AirAsia quyết 'hốt bạc' ở Việt Nam |
Viết bởi An An |
Thứ ba, 04/04/2017, 14:44 GMT+7 |
Tập đoàn hàng không giá rẻ của Malaysia AirAsia vừa thông báo đến cổ đông về kế hoạch liên doanh với Tập đoàn Thiên Minh (TMG) để lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Liên doanh giữa AirAsia và TMG được thực hiện thông qua các công ty con của 2 tập đoàn là AirAsia Investment (AAIL) và Công ty TNHH Gumin. 12 năm chưa tới đích Theo đó, AirAsia đã ký thỏa thuận cổ đông và hợp đồng mua bán 30% cổ phần với Gumin để lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam trên cơ sở ban đầu là Hãng Hàng không Hải Âu của TMG đang hoạt động trong lĩnh vực thủy phi cơ. Tại liên doanh mới, AirAsia sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ; cá nhân ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT TMG, nắm giữ 1% và Gumin nắm 69,9%. Hiện vốn điều lệ của Hải Âu là 100 tỉ đồng và sẽ tăng lên 1.000 tỉ đồng sau thương vụ này để mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực vận tải khách công cộng. Điểm mấu chốt trong thương vụ này là AirAsia nhắm đến thị trường vận tải hàng không nội địa Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ hàng không thế giới, các quốc gia không cấp thương quyền nội địa cho hãng hàng không nước ngoài khai thác. Nghĩa là một hãng hàng không nước ngoài không được bay nối 2 điểm bất kỳ trong lãnh thổ quốc gia khác vì cả mục đích kinh tế và an ninh quốc phòng. Do đó, muốn được bay nội địa, nhà đầu tư nước ngoài phải đi đường vòng là liên doanh với hãng hàng không của nước sở tại. Hành khách sẽ có nhiều lựa chọn nếu thêm hãng hàng không giá rẻ Ảnh: TẤN THẠNH AirAsia đã hiện diện thương mại tại Việt Nam từ năm 2005 với các chuyến bay của AirAsia và Thai AirAsia (liên doanh của AirAsia với hàng không Thái Lan) đến Việt Nam nhưng chừng đó là chưa đủ so với tham vọng trở thành hãng hàng không toàn cầu của người sáng lập hãng này. Thay vì chỉ chở khách từ Kuala Lumpur, Bangkok, Penang… đến Việt Nam và ngược lại, AirAsia muốn đường bay của mình trở thành một vòng tròn khép kín, cung cấp kết nối nội địa cho các thành phố trọng điểm ở Việt Nam, từ đó tỏa đi khắp ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đại bản doanh ở Malaysia, AirAsia đã thiết lập các căn cứ AirAsia X ở khắp các nước trên thế giới để kết nối mạng bay và kế hoạch này chưa thành công ở Việt Nam cho dù đã được vạch ra từ năm 2005. Không ngại cạnh tranh Theo thỏa thuận giữa hai bên, đối tác Việt Nam có trách nhiệm giúp liên doanh có được phê chuẩn của Chính phủ để đi vào hoạt động từ năm 2018. Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết hiện nay, Công ty CP Hàng không Hải Âu chưa có bất cứ đề xuất gì về thay đổi giấy phép hoạt động. Cục Hàng không Việt Nam cũng chưa nhận được hồ sơ đăng ký thành lập hãng hàng không mới. Phía Hãng Hàng không Hải Âu cũng xác nhận hiện chưa làm thủ tục bổ sung, sửa đổi giấy phép. Dự kiến, sẽ không có một hãng hàng không mới được thành lập mà sẽ bổ sung ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ cho Công ty CP Hàng không Hải Âu. Trở thành công ty liên doanh, Công ty CP Hàng không Hải Âu sẽ được sử dụng thương hiệu AirAsia với mức phí đã thỏa thuận giữa AirAsia và công ty liên doanh. Giá trị của thương vụ này không chỉ nằm ở vốn góp mà còn ở việc sử dụng thương hiệu mạnh AirAsia cho các chuyến bay mà liên doanh hàng không sẽ thực hiện. Đối tác Việt Nam cũng chưa tiết lộ thương hiệu mới liên doanh sẽ khai thác. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các chuyến bay nhượng quyền phải sử dụng thương hiệu kép của cả hai bên hoặc một thương hiệu mới dễ phân biệt, không được “bê” y nguyên thương hiệu và logo của nước ngoài. Trong trường hợp này là không được dùng nguyên thương hiệu AirAsia hoặc thương hiệu gây nhầm lẫn với AirAsia. Vấn đề của hãng hàng không liên doanh chủ yếu nằm ở thương hiệu, Việt Nam không phân biệt nhà đầu tư hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ hay truyền thống mà chỉ căn cứ vào các tiêu chuẩn về vốn, phương tiện, kỹ thuật, đội ngũ nhân sự quản lý. Khác với thời điểm đầu tiên AirAsia muốn xâm nhập thị trường nội địa Việt Nam năm 2005 chỉ có mô hình hàng không truyền thống, nay AirAsia sẽ phải cạnh tranh với đối thủ khá mạnh là Vietjet cung cấp dịch vụ ở phân thị giá thấp. Bên cạnh đó là Jetstar Pacific có sự hậu thuẫn của tập đoàn hàng không giá rẻ Úc Qantas. AirAsia từ vị trí có thể là người khai phá thị trường (nếu thành công từ năm 2005) sang vị trí người cạnh tranh nhưng vẫn lạc quan tìm thấy nhiều cơ hội vì nghiên cứu của hãng này cho thấy Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới và Đông Nam Á vào năm 2015-2016, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không ở mức 28% so với mức tăng 10% của thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 23% tổng dân số vào năm 2020, thúc đẩy tăng trưởng du lịch mạnh mẽ. Đây là cơ hội tốt cho một hãng vận tải giá thấp tham gia thị trường. Ba lần lỡ hẹn Năm 2005, AirAsia đăng ký mua cổ phần của Hãng Hàng không Pacific Airlines (PA). Lúc đó, PA tách ra khỏi Vietnam Airlines, tái cơ cấu bằng cách bán 30% vốn cho nước ngoài nhưng thương vụ này lọt vào tay Tập đoàn Hàng không Úc Qantas. Năm 2007, AirAsia đặt được một chân vào thị trường nội địa Việt Nam khi ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lập hãng hàng không giá rẻ nhưng thương vụ bất thành vì Việt Nam đang trong thời điểm hạn chế thành lập hãng hàng không mới và không cấp phép lập hãng hàng không có yếu tố nước ngoài. Không bỏ cuộc, năm 2010, AirAsia tìm được cơ hội ký thỏa thuận hợp tác với Vietjet. Khi đó, Vietjet đã thành lập được 3 năm nhưng chưa bay vì thị trường chưa thuận lợi, muốn liên doanh với AirAsia để khai thác các chuyến bay mang thương hiệu AirAsia trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế, rút ngắn thời gian xây dựng thương hiệu. Một lần nữa, AirAsia thất bại vì muốn bay trong nội địa Việt Nam, liên doanh này phải đăng ký một thương hiệu khác thay vì AirAsia để không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Theo nld.com.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|