Người đẹp Việt loay hoay khẳng định hình ảnh đại sứ thương hiệu |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ năm, 05/03/2015, 11:00 GMT+7 |
Để trở thành biểu tượng của thương hiệu không phải chỉ cần “ngôi vị”, mà còn ở cái cốt cách của người sở hữu ngôi vị đó. Việt Nam bắt đầu gửi thí sinh dự thi Hoa hậu Quốc tế từ năm 1996 và Hoa hậu Thế giới từ năm 2002, tuy vậy, sau gần 2 thập kỉ, nhan sắc Việt vẫn còn mờ nhạt trên trường quốc tế. Tìm một tuyệt thế giai nhân trong thời hiện đại và hội nhập xem chừng không đơn giản… Nếu trước đây, hai năm mới có một cuộc thi sắc đẹp là cuộc thi hoa hậu, thì giờ đây, ngoài cuộc thi hoa hậu quốc gia còn vô số cuộc thi hoa hậu và sắc đẹp khác trong và ngoài nước. Có lẽ cũng vì sự “lạm phát” hoa hậu mà danh hiệu hoa hậu cũng không còn thiêng liêng như trước nữa. Hoa hậu đã trở thành một nghề để đổi đời hơn là việc đặt lên mình một sứ mệnh cao cả … Từ chuyện đại sứ và biểu tượng của thương hiệu Ngay sau khi đăng quang, dẫu vấp phải nhiều bình luận trái chiều từ công chúng, Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã chính thức trở thành Đại sứ thương hiệu đầu tiên của Tập đoàn Sơn Hà với mong muốn sẽ là người truyền tải thông điệp Sơn Hà – doanh nghiệp vì cộng đồng với xã hội. Thực tế, việc các người đẹp sau khi được đăng quang tại Việt Nam trở thành đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp không phải là ít. Tháng 10 năm ngoái, Hoa hậu châu Á tại Mỹ Jennifer Phạm cũng đã chính thức ra mắt với vai trò là Đại sứ Thương hiệu của Tập đoàn FLC trong nhiệm kỳ 2014 - 2016. Trước đó, Hoa hậu thế giới người Việt 2007 – Ngô Phương Lan từng đại sứ thương hiệu Majesty XO, dòng sản phẩm dinh dưỡng cao cấp dành cho người lớn tuổi của tập đoàn bơ sữa Namyang (Hàn Quốc); Hoa hậu Đặng Thu Thảo trở thành đại sứ thương hiệu cho dòng sản phẩm Kem Sắc Ngọc Khang của Cty Hoa Thiên Phú- Đơn vị tài trợ kim cương cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy làm đại sứ cho thương hiệu của Cty điện tử LG Electronics tại Việt Nam… Các hoa hậu Việt đắt show với vai trò đại sứ thương hiệu Theo những người trong giới, trung bình mỗi hợp đồng làm đại sứ thương hiệu khoảng 20.000 USD trong vòng 1 – 2 năm, mức cao nhất khoảng 50 – 100.000 USD, tương đương 1-2 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét ra, có mấy hoa hậu khi trở thành đại sứ của một thương hiệu - đã thể hiện rõ vai trò của mình trong các chiến dịch quảng bá và khuếch trương tên tuổi doanh nghiệp, tạo dựng được hình ảnh tích cực về doanh nghiệp trong tâm trí người tiêu dùng? Trong khi, nếu nhìn lại lịch sử những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, cô Ba “xà bông” - một hoa hậu đất Sài thành đã làm được như vậy. Cô Ba “xà bông” sinh ra trong một gia đình quyền thế, cha cô là thầy thông Chánh nên cô Ba “xà bông” sống rất đúng mực, hiểu chuyện. Đặc biệt, cô sở hữu một sắc đẹp tuyệt trần, tới mức được ghi lại tới ngày nay: “đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn (nhân) tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức…”. Theo nhiều giai thoại kể lại, tiếng tăm của cô Ba “xà bông” nổi lên từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên do chính người Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn diễn ra năm 1865. Cô Ba - hoa khôi đất Sài thành năm 1865 - trở thành biểu tượng của hãng xà bông Việt Nam nổi tiếng do ông Trương Văn Bền lập ra Trong cuộc thi ấy, cô trở thành hoa khôi đầu tiên sau khi đánh bại gần 100 cô gái xinh đẹp khác. Thậm chí, nhiều nhiếp ảnh gia Pháp đã mời cô chụp ảnh áo tắm để đăng báo ở chính quốc. Nhưng cô Ba đã từ chối vì điều ấy không phù hợp với thuần phong mỹ tục thời đó. Tuy nhiên, không vì thế mà danh tiếng của cô Ba giảm sút. Sau cuộc thi hoa hậu, cô trở thành biểu tượng của hãng xà bông Việt Nam nổi tiếng do ông Trương Văn Bền lập ra, có đủ sức cạnh tranh với bột giặt của Mỹ nhập cảng. Trong các mẫu xà bông của hãng này, mẫu nào cũng có hình của cô Ba, khiến hình ảnh cô lan tỏa đi khắp Sài Gòn và lục tỉnh bấy giờ. Đó cũng chính là lý do cô mang biệt danh cô Ba “xà bông”. Đến sứ mệnh với quốc gia… Nói chuyện cô Ba “xà Bông” để thấy rằng, để trở thành biểu tượng của thương hiệu như cô Ba xưa không phải chỉ cần “ngôi vị”, mà còn ở cái cốt cách của người sở hữu ngôi vị đó. Chính cái cốt cách toát lên cái thần thái của con người. Như cách lý giải của bà Thúy Nga - Giám đốc Cty Elite Việt Nam về lý do thí sinh Việt Nam chưa đạt danh hiệu cao nhất tại những cuộc thi nhan sắc lớn và uy tín nhất của thế giới: Vẻ đẹp của một hoa hậu phải hội tụ được rất nhiều điều, trong đó, quan trọng nhất là khả năng tỏa sáng giữa đám đông. Có những người đẹp, dù ăn vận rất đỗi bình thường giữa một event tấp nập giai nhân sặc sỡ, cô ấy vẫn tỏa sáng rạng ngời. Điều đó nằm ở thần thái. Sắc đẹp không hiếm, nhưng thần thái của sắc đẹp không phải ai cũng có được. So sánh là khập khiễng nhưng rõ ràng, vẻ đẹp của Rolene Strauss - người đẹp đến từ Nam Phi vừa trở thành Hoa hậu thế giới 2014, hay Hoa hậu Philippines Megan Young giành ngôi vị này năm năm 2013… đều tỏa sáng khiến những người khó tính nhất phải trầm trồ thán phục. Việc đưa người đẹp dự thi hoa hậu thế giới, với các quốc gia, là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nét đặc sắc về văn hóa... ra 5 châu. Tuy nhiên, các hoa hậu VN vẫn chưa làm được điều công chúng mong đợi. Đã là hoa hậu, là biểu tượng của sắc đẹp, trí tuệ và tâm hồn thì khi mang vương miện cũng là lúc gánh trên vai cả trách nhiệm trước xã hội. Tư cách đại diện yêu cầu hoa hậu phải là người có ý thức thông qua hình ảnh và việc làm của mình để giúp xã hội ngày càng đẹp hơn. Và việc đưa người đẹp dự thi hoa hậu thế giới, với các quốc gia, là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nét đặc sắc về văn hóa... ra 5 châu. Các hoa hậu Việt Nam ngày nay, dù có nhiều cơ hội tiếp cận với tinh hoa văn hóa của nhân loại cũng như hội nhập trong thế giới phẳng, tuy nhiên, sự hiểu biết, trình độ ngoại ngữ, năng khiếu cũng như những kỹ năng mềm còn hạn chế. Chính điều này khiến họ không thể tự tin sánh vai cùng nhan sắc thế giới. Đến thời điểm này, thành tích cao nhất của nhan sắc Việt vẫn chỉ dừng chân ở top 15 (Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền tại Hoa hậu Thế giới 2004). Trong khi, nếu chỉ so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn bị Thái Lan và Philippines bỏ xa. Năm vừa qua Thái Lan đạt được thành tích ấn tượng là Hoa hậu Liên lục địa, Á hậu 1 Hoa hậu Siêu quốc gia, Á hậu 1 Miss Grand International, Á hậu 2 Hoa hậu Quốc tế, top 11 Hoa hậu Thế giới, top 16 Hoa hậu Trái đất. Philippines cũng đạt được những thành tích tốt là Hoa hậu Trái đất, Á hậu 1 Hoa hậu Liên lục địa... Để cải thiện vị trí của mình trong thứ hạng sắc đẹp ở đấu trường sắc đẹp quốc tế, chúng ta cần có một quy trình lựa chọn, đào tạo thí sinh một cách chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn. Và điều quan trọng, chính các cô gái trẻ Việt Nam phải nâng tầm tư duy cũng như rèn luyện mình ngang tầm với các bạn trẻ trên toàn cầu, để có một vẻ đẹp toàn diện và tỏa sáng... PV - Tổng hợp
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|