Cuộc đua giành vị trí số 1 của 3 'ông lớn' ViettinBank, BIDV & Vietcombank |
Viết bởi An An |
Thứ sáu, 06/05/2016, 16:55 GMT+7 |
Cuộc chạy đua giành vị trí số 1 của ba “ông lớn” ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank) đã đến hồi gay cấn khi lãnh đạo của những ngân hàng này đang đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Ba "ông lớn" ngân hàng "so găng" Khi còn đương nhiệm, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao nhiệm vụ cho Vietcombank và Vietinbank trở thành ngân hàng hàng đầu, ngân hàng số 1 tại Việt Nam. Cũng từ đó, một cuộc chạy đua ngầm giành vị trí số 1 giữa ba ông lớn ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là Vietcombank và Vietinbank đã diễn ra. Vietcombank dẫn đầu về mức chi lương nhân viên Với tiềm lực tài chính mạnh trong hệ thống ngân hàng, ba “ông lớn” ngân hàng có vốn Nhà nước là BIDV, Vietinbank và Vietcombank luôn là đầu tàu về quy mô, lợi nhuận, thị phần tín dụng, huy động vốn… Tuy vậy, trong cuộc chạy đua này, mỗi người đều tìm cho mình một thế mạnh riêng. Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa diễn ra mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, nhấn mạnh mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam và vươn tầm trong khu vực. “Để làm được điều đó, Vietcombank cần phải tăng được vốn, nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn của NHNN và cũng để tăng quy mô hoạt động cho ngân hàng; phấn đấu trở thành ngân hàng số 1 về hoạt động an toàn, minh bạch và nâng cao chất lượng hoạt động và thu nhập cho nhân viên”, ông Thành nhấn mạnh. Thực tế, Vietcombank vượt mặt 2 ông lớn BIDV, Vietinbank để trở thành ngân hàng liên tục dẫn đầu thị trường về chi trả thu nhập cho nhân viên. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2016 của Vietcombank, chi phí hoạt động trong kỳ của Vietcombank đã tăng 42% cùng kỳ lên 2.367 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lương và phụ cấp của nhân viên là 1.049 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng nhân viên ngân hàng tăng thêm 5,1% nhưng quỹ chi trả lương cho nhân viên lại tăng đột biến thêm 31%. Với hơn 14.800 cán bộ nhân viên, thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank đạt gần 23,4 triệu đồng/người/tháng. So với quý trước, thu nhập của nhân viên Vietcombank đã tăng gần 5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù dẫn dầu về lợi nhuận, nhưng Vietinbank vẫn chỉ là ngân hàng đứng thứ 2 trong hệ thống về mức chi trả lương và phụ cấp cho nhân viên. Báo cáo tài chính quý I.2016 của Vietinbank cho thấy, chi phí lương và phụ cấp của toàn bộ cán bộ nhân viên ngân hàng, trong kỳ đã tăng 21% lên hơn 1.300 tỷ đồng. Với tổng số cán bộ nhân viên ngân hàng trên 21.000 người, trung bình thu nhập hàng tháng của mỗi nhân viên ngân hàng là 20,6 triệu đồng/người/tháng. Mức chi trả này đã được tăng thêm 2,4 triệu đồng/người/tháng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của nhân viên BIDV hiện thấp nhất trong nhóm 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh và có khoảng cách rất xa so với Vietcombank. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2016 của BIDV cho thấy, chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên của BIDV cũng tăng hơn 18% lên 1.250 tỷ đồng. Với quy mô 23.834 nhân viên, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước do ngân hàng nhận sáp nhập với ngân hàng MHB, trung bình thu nhập mỗi nhân viên đạt 17,5 triệu đồng/người/tháng. So với cùng kỳ, thu nhập bình quân của nhân viên BIDV giảm hơn gần 1 triệu đồng/người/tháng. BIDV “đuối sức” Cũng phấn đấu trở thành ngân hàng hàng đầu, Vietinbank lại chọn cách khác, đó là dẫn đầu về lợi nhuận và quy mô tổng tài sản. Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Vietinbank, cho biết sẽ đẩy nhanh sáp nhập PGBank vào hệ thống và cố gắng hoàn tất trong quý II năm nay. Ngoài ra, Vietinbank sẽ không ngừng tăng tổng tài sản của ngân hàng bằng nhiều cách, trong đó, không loại trừ cách tìm kiếm ngân hàng khác để sáp nhập vào hệ thống. Báo cáo tài chính quý I.2016 cho thấy, Vietinbank cũng là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận với lợi nhuận trước thuế đạt 2.404 tỷ đồng, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời điểm, Vietcombank đạt 2.299 tỷ đồng, còn BIDV đạt 2.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất đạt 858.962 tỷ đồng, nhưng BIDV là ngân hàng có hiệu quả hoạt động khá thấp. Nếu trong quý I.2016, chi phí hoạt động của Vietinbank khá thấp thì Vietcombank và BIDV tăng khá mạnh. Trong quý I.2016, chi phí hoạt động của BIDV tăng hơn 30%, lên hơn 2.600 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng đột biến, lên gần 2.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Vietcombank cũng ghi nhân chi phí hoạt động tăng lên 2.367 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ xấu cũng là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Quý I.2016 ghi nhận sự tăng lên cả quy mô nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank và BIDV. Theo đó, BIDV là ngân hàng có quy mô nợ xấu cao nhất với 11.250 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên 1,8%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng lên 5.655 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2015 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng cho thấy BIDV là ngân hàng cho vay nhiều nhất với dư nợ 10.664 tỷ đồng. Cổ đông băn khoăn không biết việc tăng lên về trích lập dự phòng rủi ro và nợ xấu trong quý I.2016 của BIDV có liên quan tới khoản dư nợ của HAGL. Vietcombank cũng tăng nhẹ nợ xấu lên 1,84% và quy mô nợ xấu là 7.600 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn với 5.885 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Cùng thời điểm, nợ xấu của Vietinbank chỉ là 0,96%. Link nguồn: http://danviet.vn/kinh-te/ba-ong-lon-ngan-hang-quoc-doanh-so-gang-678465.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|