đủ loại cao lương mỹ vị, sơn hào hải vị, nhưng có dành cho trẻ con đâu. Tết Trung thu giờ là của người lớn rồi. Mà họ làm gì có thời gian trông trăng…

tet-trung-thu-trong-mat-tre-em

 Thiếu nhi vui Tết Trung thu. Ảnh: ĐĂNG ANH 

Là bởi, người ta còn mải kén chọn những loại bánh cao cấp để mua đi biếu xén, quà cáp. Ruột bánh, nhân bánh dường như gói gọn mối quan hệ đối nhân, xử thế. Những loại nhân như trà xanh hạnh nhân, hạt sen tứ quý, đậu đỏ sầu riêng, gà quay sốt, lạp xường ngũ hạt… đã bị xuống hạng từ lâu. Ngay cả nhân bào ngư, hải sâm cho tới vi cá cũng trở nên lép vế trước yến sào, đông trùng hạ thảo. “Đắt xắt ra miếng”, dòng bánh cao cấp ấy tất nhiên giá cũng phải “siêu cao”, khoảng 11 đến 13 triệu đồng một hộp. Ai cũng biết, chẳng ai dám bỏ tiền ra mua về cho trẻ em thưởng thức. Thế nên giờ người ta lan truyền câu cửa miệng: “Người mua không ăn, người ăn không phải mua”. Người mua làm sao có thể bẻ đôi, cắt bánh ra mà xem trong ruột chứa cọng vi cá, vài sợi yến sào hay một mẩu nhỏ đông trùng hạ thảo. Nếu có bẻ ra thì “nhân ruột” cũng thế cả thôi. Đắt là ở cái hộp mang hình ảnh biểu trưng cho sự may mắn, phúc lộc. Thôi thì đủ kiểu, làm bằng da hươu, da nai hoặc sơn mài, mạ vàng lấp lánh. Được thiết kế sang trọng đến độ, có những chiếc hộp giá đắt gấp năm, mười lần bánh bên trong. Đắt vậy, nhưng nghe nói mùa này, sức mua, sức ăn không hề giảm, vẫn tới ngót năm nghìn tấn. Với mức giá thấp nhất hai trăm nghìn, cao nhất 13 triệu đồng một hộp, người ta có thể tính ra người dân Việt đổ ra tới cả nghìn tỷ đồng, để mua bánh. Đương nhiên, sức mua luôn nghiêng lệch cán cân về phía biếu tặng, trẻ con may ra thì được một góc nhỏ.

Trăng khuyết, trăng lại tròn. Đã qua bao mùa Trung thu, lẽ ra tấm bánh cho trẻ ngày càng phải vẹn tròn, đầy đặn. Người lớn không nên “ăn theo”, nhất là “bóp méo” tấm bánh và nhồi nhét vào ruột những loại “nhân” quá xa xỉ, đắt tiền. Ấy là chưa kể, hàng chục tấn nhân trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, sao tẩm đủ loại chất tạo mầu, bảo quản, chống mốc. Đến hẹn lại lo bánh sạch, bánh “bẩn”. Hàng nghìn lò bánh, quầy bán thì bạt ngàn, người mua làm sao thông thái phân biệt giữa “ma trận” nhân bánh… Đâu đó đã vang lên những lời kêu gọi: Hãy trả lại Tết Trung thu cho trẻ em. Để niềm vui trong mắt trẻ, thật vẹn tròn, đầy đặn như vầng trăng rằm viên mãn, không bị che khuất, lu mờ hay hoen ố. Câu chuyện xoay quanh chiếc bánh Trung thu biến tướng, lòng vòng biếu tặng, năm nào cũng được nêu ra. Rốt cuộc, tấm bánh ấy vẫn là để… dành cho người lớn. Ở những vùng sâu, xa xôi, ngay cả vùng ven đô thị, trẻ con hầu như chỉ tròn xoe mắt, ngắm trăng suông với múi bưởi, quả hồng ngâm.

Theo Thanh Tuyền/Nhandan news


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Để Tết Trung thu vẹn tròn trong mắt trẻ

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc