top-banner-2

Thứ sáu, 01/04/2016, 09:19 GMT+7

Giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ

Viết bởi An An   
Thứ sáu, 01/04/2016, 09:19 GMT+7

Việc thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ sau ngày 31/3 được đánh giá là giải pháp hiệu quả để ổn định thị trường ngoại tệ.

Hôm nay (31/03) là ngày cuối cùng các Ngân hàng Thương mại được phép cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.

4-giai-phap-on-dinh-cho-thi-truong-ngoai-te

 Thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ. (Ảnh minh họa: Internet)

Đây là quy định tại Thông tư 24 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, cho vay lòng vòng ăn chênh lãi suất thông qua hoạt động tín dụng ngoại tệ. Điều mà dư luận quan tâm là quy định này có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thị trường ngoại tệ trong thời gian tới như thế nào.

Lâu nay, Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng xem xét cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ và có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu. Việc làm này giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc vay ngoại tệ này sẽ kết thúc sau ngày 31/3/2016, khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, trước đây, vay Đô la Mỹ (USD) lãi suất chỉ 3%/năm, thấp hơn so với việc vay bằng tiền đồng lãi suất ở mức 7-8%/năm. Nay không được vay ngoại tệ nữa, rõ ràng chi phí, giá thành sản xuất sẽ đội lên, ảnh hưởng đến cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.

“Doanh nghiệp cõng thêm chi phí, như vậy không khuyến khích xuất khẩu mà trong thời điểm hiện nay xuất khẩu đang giảm ở nhiều ngành. Quy định này tác động kép đến xuất khẩu. Với ngành may, lương cho lao động chiếm 70% giá gia công. Nên tác động khá lớn. Nếu doanh nghiệp 1000 lao động thì phải trả lương 6 tỷ đồng/tháng, chênh 5% đã tăng chi 300 triệu/tháng. Đẩy giá lên, ảnh hưởng người lao động và ảnh hưởng giá, giảm sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu,” ông Dương nói.

Thực tế, Thông tư 24 chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với một nhóm đối tượng vay ngoại tệ nhưng chỉ phục vụ nhu cầu vốn trong nước, thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Còn 3 nhóm đối tượng có nhu cầu về vốn ngoại tệ vẫn tiếp tục được vay bình thường, gồm: các doanh nghiệp vay ngắn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đây thực chất là thu hẹp lại đối tượng được vay ngoại tệ từ ngân hàng thương mại, góp phần điều chỉnh cung cầu trên thị trường và ổn định thị trường ngoại tệ. Nhưng mặt khác, tác động của quy định này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là không nhỏ.

Thời gian qua, không ít trường hợp doanh nghiệp bán ngoại tệ rồi núp bóng cá nhân gửi tiết kiệm tiền đồng dài hạn với lãi suất cao. Sau đó, doanh nghiệp thế chấp tiền đồng để vay USD theo kỳ hạn 3-6 tháng với lãi suất thấp nhằm giảm thiểu chi phí vay vốn khiến dư nợ cho vay USD vẫn còn nhiều. Với thông tư 24/2015, trường hợp trục lợi từ việc cho vay  ngoại tệ sẽ bị ngăn chặn.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia về tài chính - ngân hàng, cho rằng, có thể coi đây là một bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước đối với việc chống đô la hóa trong nền kinh tế. “Hạn chế đối tượng lợi dụng vay Đô la Mỹ lãi suất thấp rồi đổi sang tiền đồng để chi tiêu trong nước, đỡ phải vay tiền đồng để hưởng chênh lệch lãi suất. Sẽ có tác động đôi chút về mặt tâm lý nhưng không lớn vì nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ hợp lý vẫn được đáp ứng. Câu chuyện chống đô la hóa làm từ lâu chứ không phải bây giờ. Ngân hàng thương mại áp dụng quy định đó thì phải thẩm định nhanh để xem xét nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp,” ông Lực nêu quan điểm.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Thông tư 24 sẽ không có tác động gì đến thị trường ngoại tệ trong nước. Việc dừng cho vay chỉ tác động tới 1 nhóm đối tượng chiếm số lượng rất ít, thực chất lại không có nhu cầu về ngoại tệ, mà họ cần tiền Việt, nhưng họ lại vay ngoại tệ để được hưởng lãi suất thấp rồi bán đi để lấy tiền đồng.

Lý giải về việc chọn giới hạn thời điểm cho vay ngoại tệ đối với nhóm này là 31/03/2016 theo Thông tư 24 thay vì 31/12/2015 theo Thông tư 43 trước đây, ông Bùi Quốc Dũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán và cân nhắc rất kỹ về yếu tố mùa vụ cũng như để giảm thiểu tác động đến thị trường ngoại hối. 31/12 bao giờ cũng là thời điểm căng thẳng nhất về cung cầu ngoại tệ. Nếu cứ giữ nguyên là 31/12/2015 thì tất cả các trường hợp vay này sẽ phải tất toán, như vậy sẽ có tình trạng các doanh nghiệp đang vay ngoại tệ phải ra thị trường mua ngoại tệ để thanh toán cho hợp đồng vay. Hậu quả là sẽ làm cho cầu tăng đột biến, khiến cân đối cung cầu của thị trường khó khăn hơn, đồng thời doanh nghiệp cũng phải mua ngoại tệ với giá cao.

Ông Bùi Quốc Dũng phân tích: “Khi chuyển sang thời điểm 31/3 thì doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được lựa chọn thời điểm. Đây là thời điểm cung cầu ngoại tệ tốt, tỷ giá thấp. Doanh nghiệp được lợi thế là mua được ngoại tệ giá thấp hơn so với mua ở thời điểm 31/12. Về vĩ mô sẽ giúp cho cân đối cung cầu, tác động thấp nhất cho nên sẽ là tích cực nhất đối với thị trường ngoại hối.”

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Vì vậy cần thu hẹp đối tượng, chỉ phục vụ đúng đối tượng có nhu cầu thực sự về ngoại tệ. 

Đây không phải là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Mới đây là điều chỉnh chính sách lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0%; cách thức điều hành tỉ giá gắn với biến động của thị trường trong nước và quốc tế hằng ngày đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Đồng thời, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giúp giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua./.

Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/thi-truong/giai-phap-on-dinh-thi-truong-ngoai-te-495379.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc