top-banner-2

Thứ bảy, 28/05/2016, 09:57 GMT+7

TP. HCM: 'Tắc' dự án 4 tỉ USD

Viết bởi An An   
Thứ bảy, 28/05/2016, 09:57 GMT+7

Dù TP HCM và các nhà đầu tư Mỹ quyết tâm triển khai sớm việc xây dựng trung tâm tài chính hội nghị TPP ở quận 2 nhưng đến nay, dự án này vẫn phải chờ do không phù hợp với quy hoạch.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, khẳng định nếu dự án 4 tỉ USD của nhóm nhà đầu tư Mỹ và Việt Nam được triển khai sẽ kéo theo nhiều dự án nước ngoài khác đổ vào TP HCM và mục tiêu Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 như lãnh đạo TP mong muốn sẽ trở thành hiện thực.

Chờ chứng nhận đầu tư

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP (đặt theo tên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) đã hoàn tất các khâu chuẩn bị vốn, thiết kế bản vẽ chi tiết…, chỉ còn chờ giấy phép đầu tư là triển khai ngay. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người giới thiệu các nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào dự án này. Dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP có quy mô 11 ha với trung tâm tài chính, giải trí, du lịch gồm một tòa tháp cao 70 tầng cùng nhiều tòa nhà thấp và khu thương mại văn phòng, mua sắm, giải trí khép kín.

Một góc phối cảnh dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP

Một góc phối cảnh dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP

Trước đó, tại buổi gặp Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông Howard Lutnick, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài chính Cantor Fitzgerald (Mỹ), khẳng định sẽ triển khai trung tâm tài chính hội nghị TPP ngay khi được cấp phép. Ông Howard Lutnick là đại diện của nhóm nhà đầu tư Mỹ đề xuất dự án 4 tỉ USD này hồi đầu tháng 5-2016. Tập đoàn Cantor Fitzgerald là chủ sở hữu tòa tháp đôi ở Mỹ bị tấn công trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Sau đó, tập đoàn này gần như phá sản, nhờ được chính phủ hỗ trợ, tái thiết nên ngày càng mạnh. Nay, Cantor Fitzgerald là tập đoàn đầu tư tài chính hàng đầu của Mỹ.

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tại Việt Nam, vị chủ tịch tập đoàn này sang TP HCM nhằm tái khẳng định mong muốn đầu tư vào dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP.

Cần đồng điệu với nhà đầu tư

Tại buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Cantor Fitzgerald, Bí thư Đinh La Thăng mong muốn Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 của TP trong tương lai. “Đây là TP năng động sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao nên sẵn sàng tiếp nhận các nguồn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có Mỹ. Hy vọng Tập đoàn Cantor Fitzgerald sớm triển khai dự án để TP HCM trở thành trung tâm tài chính, thu hút thêm nhiều tập đoàn lớn của Mỹ và các nước khác đến đầu tư” - Bí thư TP nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai do nhà đầu tư muốn thay đổi một số chi tiết, trong khi quy hoạch tổng thể khu vực đã được phê duyệt. Ý đồ của các nhà đầu tư là xây dựng một khu tổng thể bao gồm tòa nhà cao 70 tầng, nhiều nhà thấp và các khu vui chơi giải trí khép kín. “Trong khi quy hoạch của Khu đô thị Thủ Thiêm đối với 11 ha này là xây dựng 11 tòa nhà hình khối, mỗi lô một khối nên chủ đầu tư không thể triển khai” - đại diện nhóm nhà đầu tư giải thích.

“Do TP HCM có cơ hội trở thành trung tâm tài chính khu vực, tôi thuyết phục các tập đoàn lớn của Mỹ đổ vốn vào dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP. Để sớm đi vào hoạt động, phía nhà đầu tư đã rút ngắn thời gian triển khai rất nhiều. Cơ quan quản lý cũng nên rút ngắn quy trình xét duyệt, cấp phép nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ.

Trong buổi làm việc với TP HCM mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý thời gian qua, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng rất mạnh, trong khi TP HCM lại sụt giảm.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng TP HCM muốn giành lại vị trí số 1 thì cần có cơ chế đặc biệt, không chỉ ưu đãi về thuế, đất đai mà quan trọng hơn là giải quyết thủ tục đầu tư nhanh chóng. “Không chỉ hành động từ Chính phủ mà các địa phương, ban quản lý các KCN-KCX được cấp phép đầu tư trực tiếp cũng phải thay đổi cách làm. Nếu không sẽ khó tạo ra làn sóng thu hút đầu tư mạnh mẽ” - GS Nguyễn Mại nhận định.

Kinh nghiệm mời gọi IntelGS Nguyễn Mại cho biết cùng lúc có ý định rót vốn vào Việt Nam, Tập đoàn Intel (Mỹ) cũng tìm hiểu môi trường đầu tư tại Thái Lan và Ấn Độ. Để đạt mục tiêu, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập “tổ đặc nhiệm” để đàm phán với Intel. Ông lúc đó là thành viên tổ tư vấn kinh tế đối ngoại của Chính phủ và được chọn làm tổ trưởng. Intel đưa ra đến 28 yêu cầu, trong đó có những điều gần như không thể thực hiện. Tuy nhiên, nhờ tổ đặc nhiệm được kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng nên đàm phán thành công, Intel được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn ban đầu 300 triệu USD, sau đó tăng lên 1 tỉ USD.

Theo NLD

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

TP. HCM: 'Tắc' dự án 4 tỉ USD

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc