top-banner-2

Thứ hai, 20/06/2016, 09:20 GMT+7

Ông lớn Sabeco và hàng loạt rắc rối bủa vây

Viết bởi An An   
Thứ hai, 20/06/2016, 09:20 GMT+7

Nhìn vào quy mô, thị phần và kết quả kinh doanh của Sabeco, ít ai nghĩ rằng ông lớn này đang gặp phải quá nhiều vấn đề rắc rối - mà một số chỉ vừa mới lộ ra gần đây.

1-cong-ty-sabeco-van-hoa-doanh-nhan

Ảnh minh họa.

Lịch sử phát triển của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) gắn liền với quá trình phát triển của thương hiệu bia Sài Gòn.

Tháng 6/1977, Công ty Rượu Bia Miền Nam chính thức tiếp nhận và quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn từ Hãng BGI và hình thành nên Nhà máy Bia Sài Gòn. Năm 1981, Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia NGK II được chuyển đổi từ Công ty Rượu Bia Miền Nam. Đến năm 1988, Nhà máy Bia Sài Gòn trở thành đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia NGK II.

Đến năm 2004, thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Sabeco chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con theo quyết định số 37/2004/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).

Từ đó đến nay, Sabeco liên tục phát triển với lĩnh vực chủ đạo là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm Bia Sài Gòn và đầu tư mới trên nhiều lĩnh vực, sản phẩm khác.

Tuy nhiên, hiện ông lớn này đang đối mặt với rất nhiều nỗi lo, vừa là vấn đề nội bộ vừa là những tác động từ bên ngoài.

Nỗi lo sụt giảm thị phần

Mặc dù là nhãn hiệu bia phổ biến trên cả nước, thị phần cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất so với các doanh nghiệp nội khác. Song nỗi lo thị phần sụt giảm đang hiện hữu đối với Sabeco.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), đến năm 2015, cả nước có 129 cơ sở sản xuất bia, giảm 12 cơ sở so với năm 2010. Bù lại, quy mô các doanh nghiệp có công suất lớn từ 50 triệu lít đến 100 triệu lít/năm ngày càng tăng.

Cũng theo ước tính của VBA, năm 2015, sản lượng bia cả nước đạt 3,4 tỷ lít.

Sabeco tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về sản lượng bia, với 1,38 tỷ lít. Tiếp đó là các sản phẩm thuộc thương hiệu Heineken với 729 triệu lít. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ở vị trí thứ 3 với 667,8 triệu lít và thương hiệu Carlsberg với 229 triệu lít.

Như vậy, chỉ riêng 4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm 88,4% thị phần trong ngành bia.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 mới đây, ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco, cho biết doanh nghiệp nắm 43% thị phần bia tại Việt Nam năm 2015, tăng thêm 2% thị phần so với năm 2014.

Mặc dù vậy, thị phần này không bền vững, nỗi lo trước mắt chính bởi sự cạnh tranh trong ngành bia đang rất khốc liệt.

Heineken đã lần đầu tiên vượt mặt Habeco để đứng vị trí thứ 2 về sản lượng ngành bia năm 2015.

Các hãng bia ngoại khác cũng đang thực sự lấn sân, như Carlsberg, Sapporo (Nhật), AB-Inbev (Mỹ) và Shingha (Thái Lan).

Lãnh đạo Sabeco cũng từng thừa nhận, cuộc cạnh tranh trong ngành bia đang trở nên khốc liệt và giành giật từng điểm bán hàng, từ các địa phương nhỏ lẻ đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Bên cạnh đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và các quy định của Nhà nước về tác hại của rượu bia sẽ khiến hoạt động của Sabeco càng thêm khó khăn.

Gian truân tìm đối tác chiến lược

Lộ trình thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp này tiến tới việc niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn tiếp tục là câu hỏi đang bỏ ngỏ tại Sabeco.

Dù đã được cổ phần hóa cách đây 8 năm, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Sabeco vẫn rất lớn, 90%. Với tỷ lệ đó, Sabeco vẫn hoàn toàn nằm dưới sự chi phối của Nhà nước.

“Chúng tôi hiểu việc niêm yết trên sàn chứng khoán là điều rất muốn, nhưng Tổng công ty không quyết định được vì liên quan đến nhiều yếu tố. Về thoái vốn, nhiều năm qua Tổng công ty đã gửi công văn xin được thoái vốn nhưng vấn đề là thoái vốn cho ai, như thế nào… cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích lâu dài, đảm bảo lợi ích của Nhà nước”, ông Võ Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Sabeco nói.

Mới đây, Sabeco và Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ phương án bán cổ phần. Theo đó, Nhà nước sẽ bán 53% cổ phần một lần duy nhất, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp này từ gần 90% xuống còn khoảng 36%.

Trước đó, năm 2014 tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch hãng bia Thaibev lớn nhất Thái Lan đã từng đánh tiếng mua 53% cổ phần của Sabeco nhưng không thành.

Năm 2015, Thaibev lại ngỏ ý chi khoảng 1 tỷ USD để mua 40% cổ phần của Sabeco, với mức giá là 80.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 60% so với mức giá giao dịch trên thị trường OTC, với khoảng 40.000-50.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, còn nhiều đối tác khác cũng ngấp nghé Sabeco, như Tập đoàn Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), SAB Miller (Hoa Kỳ), Thaibev (Thái Lan), Singha (Thái Lan). Thế nhưng, thoái vốn thế nào và bán cho ai, đến bây giờ số phận của Sabeco vẫn chưa được định đoạt.

Không chỉ gian nan việc tìm đối tác chiến lược, mới đây, SCIC còn đề nghị Bộ Công Thương bàn giao lại cho SCIC tiếp quản Sabeco như Vinamilk.

“Trước đây Thủ tướng từng chỉ đạo tạm thời giao Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu tại 2 doanh nghiệp này, nhưng tới đây theo mô hình cải cách hành chính, Sabeco và Habeco là 2 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ, bia rượu cũng không phải ngành nghề mà Bộ Công Thương phải quản lý. Chúng ta có thể bàn giao về SCIC, tách quản lý nhà nước để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ tốt hơn”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết.

Lùm xùm vấn đề nhân sự

Nhân sự là vấn đề thường xuyên xảy ra rắc rối ở Sabeco.

Còn nhớ, năm 2012, một loạt công ty con của Sabeco phải hoãn ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông, bởi phải chờ Sabeco cử người đại diện vốn góp và giới thiệu nhân sự. Thời điểm này, cả Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Sabeco đều bị Bộ Công Thương buộc thôi nhiệm vụ quản lý tại Sabeco, vì “mất đoàn kết”, không tìm được tiếng nói chung trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất.

Năm đó, báo chí cũng đưa ra quan điểm của những người trong cuộc cho hay, việc mất đoàn kết nội bộ tại Sabeco đã diễn ra từ khá lâu, do nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ. Một số cán bộ chủ chốt của Sabeco cũng đã từng bị xử lý kỷ luật khiển trách vào năm 2009. Mặc dù chính những người trong cuộc cho rằng, chính do cơ chế và cách xử lý của Bộ Công Thương đã gây nên nỗi.

Ông Nguyễn Bá Thi - người bị rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco thời điểm đó – cho hay: Từ khi Sabeco chuyển sang công ty cổ phần vào hồi tháng 4/2008 cho đến 2012, Bộ Công Thương - cổ đông nhà nước chiếm 89,59% cổ phần - đã dùng quyền quản lý nhà nước của mình can thiệp quá sâu, thậm chí sai pháp luật vào hoạt động của Sabeco.

Nhân sự tại Sabeco phụ thuộc vào quyết định của Bộ Công Thương. Và mỗi lần Sabeco thay đổi nhân sự thì nhân sự tại các công ty con cũng bị đảo lộn theo.

Mới đây nổi lên là văn bản kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam VAFI về vấn đề các vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh doanh và bổ nhiệm nhân sự.

Trong vòng 1 tháng qua, VAFI đã gửi nhiều văn bản cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, để phản ánh về những tồn tại trong chất lượng cán bộ tại Sabeco và chỉ ra nguyên nhân vì sao Sabeco liên tục trốn tránh niêm yết.

Cụ thể, VAFI cho biết, năm 2015, ông Vũ Quang Hải khi đó 28 tuổi đã được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc và tiến tới có thể bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Sabeco.

Ông Vũ Quang Hải làm Tổng giám đốc PVFI khi 25 tuổi. Sau 2 năm tại vị trí này ông Hải được luân chuyển về Bộ Công Thương làm Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại. Đầu năm 2015 được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc tại Sabeco. Ông Vũ Quang Hải là con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

VAFI đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco.

“Nếu như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chuyển giao Sabeco về cho SCIC theo đúng quy định của nhà nước thì sẽ không có chuyện bổ nhiệm con ruột của mình, thư ký riêng của mình vào các vị trí quyền lực nhất tại Sabeco? Đó là một trong những lý do vì sao nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chậm bàn giao vốn về SCIC, ngăn cản việc niêm yết của Sabeco”, văn bản của VAFI nêu.

Hơn nữa, trong một công văn gửi Bộ Xây dựng ngày 31/12/2015, ông Vũ Huy Hoàng, khi đó còn đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đích thân ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2016 tại Sabeco.

Công văn của ông Hoàng gửi đi sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1366/QĐ-BXD ngày 24/11/2015 về kế hoạch năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra 4 dự án tại Sabeco.

Trong công văn này, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2016, Sabeco phải tập trung thời gian và nhân lực để triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như tái cấu trúc Tổng công ty; làm việc với Thanh tra Bộ Tài chính về những nội dung liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt; tập trung triển khai công tác cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, ông Hoàng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét, điều chỉnh chưa thực hiện kế hoạch thanh tra trong năm 2016 đối với các dự án của Sabeco nêu tại Quyết định 1366.

Link nguồn: http://cafebiz.vn/ong-lon-sabeco-va-hang-loat-rac-roi-bua-vay-20160619192309596.chn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ông lớn Sabeco và hàng loạt rắc rối bủa vây

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc