top-banner-2

Thứ năm, 18/06/2015, 08:25 GMT+7

Điều kiện thành lập VP đại diện của thương nhân nước ngoài

Viết bởi An An   
Thứ năm, 18/06/2015, 08:25 GMT+7

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó quy định rõ điều kiện cấp Giấy phép thành lập các đơn vị này.

Quy định này sẽ áp dụng với Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài chuyên hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa và hoạt động trong những lĩnh vực chưa được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành.

van-phong-dai-dien-cua-thuong-nhan-nuoc-ngoai1

Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp thương nhân đó hoạt động trong các lĩnh vực: dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan, dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý, dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật liên quan, dịch vụ nhượng quyền thương mại.

Cụ thể, thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:

1- Là thương nhân được pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ (quốc gia) nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp; 2- Đã hoạt động ít nhất 1 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở quốc gia của thương nhân;

3- Văn phòng đại diện chỉ được đặt trụ sở tại địa điểm được phép sử dụng làm văn phòng của thương nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật (về quy hoạch, về điều kiện an ninh, trật tự và về các điều kiện khác);

4- Một địa điểm chỉ được đặt trụ sở của một Văn phòng đại diện;

5- Diện tích của địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện phải phù hợp với quy mô hoạt động, số lượng người lao động của Văn phòng đại diện nhưng không nhỏ hơn 16m2.

Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:

1- Là thương nhân được pháp luật của quốc gia nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp;

2- Đã hoạt động ít nhất 5 năm, kể từ khi thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở quốc gia của thương nhân;

3- Chi nhánh chỉ được đặt trụ sở tại địa điểm được phép sử dụng làm văn phòng của thương nhân nước ngoài theo quy định pháp luật (về quy hoạch, về điều kiện an ninh, trật tự và về các điều kiện khác);

4- Một địa điểm chỉ được đặt trụ sở của một Chi nhánh;

5- Diện tích của địa điểm đặt trụ sở Chi nhánh phải phù hợp với quy mô hoạt động, số lượng người lao động của Chi nhánh nhưng không nhỏ hơn 16m2.

Dự thảo nêu rõ, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài có thời hạn 5 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài.

Trình tự cấp giấy phép

Theo dự thảo, để được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, thương nhân nước ngoài nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc trực tuyến 1 bộ hồ sơ về Sở Công Thương, Ban quản lý nơi dự kiến đặt Văn phòng đại diện.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công Thương, Ban quản lý kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương, Ban quản lý xem xét và quyết định cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản và nêu rõ lý do.

Sở Công Thương, Ban quản lý gửi bản sao Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tới Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở và cơ quan quản lý chuyên ngành (nếu có).

Để được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh, thương nhân nước ngoài nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc trực tuyến 1 bộ hồ sơ về các Bộ quản lý ngành theo quy định.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ quản lý ngành kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ quản lý ngành hoàn thành việc thẩm định và quyết định cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản và nêu rõ lý do.

Bộ quản lý ngành gửi bản sao Giấy phép thành lập Chi nhánh tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý ngành ở địa phương, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh nơi Chi nhánh đặt trụ sở.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Theo chinhphu.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Điều kiện thành lập VP đại diện của thương nhân nước ngoài

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc