Metro Việt Nam vẫn đang làm ăn tốt? |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ sáu, 22/08/2014, 08:45 GMT+7 |
Liệu Metro Việt Nam có thực sự vì kinh doanh thua lỗ mà bán hết mảng kinh doanh của mình hay không? Sau thương vụ tỉ phú Thái Lan mua lại toàn bộ hệ thống Metro Việt Nam, nhiều người bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về độ thành công của mô hình siêu thị bán buôn. Tuy nhiên, liệu Metro Việt Nam có thực sự vì kinh doanh thua lỗ mà bán hết mảng kinh doanh của mình hay không? Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2001, Metro Cash & Carry đã từng bước xây dựng đế chế tại Việt Nam. Sau 12 năm, số lượng cơ sở tại Việt Nam của Metro đã lên đến con số 19, đứng thứ 2 tại châu Á chỉ sau Trung Quốc. Tổng kết lại 12 năm, doanh thu của Metro có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu năm 2002, doanh thu của Metro chỉ đạt gần 600 tỉ đồng thì đến 9 tháng đầu năm 2013, con số này đã là 14.500 tỉ đồng. Tính ra, doanh thu của Metro Việt Nam đã tăng trưởng 24 lần trong vòng 12 năm. Thời điểm này tại Việt Nam, không có nhiều công ty có quy mô doanh thu đạt trên 10.000 tỷ. Riêng trong lĩnh vực siêu thị, ngoài Saigon Coop và Big C đủ sức cạnh tranh ra, Metro không có đối thủ. Để doanh thu liên tục tăng trưởng qua các năm, Metro Việt Nam sử dụng công thức thường thấy: Mở rộng số lượng trung tâm trong thời gian ngắn. Trong phát triển hệ thống siêu thị bán lẻ hay bán buôn, các doanh nghiệp đều tiến hành mở rộng hệ thống thông qua tăng số lượng trung tâm, kéo theo doanh thu tăng. Với việc mở ra thêm tới 17 trung tâm chỉ trong 12 năm, doanh thu của Metro có tăng trưởng là điều dễ hiểu. Trung bình mỗi năm, Metro lại mở thêm từ 1 – 2 trung tâm, do đó doanh thu cũng tăng đều đặn qua các năm. Tính tới thời điểm này, Metro là doanh nghiệp đứng thứ 2 về bán buôn và đứng thứ 3 về quy mô tại Việt Nam. Số trung tâm của Metro Việt Nam đã tăng từ 2 lên 19 trung tâm, đặt tại 14 tỉnh thành với 110.000 mét vuông diện tích bán. Mặc dù vậy, con số doanh thu tăng 24 lần trong vòng 12 năm chưa chắc đã là dấu hiệu tích cực. Hay nói rõ hơn, mức tăng doanh thu như vậy chưa tương xứng với 17 trung tâm mở thêm. Thử tính doanh thu trung bình trên mỗi trung tâm Metro, có thể thấy con số này ngày càng kém. Cụ thể, vào thời điểm đỉnh cao là năm 2009, doanh thu trung bình mỗi trung tâm của Metro đạt hơn 1.100 tỉ đồng/năm. Con số này đã giảm dần qua các năm gần đây. Đến năm 2012, doanh thu trên mỗi trung tâm của Metro chỉ còn đạt 760 tỷ đồng. Đây không chỉ là mức thấp nhất trong nhiều năm tại Việt Nam của Metro, mà còn là mức thấp nhất trong khu vực. Tại Trung Quốc, nơi Metro có 69 trung tâm, doanh thu trên mỗi trung tâm của tập đoàn đạt hơn 30,3 triệu euro (khoảng 859 tỉ đồng). Tại các thị trường châu Á khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, dù số lượng trung tâm ít hơn, nhưng trung bình doanh thu trên mỗi trung tâm đều tốt hơn. Nguyên nhân khiến doanh thu trung bình mỗi cửa hàng sụt giảm đến từ việc Metro mở rộng quá nhanh tại các tỉnh thành và nông thôn. Chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ và các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định khiến chiến lược tăng cường số lượng của Metro Việt Nam không phát huy được hiệu quả. Cùng với đó, giai đoạn 2008 – 2012 trùng với thời điểm khó khăn của nền kinh tế, khi người dân phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu.Những tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế giai đoạn này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh của Metro Việt Nam. Doanh thu của Metro Việt Nam so với những đối thủ cạnh tranh chính Động thái bất ngờ Mặc dù vậy, quyết định bán Metro Việt Nam của tập đoàn mẹ là một động thái bất ngờ. Trước khi bán, Metro luôn coi Việt Nam là thị trường quan trọng tại châu Á. Khi mới bước chân tới Việt Nam, tập đoàn này chỉ dự định mở 8 trung tâm phân phối tại Việt Nam. Nhưng sau hơn 10 năm góp mặt, con số này đã tăng lên tới 19 cửa hàng. Với tốc độ tăng trưởng của nên kinh tế hàng năm luôn trên 5%, Metro luôn đánh giá cao thị trường Việt Nam, ngang ngửa với Ấn Độ. Tại châu Á, sô lượng cửa hàng Metro Cash & Carry tại Việt Nam cũng chỉ xếp sau Trung Quốc. Việc hãng bán lẻ Đức mở thêm nhiều trung tâm tại các tỉnh thành, nông thôn cũng cho thấy ý định đầu tư lâu dài chứ không chỉ là thử nghiệm của Metro. Bất chấp việc mở rộng trung tâm nhanh chóng, doanh thu của Metro Việt Nam vẫn tăng trưởng đều qua các năm, chỉ đứng thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc Dù doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng có phần giảm sút, nhưng nó hứa hẹn sẽ hồi phục sau khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn và các trung tâm mới mở đi vào hoạt động ổn định. Trong năm tài khóa 2013, dù chỉ kéo dài 9 tháng (do công ty thay đổi niên độ báo cáo), nhưng Metro Việt Nam cũng đạt doanh thu 519 triệu euro, ngang ngửa với doanh thu năm tài khóa trước đó, dù số lượng trung tâm không đổi. Một vấn đề nữa đó là yếu tố thuế. Theo báo cáo của cơ quan thuế, Metro Việt Nam đã lỗ tới 11 năm trong tổng số 12 năm hiện diện tại Việt Nam. Báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Nghi án chuyển giá trốn thuế được đặt ra với Metro cũng chẳng kém gì Coca-Cola. Tuy nhiên, đối với Metro Việt Nam, việc “lách” được đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có) cũng là một lợi thế quan trọng trong kinh doanh khi nó giúp DN thu về nhiều lợi nhuận hơn. Trong thương vụ mua lại Metro Việt Nam, tỉ phú Thái Lan đã bỏ ra tới 655 triệu euro (xấp xỉ 18,7 nghìn tỉ đồng). Đây là con số không hề nhỏ. Nếu so sánh con số này với các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, Metro Việt Nam phải đứng trong top 10, ngang ngửa với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Thử so sánh với một thương vụ khác của Metro vào cuối năm 2012. Hãng bán lẻ Đức đã bán chuỗi 91 đại siêu thị Real tại Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Rumani, Nga và Ukraina cho Auchan, tập đoàn bán lẻ của Pháp đồng thời là đối thủ nặng ký của Metro với giá 1,1 tỉ euro, bao gồm cả mặt bằng và cửa hàng. Điều đáng nói, chuỗi siêu thị này có doanh số tới 2,6 tỉ euro trong năm 2011 nhưng chỉ được mua lại với giá 1,1 tỉ euro. Trong khi đó, chuỗi Metro Cash & Carry chỉ đạt doanh số hơn 500 triệu euro nhưmg tỉ phú Thái Lan lại sẵn sàng mua lại với giá 665 triệu euro. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của Metro tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Chính vì vậy, quyết định bán Metro Việt Nam không nhận được sự ủng hộ của giới đầu tư. Sau thông tin bán thị phần tại Việt Nam, giá cổ phiếu của Metro AG đã giảm 1,7% xuống còn 24,58 euro. Tại sao nhà bán lẻ Đức lại quyết định mảng kinh doanh tại thị trường tiềm năng và có thể phát triển tốt trong tương lai như vậy? Theo Infonet Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|