top-banner-2

Thứ sáu, 25/12/2015, 14:34 GMT+7

Góc nhìn doanh nhân: Đôi điều với Tân Hiệp Phát

Viết bởi An An   
Thứ sáu, 25/12/2015, 14:34 GMT+7

“Vụ án con ruồi” tốn không biết bao nhiêu giấy mực, quá nhiều góc nhìn soi chiếu. Thể thao & Văn hóa vừa nhận được bài viết của ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch, TGĐ Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco). Bài viết như một góc nhìn của giới doanh nhân về sự việc trên. Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1-ve-tan-hiep-phat-van-hoa-doanh-nhan

Những ngày qua, cộng đồng mạng, dư luận xã hội nói quá nhiều về vụ con ruồi với Tân Hiệp Phát. Để chống đỡ với làn sóng của dư luận, THP đã đưa ra nhiều phát ngôn cũng như hành động, nhưng tiếc thay, càng chống đỡ càng đổ thêm dầu vào lửa. Bởi vì THP không nhìn thấy bản chất của sự việc.

1. Tân Hiệp Phát luôn cho rằng họ có một nhà máy hiện đại, kiểm soát chặt chẽ trong khâu sản xuất. Và họ cho thế là đủ. Họ quên đi rằng dòng đời một sản phẩm được tính từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng sử dụng xong mới hết một chu kỳ. Họ cho rằng khâu vận chuyển, bảo quản trong quá trình lưu thông tạo ra sản phẩm kém chất lượng. Việc đó không thuộc trách nhiệm của họ đồng nghĩa với họ vô trách nhiệm với người tiêu dùng.

2. Tân Hiệp Phát luôn vỗ ngực là doanh nghiệp lớn, nộp ngân sách cả ngàn tỷ đồng nên các cơ quan quản lý và truyền thông phải bảo vệ họ, không thì họ sập. Họ quên đi rằng tiền nộp thuế kia là của chính người tiêu dùng nộp cho nhà nước, họ chỉ là người thu hộ và nộp thay thông qua giá bán.

Vậy thì khi người tiêu dùng quay lưng thì họ có còn nộp thuế nhiều nữa không? Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm khác thì các doanh nghiệp khác sẽ vẫn thu đủ thuế thay vì Tân Hiệp Phát. Vậy bảo vệ họ thì ai bảo vệ người tiêu dùng? Một quan điểm thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.

3. Tân Hiệp Phát luôn truyền thông rằng họ làm từ thiện nhiều và lớn. Qua những hành xử với người tiêu dùng thì họ có lòng thiện đâu, nhất là người tiêu dùng chính là người góp sức cho THP giàu lên mà họ còn không có lòng thiện thì những hoạt động từ thiện trên nhắm vào mục đích khác ngoài cái tâm từ thiện. Điều tối kỵ là làm từ thiện mà cứ “loa” lên khi có sự cố như hiện nay thì càng phản cảm.

Một con ruồi đã thay đổi hoàn toàn số phận một con người tự do. Một con ruồi đã khiến một doanh nghiệp hùng mạnh đứng bên mép vực điêu đứng. Quan trọng hơn, một con ruồi đã thức tỉnh cả xã hội ý thức về quyền lợi của mình.

4. Tân Hiệp Phát cho rằng sản phẩm lưu thông dễ bị hư hỏng thì nên xem lại nguyên liệu sản xuất chất lượng như thế nào? Nói vậy thì đừng bảo hành 1 năm! Nếu cho rằng bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu thì tập trung điều tra. Tất cả đều ngụy biện để che dấu sự gian dối từ khâu nguyên liệu sản xuất đến khâu quảng cáo rợp trời để đánh lừa người tiêu dùng mà thôi.

5. Điều Tân Hiệp Phát cần lúc này là hãy hành động bằng việc làm nhiều hơn là nói những từ mỹ miều khoe khoang. Trước hết là giảm tần số quảng cáo trên phương tiện đại chúng dày đặc như hiện nay, vì như vậy chỉ làm xấu đi hình ảnh và tốn tiền.

Hãy dùng tiền đó vào quản trị hàng hóa trong khâu lưu thông để bảo đảm an toàn nếu như cho rằng khâu sản xuất là tối ưu. Hãy trung thực với chất lượng sản phẩm thì bền vững thương hiệu. Và quan trọng nhất là giảm cái tôi của mình đi vì người tiêu dùng bây giờ quá thông minh.

Link nguồn: http://cafebiz.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/goc-nhin-doanh-nhan-doi-dieu-voi-tan-hiep-phat-20151225134935607.chn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Góc nhìn doanh nhân: Đôi điều với Tân Hiệp Phát

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc