top-banner-2

Thứ ba, 19/12/2023, 11:22 GMT+7

Amazon muốn tăng tốc để Việt Nam thành mắt xích mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 19/12/2023, 11:22 GMT+7

Đó là chia sẻ của ông Eric Broussard, phó chủ tịch Tập đoàn Amazon, sau khi trực tiếp gặp gỡ và trao đổi cùng một số doanh nghiệp sản xuất, đối tác bán hàng và các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam.

amazon-muon-tang-toc-de-viet-nam-thanh-mat-xich-moi-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau

Ông Eric Broussard (trái), phó chủ tịch Tập đoàn Amazon, tham quan nhà máy của một doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh: HỮU DUYÊN

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông Eric Broussard nói: Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất mới nổi quan trọng tại châu Á và trên thế giới, với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng danh mục sản phẩm từ nội thất, điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng.

Nhiều cơ hội cho Việt Nam

* Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam, theo ông, đã phát triển ở giai đoạn nào?

- TMĐT bán lẻ toàn cầu đang ngày càng mở ra nhiều cơ hội. Đây là phong trào mới cho các nhà bán hàng từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt mức tương đương 91% GDP của Việt Nam trong năm 2022. Đây là một điều đáng kinh ngạc!...

Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một trung tâm sản xuất mới nổi của châu Á và thế giới. Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng tích cực trên lĩnh vực xuất khẩu TMĐT bán lẻ B2C (từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng).

Trong chuyến thăm lần này tới Việt Nam, tôi cảm nhận được sự năng động và bền bỉ của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Tôi tin rằng bất chấp các thách thức, TMĐT xuyên biên giới sẽ vẫn tiếp tục phát triển và trở thành động lực phát triển mới cho Việt Nam.

* Liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội ra sao, thưa ông?

- Theo cách truyền thống, nếu có một ý tưởng hay sản phẩm tốt ở Việt Nam và muốn bán ở thị trường quốc tế, bạn phải trao quyền kiểm soát sản phẩm, giá cả và chiến lược sản phẩm cho các bên trung gian.

Tuy nhiên, trên sân chơi TMĐT bán lẻ toàn cầu, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ đều có thể chủ động xây dựng thương hiệu toàn cầu của riêng họ bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng được cung cấp bởi các bên như Amazon.

Trên Amazon, bạn có thể tìm thấy nhiều sản phẩm thậm chí còn chưa được bày bán tại các cửa hàng trực tiếp. Các nhà sản xuất hay chủ thương hiệu đều có cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu ngang nhau.

3 lý do khiến Amazon muốn tăng tốc với Việt Nam

* Vì sao Amazon muốn tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

- Thứ nhất, Việt Nam sẽ góp phần mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn cho hàng trăm triệu khách hàng của Amazon.

Thứ hai, Việt Nam đang dần khẳng định là một trung tâm sản xuất mới nổi quan trọng tại châu Á và trên thế giới. Việt Nam có khả năng sản xuất đa dạng sản phẩm với chất lượng tuyệt vời, sáng tạo, cạnh tranh. Các sản phẩm như ống hút thân thiện môi trường, túi nhựa tái chế đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và trên toàn cầu.

Thứ ba, các nhà bán hàng Việt Nam có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ. Lần đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã rất ấn tượng với nguồn năng lượng, sự hứng khởi và quan tâm từ những nhà bán hàng Việt Nam. Điều này cho thấy sự sẵn sàng của họ để tham gia vào các cơ hội mới, ở quy mô lớn hơn.

Chúng tôi tin rằng Việt Nam, với sức mạnh sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng, có thể trở thành một chuỗi cung ứng quan trọng trong TMĐT toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn tạo động lực hỗ trợ Việt Nam trở thành một mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng TMĐT toàn cầu.

* Amazon đã làm những việc gì để hiện thực hóa sự tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam?

- Chúng tôi liên tục giới thiệu các công cụ, chương trình và dịch vụ mới, cải tiến hơn. Mới đây là Trung tâm đào tạo Amazon Day-1 đầu tiên tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp Việt còn bỡ ngỡ với Amazon có thể khám phá tất cả các dịch vụ và tính năng sẵn có.

Amazon đã đầu tư xây dựng hơn 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, và các nhà bán hàng Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực này.

Với Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA), khi sản phẩm được đưa vào trung tâm xử lý đơn hàng, khách hàng Prime có thể đặt và nhận hàng trong vòng hai ngày hoặc thậm chí là chỉ trong ngày tiếp theo, hoàn toàn miễn phí, không quan trọng từ nhà bán hàng ở quốc gia nào.

Người bán hàng hoàn toàn có thể kiểm soát từ xa từ sản phẩm cần đăng bán, giá bán, chương trình khuyến mãi, đến xây dựng thương hiệu...

Nếu không có các nguồn lực hỗ trợ như FBA, sẽ rất khó để một doanh nghiệp ở Việt Nam có thể tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng và vận chuyển sản phẩm nhanh chóng cũng như giao tiếp bằng ngoại ngữ tại các thị trường quốc tế.

Trong chuyến thăm đến nhà máy Sunhouse ở Việt Nam và một số nhà bán hàng khác, tôi cảm nhận được tinh thần "Day-1", luôn như ngày đầu tiên. Điều này là minh chứng cho khả năng thành công của doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Điều đó khiến tôi càng trông đợi được nhìn thấy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt thành công trên Amazon.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Amazon muốn tăng tốc để Việt Nam thành mắt xích mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc