Bài học đắt giá cho Luật Doanh nghiệp từ việc nuôi gián đất |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ tư, 21/05/2014, 09:23 GMT+7 |
Từ năm 2013, một số nông dân tại Bắc Ninh đã tiến hành nuôi gián đất, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Sự việc này bắt đầu tư việc Công ty Cơ khí thương mại Hoàng Hiệp được Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề nuôi gián đất. Tuy nhiên, khi phong trào nuôi gián đất lan rộng, Sở Nông nghiệp Bắc Ninh đã xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và được chỉ đạo cấm kinh doanh nhóm sinh vật này và Bắc Ninh phải tiêu hủy hàng tấn gián đất. Song, lãnh đạo Hoàng Hiệp cho rằng công ty đã được tỉnh cho phép kinh doanh nuôi gián đất nên đang có ý định kiện đòi bồi thường do bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Sự không thống nhất giữa quy định của Luật, cơ quan triển khai thi hành về ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã gây rủi ro không chỉ cho doanh nghiệp mà cả thị trường khi chưa có tài liệu chính thức nào khẳng định tính có lợi của gián đất và nhiều gia đình còn phải tốn tiền để tiêu diệt loại côn trùng này. Trong bối cảnh trên, khi dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được lấy ý kiến có nội dung “Doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm” và "Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không cần ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện" khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Chuyên gia cho rằng sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần lưu ý để tránh xảy ra sự việc như nuôi gián đất tại Bắc Ninh. Trao đổi với VnExpress.net, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủng hộ đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường thông qua không cần ghi rõ ngành nghề. "Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề kinh doanh chỉ là động thái cơ quan quản lý xác nhận doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề này, thực chất không phải là cho phép họ được kinh doanh như vậy", ông nói. Song, xảy ra vụ việc nuôi gián đất tại Bắc Ninh là do đa phần công chúng hiểu rằng có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được phép hành nghề, do vậy, nếu Luật Doanh nghiệp không có những chỉ báo cụ thể hơn, những sự việc đáng tiếc như vừa qua vẫn có thể lặp lại, ông Tuấn cảnh báo. Nhằm ngăn ngừa rủi ro, đại diện VCCI khuyến nghị trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần in sẵn tuyên bố doanh nghiệp có quyền kinh doanh trong tất cả các ngành nghề trừ các ngành nghề mà pháp luật cấm, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Đi kèm với nội dung trên là hai phụ lục về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại thời điểm doanh nghiệp được cấp đăng ký. Các Danh mục này cũng phải được cập nhật thường xuyên trên website Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Tuy nhiên, vị này nhận định việc liệt kê được các danh mục ngành nghề cấm là “thách thức” với cơ quan quản lý. Do vậy, biện pháp khả thi vẫn là nâng cao vai trò hậu kiểm. "Thời gian qua cơ quan quản lý cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng sau đó doanh nghiệp kinh doanh như thế nào, ngành gì, có trái phép hay không thì không nhiều nơi nắm được", ông cho biết. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc KPMG, việc không ghi cụ thể ngành nghề kinh doanh có thể tạo "lỗ hổng" bởi cơ quan quản lý không nắm rõ ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát. Điều này cũng làm nảy sinh tình trạng có thêm nhiều văn bản dưới luật, giấy phép con nếu cơ quan quản lý muốn làm chặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, đại diện KPMG cho rằng việc đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng và không ghi rõ ngành nghề kinh doanh sẽ buộc doanh nghiệp phải nghiên cứu luật "thật sự cặn kẽ" để đảm bảo tuân thủ pháp luật, đặc biệt khi kinh doanh các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Điều này dường như đang vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp”, ông cho biết. Do đó, vị này kiến nghị nên giữ nguyên việc ghi rõ ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp thông thoáng với một số ngành nghề không thuộc diện có điều kiện có thể khiến một số nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tràn lan, thu gom nông sản, sản xuất các hàng hóa có tác động tiêu cực đến môi trường. Tiến sĩ Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh không thể quá mở cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam đang có “người khổng lồ” bên cạnh. "Doanh nghiệp nước ngoài không thể như doanh nghiệp trong nước, bởi họ chưa có trụ sở nhất định, do vậy không thể mở hoàn toàn cho nước ngoài", ông cho hay. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được đến trình độ nhất định thì cũng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn ngành, dự án đầu tư. "Dứt khoát doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải có điều kiện, vì mục tiêu của chúng ta lôi kéo vốn, công nghệ", vị này phát biểu. Trước những vấn đề trên, trong buổi tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng việc bỏ đăng ký ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phải buông lỏng mà chỉ nhằm thể hiện doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.Với những ngành nghề có điều kiện, điều tất yếu là phải có thêm giấy phép rằng doanh nghiệp đã đáp ứng những điều kiện đó, do các Bộ chuyên ngành quy định. "Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm được hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh gì, lỗ hay lãi, có bao nhiêu lao động", Thứ trưởng phản ánh, từ đó giúp doanh nghiệp biết được ngành nghề nào đang có nhiều người hoạt động để từ đó có thể tránh và Nhà nước cũng phân tích được xu hướng của nền kinh tế. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết sau khi rà soát số ngành nghề để xây dựng danh mục, cơ quan quản lý cũng phải thông báo một cách tường minh trên mạng. Theo Vietnamplus
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|