'Loạn' quán ăn 'gốc' và bài toán thương hiệu |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ sáu, 15/12/2017, 11:19 GMT+7 | |
“Quán ăn A chỉ có một địa chỉ duy nhất. Các quán khác chỉ là giả mạo”. Nội dung này có lẽ không còn xa lạ với nhiều người, bởi nếu đi một vòng quanh các khu ẩm thực bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều tấm biển có nội dung tương tự như vậy. Hình ảnh không đẹp mắt và thực trạng “loạn” quán ăn “gốc” này chính là hệ lụy của việc không xây dựng thương hiệu bài bản và chuyên nghiệp của các DN kinh doanh ẩm thực truyền thống ở nước ta hiện nay. Ẩm thực cổ truyền hay ẩm thực truyền thống luôn được thực khách đón nhận bởi nó không chỉ là một món ăn ngon có giá trị dinh dưỡng mà trong đó còn cất giữ những giá trị truyền thống, văn hóa vùng miền. Đi đến vùng đất mới nào, ngoài tìm hiểu những danh lam thắng cảnh, văn hóa địa phương, khách du lịch còn mong muốn trải nghiệm những món ngon cổ truyền của vùng đất đó. Đây cũng là cơ hội để các DN kinh doanh ẩm thực địa phương phát triển sản phẩm của mình trong và ngoài nước, tuy nhiên do tính chất làm ăn chủ yếu là tự phát, nắm thời cơ chứ không biết xây dựng chiến lược phát triển từ đầu khiến cho nhiều DN khi có được danh tiếng lại trở lên điêu đứng vì nhiều DN “ăn theo” nghiễm nhiên được hưởng lợi. Khi bị cạnh tranh, DN gốc (mở ra thời gian đầu) loay hoay không biết làm cách nào để giúp du khách phân biệt sản phẩm của mình mới là ngon nhất, là riêng biệt, là đầu tiên, là cổ truyền….? Theo các chuyên gia, xây dựng một thương hiệu bài bản và chuyên nghiệp là cách tối ưu nhất để DN tự cứu mình. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu từ đâu? Các bước để xây dựng thương hiệu bài bản như thế nào còn là vấn đề lớn, do làm việc theo thói quen, chưa có hệ thống đã ngấm sâu vào cách hoạt động của các DN gia đình này. Vấn đề thiết thực này được chương trình CEO – Chìa khóa thành công đề cập thông qua chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Tài sản thương hiệu”. Chương trình phát sóng vào 10h sáng chủ nhật ngày 17/12/2017 trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam. Doanh nhân Nguyễn Đình Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX trong vai trò CEO. CEO Nguyễn Đình Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX Một DNGĐ xuất phát từ làm nghề bánh cốm truyền thống ở phố Hàng Than Hà Nội. Vào thời kỳ đầu, doanh nghiệp đặt tên gọi là tên loại bánh đó và thêm tên phố có cửa hàng của gia đình. Nhờ có bí quyết riêng nên dù ở con phố này có một số cửa hàng làm bánh khác nhưng bánh của công ty ngon nhất và có uy tín nhất. Theo thời gian, công ty làm ăn phát đạt, khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng và tìm đến mua. Thấy vậy, nhiều cửa hàng bên cạnh cũng mở ra làm bánh cốm và lấy tên gần giống với tên sản phẩm của công ty. Nhận ra tình hình kinh doanh giảm sút CEO mới tìm hiểu thì phát hiện: khách hàng đến mua bánh cốm hàng Than nhưng lại tìm đến các cửa hàng khác. Đến nay, các cửa hàng mang tên bánh cốm hàng than rất nhiều và khách hàng không biết đâu là cửa hàng chính hiệu của công ty. Lúc này CEO nhận thấy trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, cần phải nhanh chóng xây dựng thương hiệu bài bản, đầu tư cho truyền thông, tạo sự khác biệt, gắn với văn hoá truyền thống cho sản phẩm, mới có thể duy trì sức cạnh tranh lâu dài. Đồng thời, đưa doanh nghiệp đi xa và phát triển bền vững. Nhưng ý kiến này lại bị các cổ đông phản đối. Theo họ, công ty đang làm ăn tốt, sản phẩm được tiêu thụ trên cả nước. Tại sao tự nhiên lại phải bỏ tiền làm những thứ không thiết thực như vậy. Để thuyết phục các cổ đông, CEO đã nhờ đến sự tư vấn của hai chuyên gia hàng đầu về thương hiệu: Chuyên gia chiến lược truyền thông và thương hiệu Hoàng Hải Âu –– Tổng giám đốc Hoàng gia Media Group và Chuyên gia doanh nhân Lê Phụng Hào – Giám đốc điều hành Công ty Global AAA Consulting – Tổng giám đốc Công ty SAKOS. Bằng cách đặt câu hỏi về thị trường, khách hàng, điểm mạnh, yếu của sản phẩm… hai chuyên gia đã giúp CEO có cái nhìn khách quan về bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp mình. Chuyên gia Lê Phụng Hào đặc biệt lưu ý CEO rằng: “Muốn xây dựng được thương hiệu trước hết CEO phải đánh giá đúng nhu cầu của người tiêu dùng, phải có định vị sản phẩm cho phù hợp.” Chuyên gia Hoàng Hải Âu thì cụ thể hơn bằng 6 bước xây dựng thương hiệu để CEO có thể áp dụng. Đó là phải: “Xác định tầm nhìn thương hiệu” thế nào?, “xây dựng hệ thống nhận diện và thông tin cốt lõi” ra sao, “chiến lược truyền thông cụ thể” như thế nào? Hay như việc “xác định lộ trình” từng bước đều được chuyên gia chia sẻ trong chương trình. Hai chuyên gia còn đưa ra những câu chuyện xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống rất thú vị từ các doanh nghiệp gia đình lớn trên thế giới. Câu chuyện đó ra sao? Hãy đón xem chương trình CEO – Chìa khóa thành công chủ đề “Doanh nghiệp gia đình – Tài sản thương hiệu” được phát sóng trên VTV1 vào 10h sáng Chủ nhật ngày 17/12 để có câu trả lời và hiểu hơn về tài sản thương hiệu trong doanh nghiệp gia đình. Chương trình CEO – Chìa khoá thành công chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Tài sản thương hiệu”
Lê Liên * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|