Cảnh giác cao với người lạ
Ngày 14/9, nhóm phóng viên Tiền Phong có mặt tại làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) để ghi nhận tình hình sản xuất bánh Trung thu cổ truyền. Theo danh sách do UBND huyện Hoài Đức cung cấp, huyện này hiện có 11 hộ sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, trong đó La Phù có tới 8 cơ sở. Qua khảo sát, ngoài cơ sở làm bánh Trung thu Toàn Vinh nằm ở ngoài đường chính, có quy mô lớn nhất, được đầu tư bài bản, 7 cơ sở còn lại đều nằm ở ngóc ngách sâu trong làng.
Trong vai những người đi đặt mua số lượng lớn bánh Trung thu để làm từ thiện, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất bánh Trung thu Quang Vinh ở thôn Tiền Phong. Tuy nhiên, khi chúng tôi chưa kịp đặt vấn đề, những người làm việc tại đây đã nhanh chóng mời chúng tôi ra khỏi khu vực sản xuất.
Trong không gian tối của khu nhà, chúng tôi vẫn kịp nhìn thấy những lò đang rực đỏ, bánh đang được công nhân nhào nặn, nhưng một bà cụ vẫn khẳng định: “Năm nay chúng tôi không làm bánh, cũng không mua bán gì tại đây. Nếu các anh muốn mua thì ra các đại lý ngoài đường chính, trong này không bán, không cho người lạ vào đâu”.
Ở hộ kinh doanh Toàn Vân ngay bên cạnh, khi chúng tôi hỏi về việc sản xuất bánh Trung thu cổ truyền, người ta đóng sầm cánh cửa sắt. Tuy vậy, khi vừa đi khỏi, phóng viên ghi nhận hàng loạt xe 3 bánh chở hàng chục thùng bánh nướng mang thương hiệu Quang Vinh phóng trên đường độc đạo để mang tới các đại lý.
Dò hỏi nhiều nơi, chúng tôi mới bắt mối được với một cơ sở làm bánh lâu năm ở thôn Thống Nhất, xã La Phù. Chủ cơ sở cho biết, do những năm trước, làng nghề La Phù mang tiếng nhiều về việc sản xuất bánh Trung thu nên các hộ kinh doanh ở đây ai cũng cảnh giác với người lạ. Theo hầu hết các mặt hàng hiện nay đều đã có hoá đơn, nguồn gốc đầy đủ, không có nguyên liệu Trung Quốc, chỉ một số ít lấy từ làng nghề Xuân Đỉnh.
Để làm rõ nguồn gốc nguyên liệu mà các cơ sở sản xuất bánh Trung thu ở La Phù nhập về, chúng tôi có mặt tại phường Xuân Tảo và Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). Tương tự nhiều hộ sản xuất tại La Phù, các chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu và bán nguyên liệu làm bánh đều từ chối cho người lạ vào thăm cơ sở sản xuất. Thậm chí, bà chủ cửa hàng Bình Chung còn chạy tới giật máy quay của phóng viên đang ghi hình và doạ gọi công an phường.
Kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Chiều cùng ngày, nhóm phóng viên liên hệ và được tham gia với đoàn liên ngành của thành phố Hà Nội đi kiểm tra tại huyện Hoài Đức, do ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương), làm trưởng đoàn. Dưới danh nghĩa là thành viên trong đoàn kiểm tra, chúng tôi được các chủ cơ sở sản xuất tiếp đón mà không gặp sự cản trở nào.
Tại buổi kiểm tra hộ kinh doanh bánh Trung thu của ông Nguyễn Văn Đoàn, thôn Tiền Phong, La Phù, cơ sở trình xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh như giấy phép kinh doanh, nguồn gốc nguyên vật liệu, cơ sở sản xuất rộng rãi, công nhân trang bị bảo hộ lao động, đã được tập huấn về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy khám sức khỏe...
Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra kỹ hơn về nguồn gốc loại mứt quất dùng làm nhân bánh, chủ cơ sở lại không trình được hóa đơn mua hàng. Khi được hỏi về nguồn gốc nguyên liệu này, bà chủ nhà khẳng định: Hàng mua ở siêu thị. Nhưng sau đó, bà chủ đính chính mua ở làng nghề Xuân Đỉnh với giá 60.000 đồng/kg. Khẳng định đây là lỗi nặng, phải tiêu hủy toàn bộ lô hàng có chứa nguyên liệu này, nhưng cuối cùng, đoàn cũng châm chước, chỉ xử phạt 2 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất bánh ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội.
Tại làng có nghề làm bánh Trung thu Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, lúc 8 giờ sáng ngày 15/9 (trước khi đoàn liên ngành đến kiểm tra 30 phút), 4 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh tại con phố buôn bán nhộn nhịp nhất phường Xuân Tảo bỗng hạ cửa cuốn, ngừng bán hàng.
Nhiều người dân đi qua hỏi mua bánh đều bị từ chối, chỉ một số ít khách quen được nhân viên mang ra tận xe, mua bán nhanh chóng rồi ra về. Khi được hỏi, nhân viên này cho biết, sắp có đoàn kiểm tra đột xuất nên tạm thời đóng cửa. Đoàn liên ngành được đưa đến hộ sản xuất lớn nhất của làng, nơi đã được 2 đoàn trước đó đến kiểm tra.
Sau khi kiểm tra cơ sở đầu tiên, trưởng đoàn bất ngờ yêu cầu thêm một cơ sở khác. Tại cơ sở nằm sâu trong làng, chủ cơ sở ban đầu khẳng định: Hôm nay không sản xuất vì không có đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, sau cánh cửa đóng kín, 6 công nhân vẫn đang đóng gói bánh Trung thu. Nhiều vi phạm đã lộ diện như: vệ sinh thường xuyên kém, nhiều mảng tường mốc, không có giá kệ để nguyên liệu, công nhân không mang khẩu trang…
Theo tienphong.vn