top-banner-2

Thứ hai, 16/04/2018, 11:10 GMT+7

Làm giàu từ chỉ dẫn địa lý

Viết bởi Nam Anh   
Thứ hai, 16/04/2018, 11:10 GMT+7

Các đặc sản vùng miền được cấp chỉ dẫn địa lý sẽ càng có giá trị nếu sản xuất theo hướng hữu cơ.

Chỉ dẫn địa lý là một hình thức bảo hộ cho các sản phẩm có nguồn gốc từ những vùng địa lý đặc biệt tạo ra sản phẩm đặc trưng, khác biệt trước xu hướng thương mại toàn cầu hóa, giúp bảo tồn thiên nhiên và văn hóa bản địa.

50.000 đồng/quả cam "sinh thái"

Cam Vinh đã nổi tiếng về chất lượng và được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 nhưng nhiều nhà vườn chưa biết cách khai thác. Có bằng đại học trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), sau thời gian đi làm, Nguyễn Thị Lê Na bỏ ngang để về Nghệ An trồng cam, hợp tác mở Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ (tỉnh Nghệ An). Lê Na đang trồng cam trên vườn nhà và các vườn liên kết theo mô hình sinh thái: không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón bổ sung. Thời gian đầu chuyển đổi, năng suất cam chỉ 2 tấn/ha nhưng chất lượng rất tốt nên bán được giá.

Trong khi đó, một số vườn cam trong vùng canh tác theo kiểu cũ, năng suất 10 tấn/ha nhưng đến 7-8 tấn trong đó chất lượng kém, khó bán. So về hiệu quả kinh tế thì trồng cam sinh thái lợi hơn vì chi phí đầu vào thấp. Nhờ trồng sinh thái nên môi trường tại vườn trong lành, thường xuyên có khách đến tham quan. Cũng theo Lê Na, cam Vinh Kỳ Yến đã được thị trường chấp nhận giá cao, đến 50.000 đồng/quả và trở thành loại quà biếu được nhiều người chuộng. Trong khi đó, tại một số thời điểm, nhiều nhà vườn trồng cam chất lượng kém, giá 3.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí đổ bỏ.

Vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý cho bưởi da xanh và dừa xiêm xanh Bến Tre đầu năm 2018, hiện chính quyền địa phương, nhà vườn, doanh nghiệp... Bến Tre đang tích cực chuẩn bị để sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý. Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre), quan trọng nhất là giữ và nâng cao chất lượng bưởi. Hiện HTX sản xuất bưởi rất hạn chế dùng phân bón hóa học, nguồn kali giúp bưởi chín có ruột hồng cũng từ nguồn phù sa tự nhiên. Bưởi là loại cây lâu năm nên trước tiên, HTX sẽ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó mới chuyển dần theo hướng hữu cơ. Hiện bưởi da xanh từ Bến Tre có giá cao hơn bưởi từ các tỉnh miền Đông từ 10.000 đồng/kg.

buoi-da-xanh-ben-tre-vanhoadoanhnhan

Giám đốc HTX Nông nghiệp Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An giới thiệu những điểm nổi bật của bưởi da xanh Bến Tre

Phát triển kinh tế địa phương

Tính đến tháng 3-2018, Việt Nam có 60 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, phần lớn là nông sản thực phẩm. Các sản phẩm này được sản xuất từ những vùng địa lý nhất định, đã có danh tiếng từ lâu như: cà phê nhân Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), thanh long (tỉnh Bình Thuận), vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), gạo Tám Xoan Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Cam Vinh (tỉnh Nghệ An), xoài cát Hòa Lộc (tỉnh Tiền Giang), dừa xiêm xanh và bưởi da xanh (tỉnh Bến Tre), điều (tỉnh Bình Phước)... Theo PGS-TS Phạm Xuân Đà, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương, giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Việc phát huy được chỉ dẫn địa lý sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân từ sản phẩm hoặc dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hạn chế di dân, giúp phát triển đều giữa các vùng kinh tế. "Trong bối cảnh hiện nay, đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là thực phẩm cần gắn với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc" - ông Đà nhấn mạnh.

Bà Delphine Marie Vivien, TS người Pháp có 15 năm kinh nghiệm về chỉ dẫn địa lý, cho rằng Việt Nam hiện đang chuyển dịch sản xuất từ số lượng sang chất lượng rất tương đồng với bối cảnh ra đời của bảo hộ chỉ dẫn địa lý. "Vào đầu thế kỷ XX, ở Pháp, rượu vang được sản xuất quá nhiều, có cả vang kém chất lượng. Chỉ dẫn địa lý ra đời bảo vệ cho sản phẩm từ các vùng trồng nho cho ra vang chất lượng cao, từ đó tập trung cho những sản phẩm chất lượng cao. Người tiêu dùng ngày nay quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, thực phẩm. Những sản phẩm hữu cơ, có chỉ dẫn địa lý, giúp bảo tồn môi trường, văn hóa được người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn. Ở Pháp có vùng trồng được loại ớt đặc biệt có chỉ dẫn địa lý, giá bán tăng từ 10 euro lên 20 euro và đặc biệt là vùng này chỉ có 600 dân nhưng mỗi năm đón tới 600.000 khách du lịch" - bà Delphine Marie Vivien dẫn chứng.

Theo Ngọc Ánh - nld.com.vn - 15/04/2018

Link nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/lam-giau-tu-chi-dan-dia-ly-20180415192433226.htm


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Làm giàu từ chỉ dẫn địa lý

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc