top-banner-2

Thứ ba, 16/09/2014, 09:46 GMT+7

Doanh nghiệp Việt ngây thơ đòi SamSung chuyển giao công nghệ

Viết bởi Văn Tuyết   
Thứ ba, 16/09/2014, 09:46 GMT+7

Không ít những câu hỏi ngây thơ dành cho Samsung khi đề nghị, được chuyển giao công nghệ, hay được ký thoả thuận khung trước về khả năng ký hợp đồng mua hàng thì mới đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng.

Quá lạc hậu, khó chơi với Samsung

Tại cuộc gặp gỡ gần 200 doanh nghiệp Việt để tìm kiếm đối tác cung ứng hôm 11/9, nói, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Hiếu hy vọng, đầu tư của SamSung sẽ vượt ngưỡng 10 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam trong năm nay. Kéo theo, đã bắt đầu có chuỗi cung ứng linh kiện cho Samsung với gần 100 nhà cung cấp.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong gần 100 nhà cung cấp vệ tinh cho Samsung, chỉ có 7 DN Việt Nam, cung cấp chủ yếu là bao bì, in ấn. Ở nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, cũng có vài ba doanh nghiệp Việt cung cấp cho Samsung nhưng là qua các công ty trung gian, làm nhà cung cấp cấp 3, cấp 4 và là các đơn hàng nhỏ lẻ.

công-nghiệp-hỗ-trợ, Samsung, Bắc-Ninh, điện-thoại, xuất-siêu, FDI, giải ngân, đầu-tư, Trung-Quốc, cứ-điểm-sản-xuất, nhập-siêu,

Không có DN nào đủ sức làm đối tác cấp 1 của SamSung

Việt Nam có thể lỡ nhiều cơ hội và chẳng kiếm được gì từ Samsung ngoài cái danh "cứ điểm sản xuất toàn cầu", nếu như năng lực các DN Việt Nam trong ngành này không được cải thiện.

Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Complex Shim Won Hwan nói "Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn lạc hậu, dù Samsung có mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam đến đâu đi chăng nữa thì vẫn cần có điều kiện làm tiền đề, chính là công nghiệp phụ trợ".

Sau khi Samsung nêu ra 8 tiêu chí khắt khe về năng lực để có thể hợp tác trực tiếp, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài còn khẳng định rằng, không có ai ở đây trong số 200 doanh nghiệp có thể đáp ứng và trở thành đối tác cung ứng cấp 1 của Samsung.

Có một khoảng cách xa về trình độ giữa các doanh nghiệp Việt và Tập đoàn lớn này.

Vị Cục trưởng trên đặt câu hỏi: vốn có thể vay ngân hàng, nhưng công nghệ là một vấn đề. Samsung có chính sách hỗ trợ để chuyển giao công nghệ cho các nhà cung cấp cấp 1?

Một vị DN Việt Nam khác bày tỏ: "Chúng tôi có vốn để đầu tư, liệu các ông có thể giới thiệu công nghệ để chúng tôi tiến hành sản xuất sản phẩm cho phù hợp?"

Ông Jang Hoyoung, Tổng giám đốc bộ phận mua hàng của Samsung Electric Việt Nam thẳng thắn: "Sẽ rất khó để học ngay trực tiếp những công nghệ mà Samsung đang bảo lưu. Bởi phần lớn linh kiện chính đều do chúng tôi phải trực tiếp sản xuất, chi phí đầu tư rất lớn, các DN đang cung cấp hàng cho chúng tôi cũng không đủ công nghệ để làm được".

"Trường hợp chúng tôi dự kiến đầu tư 1 nhà máy sản xuất linh kiện cho Samsung và các doanh nghiệp khác. Liệu, Samsung có thể ký thoản thuận khung để chúng tôi làm cơ sở đầu tư sản xuất không?", ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nêu băn khoăn.

"Chúng tôi chỉ có thể đồng ý đăng ký DN đó vào hệ thống đối tác để mua hàng. Nhưng chúng tôi không thể ký một thoả thuận khung khi chưa biết, doanh nghiệp đó năng lực đến đâu", ông Jang chia sẻ.

Tiến dần từng bước

Thậm chí, một vị Tổng giám đốc khác còn cho rằng, đây là câu chuyện con gà- quả trứng. Không có chính sách, cam kết hỗ trợ của Chính phủ, của Samsung về đầu ra thì chúng tôi không làm được.

Một vị chuyên gia trong ngành bảy tỏ: "Sẽ rất sai lầm khi kỳ vọng một Tập đoàn lớn như vậy chuyển giao công nghệ cho mình. Giá trị công nghệ của họ là hàng tỷ USD. Nếu có tư duy này thì sẽ rất khó thành công".

công-nghiệp-hỗ-trợ, Samsung, Bắc-Ninh, điện-thoại, xuất-siêu, FDI, giải ngân, đầu-tư, Trung-Quốc, cứ-điểm-sản-xuất, nhập-siêu,

Phải đầu tư tiến dần từng bước mới có thể tham gia chuỗi toàn cầu.

Ông Hồng Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư và phát triển công nghệ Hồng Nam nhìn nhận: "Có một số loại sản phẩm của Samsung giới thiệu, chúng tôi chưa làm bao giờ, nhưng với 8 tiêu chí mà Samsung nêu, chúng tôi cũng có thể đáp ứng".

Tuy nhiên, ông bày tỏ: "Đừng nên đặt mục tiêu là nhà cung cấp cấp 1 của một Tập đoàn lớn như Samsung ngay, bởi nếu làm hỏng, nghĩa là mất hoàn toàn cơ hội. Tôi nghĩ, chỉ nên tiến dần từng bước, làm nhỏ thôi và nên bắt đầu ở vị trí thứ cấp, làm nhà cung cấp thứ 3, thứ 4 trước đã".

Ông Nam cũng cho rằng: "Không nên trông chờ kỳ vọng bất kỳ sự hỗ trợ nào của Chính phủ hay của Tập đoàn, vì nếu có hỗ trợ, chưa chắc đã tốt".

Vị Tổng giám đốc bộ phận mua hàng của Samsung cũng khuyên tương tự: "DN nên làm cấp 3, 4 trước, tích luỹ kinh nghiệm rồi tiến dần lên làm nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung".

"Dù Chính phủ có chủ trương hỗ trợ thì các doanh nghiệp vẫn phải tự lực trước đã, bằng tinh thần doanh nghiệp, bằng đam mê. Sự hỗ trợ của Chính phủ chỉ là một phần nhỏ để thúc đẩy doanh nghiệp thôi", ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương nói.

Theo Vietnamnet


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nghiệp Việt ngây thơ đòi SamSung chuyển giao công nghệ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc