4 nhóm đối tượng vẫn được vay ngoại tệ |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 30/03/2016, 11:06 GMT+7 |
Chính sách lãi suất tiền gửi USD và cách thức điều hành tỉ giá gắn với biến động của thị trường trong nước và quốc tế hằng ngày đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 29-3, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NNHN), cho biết Thông tư 24/2015 của NHNN - yêu cầu các NH thương mại chấm dứt cho vay ngoại tệ, trừ doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu, từ ngày 31-3-2016 - vẫn giữ nguyên 4 nhóm đối tượng được xem xét cho vay ngoại tệ như quy định tại Thông tư 43/2014. Với DN xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ và có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu, việc vay vốn bằng ngoại tệ kết thúc vào ngày 31-3. Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên 4 nhóm đối tượng được xem xét cho vay ngoại tệ như quy định tại Thông tư 43 năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH Trước đây, NHNN cho phép tổ chức tín dụng xem xét cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu này nhằm giúp DN giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, kinh tế trong nước đã từng bước hồi phục. Vì vậy, để hỗ trợ ổn định tỉ giá, thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, các hoạt động cho vay ngoại tệ cần được hạn chế từng bước, phù hợp với định hướng chuyển dần quan hệ huy động, cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua, bán ngoại tệ. Diễn biến thực tế thời gian qua cho thấy các chính sách đồng bộ về giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ các nhu cầu cho vay đã mang lại các kết quả tích cực. Thị trường ngoại tệ và tỉ giá ổn định, nguồn cung dồi dào, các nhu cầu hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Về việc một số NH đã và đang tiến hành vay USD từ các tổ chức nước ngoài thời gian gần đây, ông Bùi Quốc Dũng cho rằng đó chỉ là nghiệp vụ kinh doanh bình thường, được pháp luật cho phép. Các DN, tổ chức kinh tế thành lập và hoạt động theo luật pháp hiện hành của Việt Nam được trực tiếp ký vay với người cho vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ hoặc vay thông qua phát hành trái phiếu ra nước ngoài hay thuê mua tài chính với nước ngoài. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới, nhu cầu vốn ngoại tệ cho mục đích đầu tư phát triển ngày càng cao, đặc biệt là nguồn vốn trung, dài hạn. Trong khi đó, đặc thù nguồn ngoại tệ huy động trong nước từ trước đến nay chủ yếu là ngắn hạn. Vì vậy, để bảo đảm cân đối ngoại tệ cho vay với những dự án có nhu cầu vốn trung, dài hạn quy mô lớn, việc các tổ chức tín dụng chủ động tìm kiếm các nguồn vay ngoại tệ từ nước ngoài là cần thiết. Thông qua vay vốn từ nước ngoài, các tổ chức tín dụng có thể chủ động huy động được lượng vốn với kỳ hạn đủ dài để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Đánh giá về chính sách điều hành ngoại hối 3 tháng đầu năm 2016, ông Bùi Quốc Dũng cho biết sau khi NHNN áp dụng đồng bộ các biện pháp điều hành tỉ giá và lãi suất từ cuối năm 2015 đến nay, tỉ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh, sau đó khá ổn định quanh mức giá mua được NHNN niêm yết (22.300 VNĐ/USD) ngay cả khi thị trường tài chính thế giới biến động mạnh vào đầu năm. Các tổ chức tín dụng mua ròng được ngoại tệ khá lớn từ khách hàng và bán cho NHNN để tăng quy mô dự trữ ngoại hối. Lượng ngoại tệ NHNN mua được lớn hơn nhiều số xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2016. Diễn biến này cho thấy chính sách lãi suất tiền gửi USD và cách thức điều hành tỉ giá gắn với biến động của thị trường trong nước và quốc tế hằng ngày đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Đồng thời, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ lấy VNĐ để hưởng lợi tức lớn hơn, giúp giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua. Số liệu thống kê cũng cho thấy tính đến ngày 23-3, huy động ngoại tệ giảm gần 3% so với cuối năm 2015. Nhờ đó, mức độ đô la hóa thể hiện qua tỉ lệ giữa huy động ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán liên tục giảm trong những tháng gần đây.
Dừng cho vay mới gói 30.000 tỉ đồng NHNN vừa có công văn gửi các NH thương mại yêu cầu dừng cho vay hợp đồng tín dụng mới sau ngày 31-3 từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Yêu cầu này được NHNN đưa ra sau khi theo dõi tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở. Đến nay, số tiền cam kết cho vay của 19 NH thương mại đối với khách hàng đã vượt 30.000 tỉ đồng. Do đó, các NH thương mại phải ngừng ký hợp đồng tín dụng mới và tập trung giải ngân các hợp đồng đã cho vay trước đó. Theo thống kê của NHNN, đến ngày 10-3, các NH thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay 30.122 tỉ đồng (vượt hạn mức của gói tín dụng), trong đó giải ngân hơn 21.321 tỉ đồng. Trong khi đó, theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, thông tin về việc ngưng ký hợp đồng cho vay mới gói tín dụng 30.000 tỉ đồng từ ngày 31-3 khiến nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán lo lắng. Đây là thông tin không mấy tích cực cho các công ty bất động sản có dự án nhà ở xã hội hoặc cho vay trong gói tín dụng này nên phần nào ảnh hưởng đến các DN trên sàn. Kết quả, thị trường chứng khoán ngày 29-3 bất ngờ giảm mạnh và rơi khỏi ngưỡng kháng cự 570 điểm. Cụ thể, VN-Index giảm 7,44 điểm xuống còn 568,28 điểm khi đóng cửa và HNX-Index còn 79,79 điểm, giảm 0,64 điểm. Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn tăng vọt lên gần 3.200 tỉ đồng. Th.Phương - S.Nhung. Link nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/4-nhom-doi-tuong-van-duoc-vay-ngoai-te-20160329223618733.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|