top-banner-2

Chủ nhật, 20/03/2016, 22:18 GMT+7

Bùng nổ bán lẻ điện máy

Viết bởi An An   
Chủ nhật, 20/03/2016, 22:18 GMT+7

Thị trường bán lẻ điện máy đang bùng nổ trở lại, những doanh nghiệp yếu kém sẽ sớm rời cuộc chơi hoặc bị thâu tóm bởi các tập đoàn lớn.

Báo cáo tài chính năm 2015 do Điện máy Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) vừa công bố cho rằng hãng này đang xếp thứ 2 thị trường điện máy với khoảng 8% thị phần, doanh thu khoảng 4.400 tỉ đồng, Nguyễn Kim tiếp tục dẫn đầu với thị phần 12%, còn đứng thứ 3 là Điện máy Chợ Lớn với 7,5% thị phần.

Qua số liệu trên, nhiều người lo ngại Nguyễn Kim đang sa sút và bị những đại gia lấn át bởi hơn 1 năm sau khi bán 49% cho Central Group (Thái Lan), Nguyễn Kim vẫn “án binh bất động” dù trước đó, hãng này tuyên bố sẽ nâng chuỗi siêu thị của mình lên con số 50 vào năm 2020.

Tái khởi động cuộc đua mở chuỗi

Nguyễn Kim không bàn luận gì về những con số Điện máy Xanh đưa ra vì năm tài chính của Nguyễn Kim kết thúc vào tháng 3-2016 nên phải đến đầu tháng 4 mới có số liệu chính thức. Tuy nhiên, theo đại diện nhà bán lẻ này, doanh thu của hãng năm  2015 vẫn tăng trưởng trên 20%. Đại diện hãng bán lẻ này cũng cho biết sở dĩ hãng không mở thêm siêu thị mới trong năm 2015 là do đang tập trung tái cơ cấu, bước sang năm 2016 này sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới mới.

Thị trường bán lẻ điện máy đang có sự cạnh tranh quyết liệt khi các “ông lớn” đồng loạt mở rộng hệ thống, gia tăng thị phần Ảnh: TẤN THẠNH

Thị trường bán lẻ điện máy đang có sự cạnh tranh quyết liệt khi các “ông lớn” đồng loạt mở rộng hệ thống, gia tăng thị phần Ảnh: TẤN THẠNH

Theo các doanh nghiệp (DN) bán lẻ điện máy, sau thời gian dài ảm đạm, từ cuối năm 2015, thị trường này đã có nhiều tín hiệu tốt. Tăng trưởng của các hệ thống điện máy lớn đều đạt từ 15% - trên 20%. Tết Nguyên đán vừa rồi, sức mua thị trường rất tốt, càng củng cố quyết tâm tái khởi động cuộc đua mở rộng hệ thống nhằm giành giật thị phần. Cụ thể, hệ thống Đệ Nhất Phan Khang đã khởi động 3 dự án, đến cuối năm nay sẽ nâng tổng số trung tâm điện máy Phan Khang lên con số 16 và làm mới một số shop có sẵn ở tỉnh. Đang sở hữu 6 trung tâm điện máy và 1 trung tâm mua sắm trực tuyến, Thiên Hòa dự kiến sẽ mở thêm 9 trung tâm trong năm 2016, nâng tổng số lên 15 ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Bành trướng mạnh nhất phải kể đến Điện máy Xanh với 91 siêu thị trên toàn quốc và sẽ mở thêm khoảng 70 siêu thị trong năm 2016. Ngay cả Điện máy Trần Anh ở khu vực phía Bắc cũng dự định “Nam tiến” trong năm 2016, dự kiến sẽ mở 30-40 siêu thị ở TP HCM. Không chỉ dồn lực mở rộng độ phủ, các DN còn tập trung vào chiến lược cốt lõi để gìn giữ thương hiệu, phát triển thị phần.

Dịch vụ kém là mất khách

Theo các DN bán lẻ điện máy, hiện nay, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã kéo lợi nhuận ngành giảm còn 7% - 10%. Các nhà bán lẻ chịu áp lực doanh số từ nhà sản xuất, nếu không đạt doanh số sẽ mất ưu đãi chiết khấu. Khi cần, DN có thể bán huề vốn hoặc chấp nhận lãi rất thấp. Chạy đua giảm giá trở thành chuyện hằng ngày và không bao giờ kết thúc. Cái đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận, DN phải cân đối chi phí, quản trị tốt mới sống được. Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống Thiên Hòa, cho rằng DN lãi hay lỗ liên quan đến bài toán chi phí chứ không phải do khuyến mãi.

“Nhà sản xuất không cho phép nhà bán lẻ bán phá giá nên các chương trình khuyến mãi luôn được đo đếm rất kỹ. Những chính sách giảm giá sâu, những đợt xả hàng của các siêu thị điện máy chủ yếu thực hiện trên các mặt hàng bỏ mẫu (qua model), bản thân hãng sản xuất giảm giá sâu, nhà phân phối tiếp tục cắt giảm lợi nhuận từ chiết khấu để “đạp” giá nhằm giải quyết hết hàng tồn. Trường hợp thứ hai là lô hàng độc quyền, cắt lô số lượng lớn, đã bán được 70%-80% nên giảm giá tối đa để thu hồi vốn” - ông Hậu lý giải.

Cũng theo nhà bán lẻ này, cạnh tranh trong giai đoạn mới, giá cả là dựa theo giá chuẩn của nhà sản xuất, DN này có thể có thêm chương trình rút thăm trúng thưởng... nhưng quan trọng nhất là hơn thua nhau ở chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, các DN tập trung rất nhiều vào việc nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ hậu mãi. Hệ thống trung tâm chăm sóc khách hàng call center, dịch vụ giao hàng, lắp đặt, chăm sóc khách hàng sau khi lắp đặt, sửa chữa, chính sách mua hàng trả góp, đổi trả hàng hóa... và cả thuận tiện hóa việc thanh toán của khách hàng được các DN đầu tư đẩy mạnh.

Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Trung tâm Điện máy Phan Khang, cho rằng 2-3 năm gần đây, tầng lớp trung lưu của Việt Nam gia tăng, nhu cầu về dịch vụ cũng tăng lên. Nhóm khách hàng này luôn yêu cầu được phục vụ chu đáo, giao hàng đúng hẹn, bảo hành nhanh, nhân viên giao hàng tương tác tốt, nhiệt tình...; còn người tiêu dùng bình dân thì chỉ yêu cầu giá tốt. Vì vậy, nếu phục vụ không tốt hoặc nhân viên tổng đài tiếp điện thoại không nhiệt tình, nhã nhặn là có thể mất khách.

Ngoài ra, kênh bán hàng online với mức tăng trưởng 50%-70% trong 2 năm trở lại đây cũng đang được các DN đầu tư mạnh. Kênh online đang có nhiều lợi thế phát triển, vừa phục vụ thói quen mua sắm qua mạng đang hình thành trong một bộ phận cư dân thành thị, vừa tiết kiệm được chi phí nhân viên, mặt bằng, quản lý...

Link nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/bung-no-ban-le-dien-may-2016031921154475.htm

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bùng nổ bán lẻ điện máy

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc