top-banner-2

Thứ ba, 08/09/2015, 16:10 GMT+7

Hotdeal toan tính gì khi 'kết hôn' với đại gia Nhật Bản

Viết bởi An An   
Thứ ba, 08/09/2015, 16:10 GMT+7

Không chỉ giữ vững vị trí số 1 trên thị trường mảng dịch vụ phân phối voucher, Hotdeal còn hé mở tham vọng vươn ra nước ngoài nhờ nền tảng mạng lưới của đối tác Nhật.

Hotdeal toan tính gì khi "kết hôn" với đại gia Nhật Bản?

Những ngày qua, thị trường groupon Việt Nam vốn khá yên ắng bỗng lại thu hút sự chú ý khi có thông tin đại gia Nhật Bản – Trancosmos mua lại 30% cổ phần của Hotdeal.vn. Động thái này cho thấy, doanh nghiệp bán hàng theo nhóm (groupon) tại Việt Nam bước đầu có động thái mở rộng thị trường.

Năm 2014, tổng doanh thu của các website khuyến mại trực tuyến tham gia khảo sát của Bộ Công thương ước đạt hơn 960 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, đại diện Hotdeal.vn cho biết, theo đăng ký kinh doanh hiện tại của Hotdeal thì MEKONGCOM (tức Vinabook.com) đang nắm giữ 86% cổ phần, ông Nguyễn Thành Vạn An – CEO kiêm nhà sáng lập Hotdeal.vn đang nắm 14% cổ phần.

Không tiết lộ số cổ phần các cổ đông chính thay đổi ra sao sau khi hoàn tất thương vụ, tuy nhiên phía Hotdeal cho biết, với sự tham gia của đối tác Nhật, công ty này đặt mục tiêu giữ vững thị phần mảng dịch vụ phân phối voucher.

Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi nhuận từ vị trí dẫn đầu thị phần website thương mại điện tử khuyến mại giảm giá, Hotdeal phải giải được các bài toán cốt lõi, những vấn đề còn tồn tại mà thị trường này đang gặp phải: chất lượng dịch vụ - hình thức vận chuyển, giao nhận – tính thanh khoản.

Bởi thực tế, điểm yếu chí tử của mô hình bán hàng theo nhóm là chất lượng dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng cũng như lời cam kết mà nhà cung cấp đưa ra. Còn phía các công ty bán hàng theo nhóm thì lại thiếu cơ chế quản lý và lực lượng để kiểm soát chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp.

Hình thức mua hàng theo nhóm giảm mạnh từ 51% năm 2013 xuống 35% năm 2014

Hình thức mua hàng theo nhóm giảm mạnh từ 51% năm 2013 xuống 35% năm 2014

Theo khảo sát của Cục TMĐT và CNTT, có tới 81% người mua quyết định mua hàng dựa trên uy tín của người bán hoặc website bán hàng, sau đó mới tới giá cả (80%), cách thức thanh toán, giao nhận (68%) và cuối cùng mới là thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ (64%).

Tương ứng, có tới 81% đánh giá trở ngại chính khiến họ không mua hàng là vấn đề sản phẩm kém chất lượng, tiếp đến là dịch vụ logistic yếu kém (51%), giá cả không rẻ hơn (46%), thông tin cá nhân bị tiết lộ (42%), và website thiết kế chưa chuyên nghiệp (29%).

Tuy nhiên, Trancosmos với thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ thuê ngoài (BPO), chuyên cung cấp các dịch vụ cho các công ty TMĐT tại 34 nước với hơn 8.000 doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại lời giải cho bài toán hóc búa này cho Hotdeal.

Ngoài ra, dù không nêu chi tiết nhưng nhiều khả năng Hotdeal cũng sẽ tham gia vào cuộc chạy đua bán hàng thông qua ứng dụng cài đặt trên smartphone (app) mà Lazada, Zalora đang làm khá tốt khi cho biết sẽ thay đổi giao diện trang thương mại điện tử này dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Những kì vọng của Hotdeal về cuộc hôn nhân mới

Trước khi có thương vụ mua lại 30% cổ phần của Hotdeal, công ty Nhật Bản còn thực hiện hàng loạt vụ mua bán – sáp nhập từ châu Âu, Mỹ cho tới châu Á. Năm 2013, Transcosmos mua lại 19,99% cổ phần của PFSweb có trụ sở tại Mỹ với hệ thống mạng lưới khá đầy đủ từ cơ sở vật chất đến phân phối. PFSweb hiện là đối tác của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Lego, L’Oreal, Giorgio Armani,…

Tháng 10/2014 Transcosmos rót vốn hợp tác cùng UNQ - công ty chuyên phân phối mỹ phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc tại Trung Quốc sở hữu những kênh bán lẻ trực tuyến như JUMEI, The Store, JD.com. Trong đó JD.com vốn là đối thủ của Alibaba. Tháng 6/2015 Transcosmos đầu tư và góp vốn vào Magic Panda - một trang TMĐT chuyên về thời trang tại Trung Quốc.

Tại Đông Nam Á, năm 2014, Transcosmos mua 10% Ookbee - trang eBook hàng đầu Thái Lan với hơn 5,5 triệu thành viên. Công ty này cũng mua lại 30% trang TMĐT thời trang nổi tiếng của Indonesia là BerryBenka vào năm 2013. Gần đây nhất là tháng 3/2015, Transcosmos mua lại trang web bán hàng theo nhóm lớn nhất Philippines là MetroDeal với giá 30 triệu USD.

Đại diện Hotdeal cho biết sẽ tích hợp nền tảng với hệ thống của Transcosmos để mở rộng hoạt động kinh doanh xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á – lĩnh vực Transcosmos có rất nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng hiệu quả của cuộc “hôn nhân” giữa Hotdeal và Transcosmos vẫn cần thời gian trả lời. Đặc biệt khi việc cải thiện cơ cấu hạ tầng để nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ, khâu logistics – thanh toán để tối ưu hóa dịch vụ không phải là vấn đề đơn giản.

Xuất hiện từ tháng 7/2010 sau đó phát triển bùng nổ năm 2011 – 2012, có thời điểm số lượng doanh nghiệp mô hình mua theo nhóm (groupon) tăng tới gần 100 trang thương mại điện tử hoạt động.

Tuy nhiên sự phát triển quá nóng không đi kèm với khả năng cung ứng – đảm bảo dịch vụ đã khiến mô hình này nhanh chóng “xì hơi”. Từ hàng chục doanh nghiệp, thị trường thương mại điện tử giờ chỉ còn là cuộc đua của một vài “ông lớn” có thực lực nhất như Muachung, Hotdeal...

Theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) với người dân có mua sắm trực tuyến năm 2014 cho thấy, số người mua qua các website mua hàng theo nhóm giảm mạnh từ 51% năm 2013 xuống còn 35% năm 2014.

Tuy nhiên tổng doanh thu của các website khuyến mại trực tuyến tham gia khảo sát năm 2014 ước đạt hơn 960 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013. Điều này cho thấy đây vẫn là thị trường rất tiềm năng tại Việt Nam.

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hotdeal toan tính gì khi 'kết hôn' với đại gia Nhật Bản

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc