top-banner-2

Thứ năm, 13/02/2020, 15:57 GMT+7

Doanh nghiệp Trung Quốc lao đao vì dịch

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ năm, 13/02/2020, 15:57 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp bị chính quyền cấm hoạt động trở lại trong khi số khác bị gián đoạn nguồn cung, thiếu nhân sự và cạn kiệt tài chính.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) hiện khiến hơn 1.300 người và hơn 60.000 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc. Điều này khiến người lao động và doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại khi bắt đầu trở lại làm việc vào tuần này. 

Làm việc hay không làm việc trở thành câu hỏi quan trọng đối với các quan chức, công ty và nhân viên Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang lao đao vì Covid-19. Hầu hết tỉnh thành trên khắp Trung Quốc đã khởi động lại vào thứ hai tuần này sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng dòng người lao động từ quê nhà đổ về thành phố đang gây đau đầu cho chính quyền.

doanh-nghiep-trung-quoc

Người lao động di chuyển về thành phố bị kiểm tra nhiệt độ khi đi qua các trạm kiểm soát giao thông. Ảnh: SCMP. 

Dù ngăn chặn dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, chính quyền trung ương cũng không thể đóng băng hoạt động sản xuất công nghiệp trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nước này đang ở mức thấp nhất trong vòng 29 năm - 6,1%.

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, khoảng 160 triệu lao động sẽ từ quê nhà đổ về các đô thị trong tuần này, gây áp lực lên chính quyền địa phương, đặc biệt ở các khu vực kinh tế trọng điểm với số lượng lao động nhập cư khổng lồ. Dòng người này có thể tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch bệnh càng bùng phát dữ dội hơn.

Các trung tâm sản xuất trọng điểm như Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu, Thâm Quyến và Đông Quan phải đối mặt với áp lực lớn nhất từ những người lao động nhập cư trở về, Li Xunlei, nhà kinh tế tại Zhongtai Securities và cố vấn chính phủ, nhận định. 

"Thâm Quyến có số lao động nhập cư lớn nhất, trong khi đó Thượng Hải lại là thành phố có dân số lớn nhất cả nước. Hai thành phố này đều là các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và vận chuyển quy mô nhất. Hai thành phố này sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất lây lan dịch bệnh và chính quyền cần phải thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa", ông Li Xunlei nói. 

Chính phủ Thượng Hải cho biết sẽ ra lệnh cho những lao động nhập cư không có nơi cư trú hoặc công việc cụ thể trở về quê hương. Đồng thời khuyến khích các công ty sắp xếp công việc linh hoạt để nhân viên có thể làm việc từ xa.

70% các nhà sản xuất và hơn 80% công ty phần mềm tại trung tâm tài chính Thượng Hải đã hoạt động trở lại trong tuần này, mặc dù hầu hết nhân viên đều làm việc tại nhà, theo kết quả khảo sát của chính phủ. Hầu hết các công ty Mỹ ở Thượng Hải cũng lên kế hoạch làm việc từ xa, theo khảo sát 127 công ty của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải.

Tuần trước, chính quyền Tô Châu, trung tâm sản xuất lớn ở tỉnh Giang Tô nổi tiếng với các sản phẩm tơ lụa, đã yêu cầu công nhân đến từ các tỉnh Hồ Bắc và Chiết Giang không quay trở lại làm việc đến khi có thông báo mới.

Chính quyền thành phố Trung Sơn và Phật Sơn tại tỉnh Quảng Châu đã hoãn nối lại hoạt động thương mại tới đầu tháng 3.

Các công ty khác muốn hoạt động trở lại phải xin phép chính quyền địa phương, đặc biệt tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Sau khi được phê duyệt, nhân viên công ty được yêu cầu báo cáo nhiệt độ cơ thể cho chính quyền hàng ngày. Đến nay, chính quyền địa phương này chỉ bật đèn xanh cho 1.462 trong số gần 30.000 công ty có trụ sở tại thành phố hoạt động trở lại, tỷ lệ chấp thuận dưới 5%.

Nếu các doanh nghiệp muốn khởi động lại, họ phải đối mặt với các hình phạt vì vi phạm lệnh cấm. Hai công ty điện tử ở Thâm Quyến đã bị đình chỉ hoạt động hơn một tháng, trong khi quản lý của một công ty công nghệ ở Hàng Châu bị giam giữ hôm 9/2 vì doanh nghiệp này mở cửa mà không xin phép.

Các công ty đã có thể hoạt động lại gặp khó khăn về chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Hua Changchun, nhà kinh tế học của Guotai Junan Securities, nhận định: "Nếu dịch bệnh kéo dài có thể gây tổn hại cho chuỗi cung ứng và kênh xuất khẩu, điều này gây bất lợi cho nền kinh tế trong trung hạn".

Công nhân đeo khẩu trang bảo hộ trong một nhà máy điện tử ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. 

Công nhân đeo khẩu trang bảo hộ trong một nhà máy điện tử ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19, là nơi có hàng chục triệu cư dân đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Nơi đây được mệnh danh là trung tâm vận tải, công nghệ thông tin và xe hơi của Trung Quốc. Việc phong tỏa địa phương này trong thời gian dài sẽ gây sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng quốc gia.

Tỉnh lân cận Hà Nam cho biết các công ty công nghiệp đã được phép hoạt động vào ngày 10/2 nếu họ sử dụng chủ yếu nhân viên địa phương và chuỗi cung ứng có nguồn gốc địa phương. Những công ty có nhiều người lao động hoặc nguồn cung ứng có nguồn gốc từ các khu vực bị nhiễm virus corona phải lùi hoạt động lại ít nhất đến ngày 17/2. 

Johnny Sze Chun-hong, phó tổng giám đốc của nhà sản xuất đồ chơi Eastcolight, cho biết công ty không khởi động lại sản xuất cho đến ngày 24/2 để chờ nguồn nguyên liệu từ các nhà cung ứng.

"Chúng tôi nghĩ sẽ an toàn hơn nếu đợi một tuần nữa. Một số nhân viên vẫn chưa thể quay lại nhà máy vì khó khăn trong di chuyển. Đồng thời chúng tôi cũng phải chờ các nhà máy sản xuất chuỗi cung ứng tuyến đầu bắt đầu, vì gần như ở cuối dây chuyền sản xuất", ông Sze, phó tổng giám đốc Eastcolight, công ty có trụ sở tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, nói.

Một loạt công ty đa quốc gia, bao gồm Adidas và chuỗi thức ăn nhanh Yum China và KFC, đã đóng cửa văn phòng và cửa hàng ở Trung Quốc, nhưng cũng có một số doanh nghiệp khác đang dần tái khởi động.

Foxconn Technology Group, nhà máy lắp ráp các thiết bị của Apple, cho biết đã nối lại một phần sản xuất tại nhà máy ở thành phố Trịnh Châu hôm 10/2 sau khi được phê duyệt. Công ty ôtô Hyundai và Kia Motors cho hay sẽ tăng dần sản lượng tại Hàn Quốc trong tuần này khi các nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất lại.

Dù có thể hoạt động lại, các công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn từ việc kiểm soát dịch bệnh. Arthur Lee Kam-hung, giám đốc điều hành của Hong Kong X, một nhà sản xuất thiết bị điện tử, cho biết ông bất ngờ khi nhân viên của mình bị buộc phải cách ly trong ký túc xá 14 ngày sau khi trở về từ nhà máy ở Huệ Châu, Quảng Đông.

"Đây là một mớ hỗn độn. Ban đầu chúng tôi đã lên kế hoạch cho 1/4 công nhân làm việc vào ngày 10/2 và phần còn lại để tiếp tục từ ngày 12/2. Sau đó chúng tôi bị buộc phải dời lại hoạt động sau một tuần nữa. Điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên rất khó khăn bởi khách hàng quốc tế đang phàn nàn về tiến độ giao sản phẩm", ông Lee nói. 

Khi nhà máy hoạt động trở, lại Lee cho biết không quá lo lắng về nguy cơ truyền nhiễm vì đã chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa. Công nhân sẽ được đeo mặt nạ, kiểm tra nhiệt độ cơ thể hai lần một ngày và nhân viên bị sốt sẽ được nghỉ ở nhà. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ y tế và giám sát các công nhân của nhà máy.

"Không sao, miễn là chúng ta có mặt nạ. Nhưng mặt nạ là một mối lo ngại khác vì chúng tôi chỉ có đủ số lượng sử dụng trong hai tuần", Lee nói thêm.

Theo Sơn Nam/Ngoisao.net - 13/2/2020

Link nguồn: https://ngoisao.net/thuong-truong/doanh-nghiep-trung-quoc-lao-dao-vi-dich-4054394.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nghiệp Trung Quốc lao đao vì dịch

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc