Doanh nghiệp nỗ lực thu hút và giữ chân người tài |
Viết bởi Thiên Bình |
Thứ bảy, 30/07/2016, 13:30 GMT+7 |
Lương - thưởng ngày càng giảm dần tầm quan trọng theo thời gian. Điểm giúp các doanh nghiệp có sự khác biệt chính là đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của người lao động. Khảo sát về nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2015 của Anphabe chỉ ra xu hướng dịch chuyển mới khi lựa chọn nơi làm việc của nhân sự. Lương đã không còn là mối quan tâm hàng đầu, mà người lao động hiện nay lựa chọn những doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ, phúc lợi tốt. Trước xu hướng này nảy sinh câu hỏi, doanh nghiệp phải làm gì để thích ứng, tránh bị chảy máu nhân sự dù đã đưa ra mức lương ngất ngưởng? Phúc lợi soán ngôi lương Căn cứ từ những khảo sát của năm 2015, người lao động Việt Nam hiện nay đặt ra những mục tiêu nghề nghiệp đa dạng và không dễ dàng đáp ứng cùng một lúc. Cụ thể, 5 mục tiêu quan trọng nhất là “cân bằng công việc và cuộc sống”, “công việc ổn định, đảm bảo”, “thăng tiến”, “thu nhập tốt” và “được đào tạo nền tảng để phát triển”. Đáng chú ý, khi so sánh về tầm quan trọng của các mục tiêu nghề nghiệp so với năm 2014 và các năm trước đó, có thể thấy ngoại trừ “thu nhập”, tất cả các mục tiêu còn lại được người lao động thật sự quan tâm. Trong đó, mục tiêu “cân bằng công việc và cuộc sống” vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, tiếp đến là mục tiêu “công việc ổn định và đảm bảo”, “thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp”, rồi mới đến mục tiêu “thu nhập”. Đặc biệt, với riêng nhóm làm công việc quản lý, “thu nhập” đã không còn nằm trong 5 mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất. Vậy tại sao mục tiêu “thu nhập” ngày càng có xu hướng giảm bớt tầm quan trọng? Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe cho rằng, người lao động nào cũng sẽ nói “thu nhập cao hơn thì tốt hơn”. Tuy nhiên, họ sẽ không sẵn sàng đánh đổi nhu cầu “cân bằng công việc và cuộc sống” hay “ổn định, đảm bảo” hoặc “thăng tiến” chỉ để có thu nhập cao hơn. “Người lao động hiện nay coi trọng sự hài hòa của nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn giản là thu nhập cao như trước đây. Và họ cũng hiểu rằng, thu nhập của một người trong thị trường cạnh tranh sẽ tương xứng với giá trị mà người đó tạo ra cho doanh nghiệp”, bà Thanh nhận định. Trong 10 yếu tố cơ bản để thu hút nhân tài như: phúc lợi tốt, lương cạnh tranh, đội ngũ lãnh đạo có năng lực, công bằng và tôn trọng, huấn luyện và đào tạo, tầm nhìn và chiến lược rõ ràng… thì phúc lợi tốt và lương cạnh tranh là 2 yếu tố có sự thay đổi về vị trí nhiều nhất theo thời gian. Cụ thể, trong khi phúc lợi vươn lên và tiếp tục giữ vị trí số 1 từ năm 2014 đến nay thì yếu tố lương cạnh tranh lại có sự “rớt hạng” sâu từ vị trí thứ nhất năm 2013, xuống vị trí thứ 3 năm 2014 và tụt sâu xuống vị trí thứ 7 năm 2015. Có rất nhiều loại hình phúc lợi mà doanh nghiệp có thể áp dụng để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của nhân viên. Đó không đơn thuần là phúc lợi về sức khỏe (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, đi lại…) mà còn có cả phúc lợi cho gia đình như bảo hiểm sức khỏe cho người thân, hỗ trợ học phí cho con nhân viên, chương trình chăm sóc trẻ (phòng cho bú, khu vui chơi…). Một nữ lãnh đạo thuộc Tập đoàn Vingroup cho hay, trong thị trường lao động hiện nay, chị quan tâm hơn cả đến phúc lợi của doanh nghiệp dành cho nhân viên. Và chị đặc biệt hài lòng với tiêu chí này khi làm việc tại Vingroup. “Sinh nhật bố mẹ tôi công ty gửi quà tặng đến tận tay các cụ. Mỗi tuần nhà tôi đều được nhận rau sạch, một sản phẩm của chính công ty… Sự quan tâm tới những điều tưởng như rất nhỏ này khiến tôi thực sự xúc động và thấy mình gắn bó hơn với công ty”, nữ lãnh đạo này cho hay. Những loại hình phúc lợi khác như: đào tạo và phát triển (cho vay học phí, làm việc ở nước ngoài…), xây dựng văn hóa (du lịch cùng công ty, quà tặng trong các dịp lễ tết, sinh nhật…), phúc lợi tài chính (cổ phiếu thưởng, cho vay mua nhà, mua xe…) hay phúc lợi hỗ trợ công việc (thời gian làm việc linh hoạt, thẻ taxi, điện thoại, xăng xe…) cũng là những điểm cộng nếu doanh nghiệp biết vận dụng linh hoạt, triệt để. Bà Thanh Nguyễn cho rằng, yếu tố lương cạnh tranh đang dần trở thành yếu tố hiển nhiên, cơ bản vì các công ty hiện nay đã thường xuyên khảo sát thông tin lương của thị trường để đưa ra thang bảng lương không quá khác biệt. Khi đó yếu tố phúc lợi chính là điểm hấp dẫn riêng của từng doanh nghiệp. “So với lương, phúc lợi có thể tốn ít chi phí hơn, có nhiều hình thức để đáp ứng phù hợp hơn với nhu cầu của nhiều nhóm nhân viên và được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực hơn tới khả năng thu hút và giữ chân nhân tài”, bà Thanh nhận định. Phúc lợi tốt, cùng với yếu tố công bằng, tôn trọng và đội ngũ lãnh đạo có năng lực cũng giúp gia tăng sức khỏe thương hiệu nhà tuyển dụng hiệu quả nhất. “Đáng chú ý là khi bánh răng phúc lợi chạy, nó có khả năng tạo ra tác động dây chuyền mạnh nhất tới các bánh răng khác. Điều này một lần nữa khẳng định, xu hướng phúc lợi, chứ không phải là lương sẽ là điểm nhấn giúp các doanh nghiệp có sự khác biệt, nâng cao sức gắn kết của nhân viên và sức hấp dẫn với nhân tài bên ngoài”, bà Thanh cho biết thêm.
Doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ, phúc lợi tốt không chỉ níu chân được nhân sự giỏi mà còn gia tăng cơ hội thu hút nhân tài
Nơi làm việc tốt phải có danh tiếng tốt Trong năm 2015, sáu nhóm tiêu chí khi lựa chọn nơi làm việc của người lao động từ tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa - môi trường, lãnh đạo và quản lý, chất lượng công việc – cuộc sống, danh tiếng công ty có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Trong đó, dễ dàng nhận thấy tưởng thưởng mặc dù vẫn là nhóm được đòi hỏi nhất (giữ vị trí số 1), nhưng có sự giảm dần tầm quan trọng theo thời gian, tương ứng với kỳ vọng về thu nhập đang dần được điều chỉnh lại của người lao động. Ở tiêu chí này, lương đã có sự giảm mạnh đáng kể so với năm 2014, trong khi đó phúc lợi xã hội tốt lại ngày càng được người lao động quan tâm. Điều này phần nào phản ánh thực tế, các công ty cũng không còn quá dễ dãi trong việc đưa ra các gói đãi ngộ và thăng chức khi tìm kiếm nhân tài mới. Ngược lại, người lao động càng ngày càng có xu hướng lựa chọn các công ty thành công hơn và có uy tín hơn. Điều này thể hiện rõ trong mức gia tăng mạnh về kỳ vọng của nhóm tiêu chí danh tiếng công ty, từ vị trí số 6 năm 2013, nhảy vọt lên vị trí số 4 năm 2014 và tiếp tục tăng lên vị trí số 3 năm 2015. Đứng trước sự dịch chuyển này khi lựa chọn nơi làm việc của người lao động, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh thế nào cho phù hợp là động thái hết sức quan trọng để không chỉ níu chân được nhân sự giỏi mà còn gia tăng cơ hội thu hút nhân tài. “Danh tiếng công ty ngày càng quan trọng. Tại thời điểm người lao động cân nhắc nơi làm việc mới, đây là yếu tố có tác động trực tiếp tới cảm nhận về các yếu tố khác. Ngoài ra, các yếu tố hàng đầu trong từng nhóm tiêu chí cần được lưu ý để vừa kết hợp cải thiện, đồng thời truyền thông để gia tăng sức hấp dẫn thương hiệu nhà tuyển dụng”, bà Thanh Nguyễn đưa ra lời khuyên. Hà Yên (DDDN) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|