top-banner-2

Thứ năm, 08/10/2015, 13:51 GMT+7

Lên kế hoạch tài chính cho startup: Đừng nghĩ lớn, hãy làm nhỏ thôi

Viết bởi An An   
Thứ năm, 08/10/2015, 13:51 GMT+7

Sai lầm hay mắc phải của startup là quá vội nghĩ tới kinh doanh quy mô lớn mà quên đi thực tế. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ - khả năng thành công của bạn sẽ cao hơn.

Đó là lời khuyên của Chuyên gia tài chính Mai Vũ Thảo (Chuyên viên cao cấp, Phòng Đầu tư, Ngân hàng Việt Á) dành cho các startup khi lập kế hoạch tài chính ban đầu.

len-ke-hoach-starup-van-hoa-doanh-nhan

Theo ông Thảo, từ kinh nghiệm tiếp xúc làm việc với rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đa phần các startup đều mắc phải những sai lầm sau đây:

Kỳ vọng phát triển lớn ngay lập tức

Không ai đánh thuế ước mơ, dám nghĩ thì mới dám làm. Tuy nhiên ước mơ khác với thực tế. Nhiều startup khi lên ý tưởng đã vội kỳ vọng phát triển quy mô lớn ngay lập tức. Đây là sai lầm.

Với bất kỳ một doanh nghiệp nào, nguồn vốn được xem là dòng máu để nuôi sự sống. Khi mới bắt đầu kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mới mở đầu tư rất nhiều tiền mua máy móc, nguyên vật liệu. Đến khi sản xuất thì hết vốn trong khi khách hàng có xu hướng yêu cầu giao hàng trước mới trả tiền. Doanh nghiệp sẽ hết tiền để quay vòng sản xuất.

Lời khuyên: Bắt đầu từ số vốn nhỏ và tận dụng cơ hội đi trên vai người khổng lồ.

Từ những kinh nghiệm khi làm cố vấn tài chính và tham gia đầu tư một số dự án đã bắt đầu có kết quả, ông Thảo cho hay các startup nên bắt đầu từ việc nhỏ và tập trung. Bạn sẽ thấy có nhiều máy móc chỉ phục vụ 1 nhu cầu nào đó nhất định.

Ví dụ như đối với máy gặt, bạn chỉ nên tập trung sản xuất bộ phận gặt, còn phần máy thì có thể mua ở ngoài. Không cần phải chế nguyên cả chiếc máy gặt để tốn quá nhiều vốn đầu tư ban đầu.

Tốn nhiều chi phí không liên quan đến hoạt động kinh doanh chính

Ví dụ như khi vừa ra công ty, bạn lại thuê mặt bằng lớn, đặt cọc tiền thuê nhà từ 6 tháng, tiêu tốn quá nhiều chi phí duy trì cho văn phòng, sắm xe hơi… Những chi phí hoàn toàn không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh chính.

Lời khuyên: Chỉ tập trung vào việc kinh doanh chính, giảm tối đa mức chi phí không cần thiết. Có thể thuê nhà thương lượng chỉ trả 1 - 3 tháng, nếu thấy mặt bằng kinh doanh không phù hợp thì có thể chuyển đi.

Ví dụ, doanh nghiệp làm máy gặt thì chỉ tập trung làm máy gặt thôi, đừng tốn quá nhiều để thuê nhà, thuê xưởng, trả trước rồi sau đó rơi vào tình cảnh cạn vốn.

Bỏ quên vốn lưu động khi lập kế hoạch tài chính

Tại mỗi doanh nghiệp, dòng vốn lưu động rất lớn, thường gấp 5 – 6 lần mức vốn cố định. Ví dụ, để sản xuất ra một chai nước khoáng tốn khoảng 5.000 đồng thì mức vốn lưu động phải tối thiểu 20.000 đồng thì mới duy trì được sản xuất. Vì một chai nước sản xuất trên dây chuyền đã hết 5.000 đồng, nguyên vật liệu đang chờ cũng khoảng 5.000 đồng, chai nước đang trên đường vận chuyển cho khách mất 5.000 đồng, khách hàng mua tuần sau mới trả tiền tốn thêm 5.000 đồng nữa.

“Đó là chưa kể các chi phí khác như nhân sự, marketing, vận chuyển khác nữa. Bạn có thể có hàng trăm triệu đồng để mở công ty nhưng chỉ cần bạn nợ lương công nhân 2 triệu đồng là họ sẽ bỏ việc ngay” – ông Thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn lưu động.

Rất nhiều bạn lên kế hoạch sai liên quan đến dòng tiền. Chúng ta hay nghĩ rằng làm 1 đồng, bán 1,1 đồng là có lời rồi. Không ai thấy có gì bất hợp lý. Tuy nhiên đây là vấn đề liên quan tới quy mô. Trong giai đoạn bắt đầu, thử nghiệm, chúng ta thường tận dụng nguồn lực có sẵn như gia đình, nhà đang ở. Nhưng cũng do sử dụng quá nhiều yếu tố “miễn phí”, lấy công làm lãi nên không tính được chính xác giá thành cung cấp dịch vụ.

Lời khuyên: Sản xuất 1 đồng thì phải bán ít nhất 3 đồng công ty mới tồn tại được. Nói ví dụ như khi bạn đi làm công ăn lương mỗi tháng kiếm được 10 triệu, ra tự kinh doanh kiếm được 20 triệu như thế là tốt rồi, lãi rồi.

Nhưng khi quy mô mở rộng, bạn phải thuê thêm nhân viên tốn khoảng 10 triệu nữa, trong khi lãi chỉ tăng thêm 5 triệu, vậy là “hụt” đi 5 triệu. Bạn sẽ thấy càng mở rộng, chi phí lại càng đội lên trong khi lợi nhuận không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận đúng theo quy mô đó.

Chạy đua giá với các “ông lớn”

Cũng vì tính toán sai bài toán về giá, nhiều startup “ngộ nhận” mình có thể cạnh tranh về giá với các “ông lớn” đã có tên tuổi trên thị trường. Thực tế là các công ty lớn sản xuất đại trà sẽ có giá rất rẻ. Do đó cạnh tranh về giá chỉ thích hợp trong thời gian ban đầu để tìm hiểu thị trường, tạo thương hiệu mà thôi.

Lời khuyên: Phải tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình ở đâu, chính sách giá tốt chứ đừng kỳ vọng giá rẻ. Giá sản phẩm của công ty bạn có thể đắt hơn nhưng người dùng vẫn phải mua của bạn, như thế mới tồn tại được. Ví dụ như có doanh nghiệp thu hoạch cắt nho 3 ngày sau nho héo, nhưng có chỗ cắt nho 10 ngày sau mới héo. Không phải do phun thuốc hay dùng bảo quản, đó đơn thuần là kỹ thuật. Đấy chính là một điểm khác biệt tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn khi khởi nghiệp – ông Thảo cho hay.

Sai lầm khi huy động vốn

Theo chuyên gia tư vấn của ngân hàng Việt Á, rất nhiều nhóm khởi nghiệp sau 1, 2 tháng thì tan rã vì không góp đủ vốn như khi lập kế hoạch. Hậu quả là trong nhóm sẽ có một người phải “đứng mũi chịu sào” bỏ tiền, thế chấp nhà cửa… để tiếp tục dự án nếu họ đam mê.

Lời khuyên: “Mất lòng trước, được lòng sau” là điều các startup cần nhớ. Ông Thảo cho biết, kinh nghiệm là phải huy động đủ số vốn cam kết ngay từ đầu để không lãng phí nguồn lực tài chính.

Khi mở rộng thì nên ưu tiên vốn vay thay vì vốn góp. Các nhà đầu tư dù là cá nhân hay tổ chức khi góp tiền đều muốn xem dòng tiền quay vòng như thế nào, quy trình hoạt động ra sao, tính toán sổ sách thế nào… Các chi phí này quá lớn nếu số vốn góp vào nhỏ. Nên đối với quy mô ban đầu của một công ty khởi nghiệp thì nên sử dụng vốn vay nhiều hơn, các startup trên thế giới đều hoạt động theo hình thức này.

Ngoài ra, khi có kế hoạch huy động vốn thì bạn cần lên luôn kế hoạch cho đối tác thoái vốn. Như vậy sẽ giúp các startup gọi vốn dễ dàng hơn – ông Thảo cho biết.

Theo Trí Thức Trẻ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lên kế hoạch tài chính cho startup: Đừng nghĩ lớn, hãy làm nhỏ thôi

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc