AEON cũng nhảy vào TMĐT, thị trường Việt giờ đủ cả Nhật - Hàn - Thái - Trung |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 09/01/2017, 14:27 GMT+7 |
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam giờ đây là cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn nước ngoài như Aeon, Lotte, Alibaba với các ông lớn trong nước như Vingroup, VNG, Thế Giới Di Động. Theo tin từ Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản, Aeon đã chính thức đặt chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam khi cho ra mắt trang aeoneshop. Trang thương mại điện tử của Aeon vận hành từ ngày 1/1/2017 với nguồn hàng chủ yếu là các sản phẩm Nhật Bản và thương hiệu Topvalu, một nhãn hàng riêng của Aeon. Tại Việt Nam hiện nay, Aeon đã có tới gần 1.000 mặt hàng mang thương hiệu này. Trong số các ngành hàng của mình, Aeon kỳ vọng "Mẹ và Bé" sẽ trở thành nhóm hàng chủ lực, nhờ tâm lý ưa chuộng hàng Nhật của các bà mẹ Việt. Trong giai đoạn đầu, Aeon chỉ giao hàng tại khu vực TPHCM. Tương tự như các trang thương mại điện tử khác, Aeon cũng quy định giá trị đơn hàng tối thiểu 300.000 đồng mới vận chuyển miễn phí. Các chính sách mua hàng, đổi trả của Aeon không có nhiều khác biệt so với các trang thương mại điện tử khác. Với sự xuất hiện của Aeon, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang là cuộc chơi của các tập đoàn hàng đầu trong khu vực. Cách đây hơn 2 tháng, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng cho ra mắt trang thương mại điện tử Lotte.vn và đặt mục tiêu đầy tham vọng chiếm 20% thị phần tại Việt Nam, đứng top đầu thị trường. Trong khi đó, Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma vào Việt Nam thông qua thương vụ mua lại Lazada. Người Thái Lan cũng đang có mặt trên thị trường khi Central Group thông qua Nguyễn Kim mua lại Zalora Việt Nam. Đối đầu với 4 tập đoàn lớn tới từ Nhật - Hàn - Thái - Trung cũng là các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam, như Adayroi của Vingroup, Tiki của VNG và Vuivui của Thế giới Di Động. Thương mại điện tử tại Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy khó khăn và là cỗ máy đốt tiền của các nhà đầu tư. Lingo, Beyeu, Deca đều đã phải đóng cửa còn Tiki thua lỗ gần 160 tỷ đồng chỉ trong 8 tháng nhận vốn từ VNG. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, thị trường thương mại điện tử đốt tiền trong giai đoạn đầu nhưng nếu trụ vững được và giữ được sự trung thành của khách hàng, trong tương lai các trang thương mại điện tử đều sẽ bù đắp được lợi nhuận. Vì vậy, nếu xét trên phương diện tài chính, cuộc đua về vốn sẽ là cuộc đua mà Aeon, Lotte, Alibaba hay Central Group có lợi thế nhỉnh hơn so với các tập đoàn Việt Nam.
Aeon là tập đoàn thương mại bán lẻ thành lập từ năm 1758 chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, tài chính, phát triển dự án... Aeon đã triển khai tổng cộng 12.000 trung tâm và cửa hiệu tại Châu Á Thái Bình Dương. Sau khi mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại Malaysia vào năm 1985, Aeon hiện đã phát triển khoảng 2.000 cửa hàng bao gồm GMS (trung tâm bách hoá tổng hợp), SSM (Đại siêu thị), CVS (cửa hàng tiện lợi) tại các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Phlippines, Hàn Quốc... Tại Việt Nam, Aeon Việt Nam được thành lập từ tháng 10/2011 và đã khai trương 4 trung tâm mua sắm là Aeon Tân Phú Celadon, Aeon Bình Dương Canary, Aeon Long Biên và Aeon Bình Tân. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|