top-banner-2

Thứ sáu, 06/07/2018, 09:38 GMT+7

Cuộc đối đầu nghẹt thở của những 'cá mập' lão luyện

Viết bởi Nam Anh   
Thứ sáu, 06/07/2018, 09:38 GMT+7

Tập 1 Shark Tank mùa 2 gây ấn tượng với một thương vụ mang đậm chất “trẻ”, cả về tuổi đời của startup lẫn độ mới mẻ của sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ.

“Mồi ngon” công nghệ khiến cả 5 “cá mập” tranh giành quyết liệt

Đến chương trình để kêu gọi 50 nghìn USD đổi lấy 5% cổ phần công ty, nhà sáng lập Viralworks Lê Hồng Thảo Quyên bắt đầu với những số liệu thống kê cực ấn tượng về lượng người dùng Internet. Theo phần thuyết trình của Thảo Quyên, Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng Facebook, đứng thứ 7 trên Thế giới. Trung bình mỗi người Việt sẽ dành từ 2 – 3 giờ cho các mạng xã hội.

Với nhu cầu sử dụng đó, ngân sách dành cho quảng cáo trên mạng xã hội năm 2018 được dự đoán sẽ lên tới 700 triệu USD. Từ đó, dự án Viralworks đã ra đời để đáp ứng nhu cầu thị trường của các Influencer Marketing Việt Nam (phương thức tiếp thị qua những người có sức ản hưởng trong xã hội đến khách hàng mục tiêu). Tệp khách hàng mà Viralworks đang hướng đến là các doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ) tiềm năng.

sharktanktap1 toancanhbaochi 1

Nhà sáng lập Viralworks - Lê Hồng Thảo Quyên

Khác với mô hình Booking KOLs (Key opinion leaders), Influencer (người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó) thông thường, Viralworks là nền tảng công nghệ nhằm kết nối nhãn hàng với các Influencer Marketing. Cơ chế hoạt động của Viralworks chính là thu thập thông tin từ các Influencer, sau đó đề xuất dữ liệu đến các nhãn hàng để tìm người quảng bá phù hợp.

Quan tâm đến mô hình này, Shark Louis Nguyễn bày tỏ sự quan ngại về tương lai của Viralworks nếu chẳng may các ông lớn trong lĩnh vực này là Google hay Fullscreen có ý định thâm nhập vào Việt Nam. Thảo Quyên tự tin cho biết điểm khác biệt nhất của Viralworks là sự đa nền tảng và trình độ của Influencer. Thay vì, lo sợ sự cạnh tranh thị trường khi các “ông lớn” nhảy vào thì Viralworks sẽ tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi để đủ sức trở thành cánh tay nối dài cho các “gã khổng lồ” trong tương lai.

Nắm bắt khá chắc về nhu cầu của thị trường cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt, nữ startup gây ấn tượng mạnh với các Shark khi tuyên bố tham vọng sẽ phát triển Viralworks để chiếm ít nhất 60% thị trường trong vòng hai năm tới.

Mặc dù không quá tin tưởng vào sự phát triển dài lâu của thị trường Digital Makerting vì sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ nhưng Shark Thái Vân Linh không ngần ngại đưa ra đề nghị đầu tư 50 nghìn USD đổi lấy 30% cổ phần của Viralworks vì rất thích nhà sáng lập Thảo Quyên. Thích thú không kém, Shark Phạm Thanh Hưng cũng đưa ra lời mời gấp đôi với 100 nghìn USD cho 30% cùng lời chiêu dụ Viralworks sẽ được hỗ trợ tuyệt đối từ công ty của “cá mập” này.

shark-tank-mua-2-tap1-vanhoadoanhnhan

Những “cá mập” lão luyện Shark Tank mùa 2

Nhưng bất ngờ chưa dừng ở đó, vị “cá mập” mới toanh Dzung Nguyễn bất ngờ tuyên bố đầu tư 150 nghìn USD cho 20% cổ phần của Viralworks. Theo nhà đầu tư đến từ quỹ CyberAgent, với thâm niên 11 năm trong lĩnh vực công nghệ, am hiểu mô hình kinh doanh của Viralworks sẽ giúp startup này mau chóng đi gọi vốn những vòng tiếp theo chỉ trong thời gian ngắn.

Trước “con mồi” béo bở, Shark Louis Nguyễn cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi khi lần lượt đưa ra lời đề nghị 100 nghìn USD cho 15% cổ phần, và đặc biệt Shark Phú cũng đề xuất 50 nghìn USD chỉ lấy 3% cổ phần vì thích thú sự thông minh của nhà sáng lập.

Với năm lời đề nghị đều rất đáng cân nhắc, trong khi nhà sáng lập còn phân vân thì trên “ghế nóng” cuộc chiến của các Sharks diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết. Shark Dzung Nguyễn bất ngờ nâng mức đầu tư lên gấp 2 lần là 300 nghìn USD chỉ để lấy 15% cổ phần của Viralworks cùng tuyên bố chắc nịch “50 nghìn USD là không đủ để làm gì cả”.

Hiếm hoi Shark Tank mới có startup nhận được sự quan tâm đến từ cả năm nhà đầu tư, Thảo Quyên quyết định “bắt tay” với Shark Dzung Nguyễn để cùng nhau thực hiện tham vọng xây dựng Viralworks trở thành đế chế mới trong lĩnh vực công nghệ Digital Marketing.

sharktanktap1 toancanhbaochi 3

Thảo Quyên hạnh phúc vì thương lượng thành công

Niềm vui nhân đôi đến với Viralworks khi được nhận thêm ưu đãi từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – nhà tài trợ chính của Shark Tank mùa 2 với gói vay trị giá tới 2 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% trong 6 tháng đầu cùng với một thẻ tín dụng TPBank hạn mức lên tới 300 triệu đồng. Không chỉ riêng startup này, với bất cứ thương vụ nào được các Shark nhận đầu tư tại Shark Tank,TPBank đều hỗ trợ trực tiếp nguồn vốn qua việc cấp thẻ Visa Credit, miễn phí thường niên năm đầu với hạn mức bằng 50% số tiền startup được đầu tư (tối đa 300 triệu đồng). Đồng thời, cung cấp gói vay TSĐB với lãi suất ưu đãi 0% trong 6 tháng đầu với số tiền vay tương đương 50% số tiền đầu tư được nhận (tối đa 2 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Hưng – TGĐ TPBank bày tỏ: “Với mong muốn đồng hành, hỗ trợ thiết thực, góp phần chắp cánh cho các dự án khởi nghiệp chất lượng, nhiệt huyết đi tới thành công, chúng tôi hy vọng đây sẽ là nguồn hỗ trợ hiệu quả giúp cho những người trẻ đầy khát vọng, vững vàng bước đi trên con đường thực hiện hoài bão của chính mình, tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị trong đời sống, xã hội”.

Thương vụ bất thành vì thị trường “hẹp”

Tiếp đến là một sản phẩm khá lạ đến từ startup Trịnh Minh Thảo - nhà đồng sáng lập của Owada. Sản phẩm thanh chà lưng bằng gốm được Minh Thảo giới thiệu sẽ là giải pháp vệ sinh phần lưng cho những người ưa vận động. Sở hữu thiết kế và phân phối sản phẩm độc đáo, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

sharktanktap1 toancanhbaochi 4

Nhà đồng sáng lập Owada - Trịnh Minh Thảo

Theo lời giới thiệu từ ông chủ Owada thì sự khác biệt của sản phẩm này so với các mặt hàng thông dụng khác như bông tắm, que chà… là ở chỗ thanh chà lưng này không dùng tay. Sản phẩm này ngay lập tức khiến các Shark vừa tò mò vừa hoài nghi về mức độ cần thiết so với thói quen của người tiêu dùng. Ngay chính bóng hồng duy nhất của Shark Tank – Shark Thái Vân Linh cũng bất ngờ thừa nhận mình không có thói quen chà lưng.

Khái quát về tình hình kinh doanh của công ty, Minh Thảo tự tin cho biết với giá bán 495 nghìn đồng một sản phẩm, Owada đã có lãi ngay trong tháng đầu tiên với 617 sản phẩm được bán ra, thu được khoảng 300 triệu đồng. Qua đó, mới bán ba tháng nhưng doanh số đạt gần 1 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, Owada đang phân phối hàng qua các kênh online, direct sale (bán hàng trực tiếp), có gần 20 đại lý phân phối ở các tỉnh thành và hợp tác với một số trang thương mại điện tử lớn như: Lazada, Tiki…

Đến Shark Tank với đề nghị đầu tư 2 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần cùng thêm ưu đãi mua 10% cổ phần trong năm thứ 2 với cùng mức định giá. Với 2 tỷ đồng kêu gọi đầu tư, Minh Thảo dự định sẽ dùng 1 tỷ đồng tập trung vào việc marketing sản phẩm trong năm 2018, 500 triệu tiếp theo dùng để xuất khẩu ra nước ngoài như Mỹ, Châu Âu, Úc và 500 triệu còn lại phân bổ vào chi phí hoạt động. Sản phẩm đang trong quá trình đợi chứng nhận thiết kế độc quyền nhưng nhà sáng lập vẫn định giá công ty ở mức 20 tỷ đồng, bởi Minh Thảo tự tin với chiến lược marketing sắp tới, lợi nhuận sẽ còn cao hơn thế nữa.

sharktanktap1 toancanhbaochi 5

Trịnh Minh Thảo quyết định từ chối các Shark

Tuy nhiên, không dễ gì bị choáng ngợp bởi những con số, lần lượt các Shark Thái Vân Linh, Phạm Thanh Hưng, Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn đều “lắc đầu” từ chối vì nhận định sản phẩm của Owada chưa thuyết phục và thị trường tiêu thụ chưa thực sự tiềm năng. Riêng Shark Nguyễn Xuân Phú bất ngờ cho dự án này một cơ hội, tuy nhiên, cái giá đưa ra lại không hề dễ thở một chút nào khi ông chủ Sunhouse sẽ cho Owada vay 2 tỷ đồng với lãi suất 15%/năm và yêu cầu quyền chuyển đổi thành 30% cổ phần trong 18 tháng nếu dự án đạt KPI.

Thế nhưng, không hề nao núng trước sự ép giá của “cá mập”, ông chủ Owada kiên quyết từ chối vì startup này cho rằng, mình đang cần tìm kiếm một nhà đầu tư có thể cùng song hành phát triển chứ không hỗ trợ chỉ về tài chính.

“Cá mập” bị startup khước từ vì “mồi câu không ngon”

Cuối cùng, cặp đôi nhà sáng lập Thiên Ngân - Minh Khởi đem đến chương trình mô hình chuyên về sản xuất Pop-up card tại Việt Nam và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Trong khi Minh Khởi khá kiệm lời thì nữ sáng lập Thiên Ngân tỏ ra tự tin hơn hẳn, theo lời giới thiệu từ Thiên Ngân, dù mới thành lập từ năm 2014 nhưng Paper Color đã đạt nhiều thành tích “khủng”. Không chỉ đã xuất khẩu ra hơn 30 quốc gia, doanh nghiệp còn là đối tác với hơn 120 doanh nghiệp trên toàn thế giới. Doanh thu trong vòng 4 năm đạt hơn 20 tỷ đồng với sản lượng “khủng” 600 nghìn sản phẩm.

Do đó, nếu các Sharks đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 20% cổ phần công ty thì Paper Color hứa hẹn sẽ tạo ra doanh thu “khủng” vào năm 2022 lên đến 26 triệu USD, tỉ suất lợi nhuận đạt được thấp nhất là 35%. Theo Thiên Ngân, 1 triệu USD đó sẽ được dùng để tập trung mở rộng công suất sản phẩm, đồng thời giúp Paper Color phát triển mảng bán lẻ, xây dựng thương hiệu riêng.

sharktanktap1 toancanhbaochi 6

Cặp đôi nhà sáng lập Thiên Ngân - Minh Khởi

Trải lòng trước hội đồng đầu tư, nhà sáng lập Thiên Ngân tâm sự: “Làm việc theo mô hình OEM thì tỉ suất lợi nhuận trong ngành này không cao. Paper Color muốn hướng đến mảng bán lẻ vì đây là sản phẩm do chính công ty tự tạo ra từ thiết kế cho đến gia công nhưng phải mang tên thương hiệu của một người khác, điều này rất đau lòng đối với người làm chủ doanh nghiệp. Không những thế, giá sản phẩm qua tay các thương hiệu quốc tế trước khi đến tay người tiêu dùng cũng bị “hét” lên gấp chục lần giá thực tế mà Paper Color phân phối”.

Ngại ngần startup vẫn còn “non trẻ” khi chuyển đổi mô hình OEM sang bán lẻ, các Shark Linh, Hưng và Dzung Nguyễn đều lần lượt từ chối tham gia. Tuy nhiên, cuộc đấu trí hồi hộp vẫn tiếp tục với sự so kè của hai Shark Nguyễn Xuân Phú và Shark Louis Nguyễn.

Trong khi ông chủ Sunhouse đưa ra đề nghị khá “nắn gân” startup: 3 tỷ đổi 20 % cổ phần, số tiền còn lại đầu tư dưới dạng trái phiếu chuyển đổi, thì CT Saigon Asset Management (SAM) cũng đưa ra lời điều kiện tương tự nhưng nhẹ nhàng hơn với 4 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Thế nhưng nhà sáng lập Paper Color quả quyết chỉ chấp nhận mức sở hữu 10 tỷ đồng cho 25% công ty. Chủ động “lắc đầu” từ chối nhà đầu tư vì với Thiên Ngân, lời đề nghị của các Sharks không đủ hấp dẫn để cân nhắc. Startup này tin tưởng với chiến lược đã được vạch ra, Paper Color chắc chắn sẽ đạt được thành công.

Tập 1 - Shark Tank mùa 2

Vừa quay trở lại, Shark Tank mùa 2 liền lập kỷ lục mới khi có startup được nhận đầu tư gấp 6 lần số tiền mong muốn ban đầu. Chắc chắn, con số vẫn chưa dừng lại tại đây, những bất ngờ sẽ còn tiếp tục diễn ra tại Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ vào tuần tới.

Tập 2 Shark Tank Việt Nam - Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 2 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 11/7/2018 trên kênh VTV3.

PV

*Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cuộc đối đầu nghẹt thở của những 'cá mập' lão luyện

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc