top-banner-2

Thứ tư, 11/06/2014, 09:13 GMT+7

Đề án 10.800 tỷ đồng xây nhà hát: tham vọng & thiếu thực tế

Thứ tư, 11/06/2014, 09:13 GMT+7

Dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" vừa được đưa ra. Theo đó, 10.800 tỷ đồng sẽ dành cho việc xây mới, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm từ nay đến năm 2020 đã gặp nhiều phản ứng từ chuyên gia, dư luận và thậm chí giới DN, doanh nhân. Họ cho rằng đây thực sự là một đề án đầy tham vọng nhưng có phần thiếu thực tế.

vhdn-du-an-nha-hat

Chi gần 11.000 tỷ cho dự án nhà hát thực sự là quá viển vông & thiếu tình thực tiễn

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc Hội

Đề án quy hoạch xuất phát từ yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống, tinh thần của người dân. Thực tế hiện nay, đầu tư cho văn hóa, giáo dục, y tế ở nước ta còn thấp so với nhu cầu của đất nước. Tất nhiên, cũng phải xem xét, cân nhắc xem cái nào là cần thiết, cái nào nên được ưu tiên trước. Trong bối cảnh hiện nay thì có hợp lý hay không? Từ đó, xem xét đánh giá cụ thể cơ sở biểu diễn nghệ thuật ấy đặt ở đâu, có khả năng phát huy hết hiệu quả hay không, có đáp ứng được nhu cầu cần thiết hay không.

GS TS Nguyễn Xuân Kính - Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN:

Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đưa ra con số 10.000 tỷ đồng cho việc trùng tu, xây dựng mới hệ thống nhà hát trên cả nước có lẽ không mấy ai khỏi giật mình và đặt câu hỏi như tôi, trùng tu, xây mới để làm gì? Chúng ta thử nhìn lại, tại Hà Nội hiện đã có Trung tâm Hội nghị quốc gia với 5.000 chỗ ngồi mà đang gần như "đắp chiếu", một năm sáng đèn sân khấu với số đêm đếm được trên đầu ngón tay. Rồi ở Đà Nẵng, dù Cung văn hóa thể thao Tiên Sơn (khoảng 6.000 chỗ) tuy không phải là nhà hát theo đúng nghĩa, song với thực tế hiện nay, chắc chắn nó cũng đáp ứng phần nào, tại sao không tận dụng mà phải xây mới. Hay cho đến các trung tâm triển lãm lớn như Giảng Võ, Bảo tàng lịch sử, hiện nay cũng có mấy người ghé qua, những khu đất dành cho triển lãm chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Ở đây, chúng ta cần phải biết con người cần nhất là cái gì, đầu tiên chính là sức khỏe, thế thì nhu cầu bệnh viện là quan trọng nhất, giúp người dân bảo vệ, giữ gìn sức khỏe, chuyện đó còn quan trọng hơn gấp nhiều lần những thứ huy chương hão.

Hay cho đến sự nghiệp đi tìm con chữ, của biết bao trẻ em vùng cao, vùng khó khăn còn lắm gian nan, chúng cần một cây cầu qua suối dù nhỏ nhưng cũng đủ để không phải chui vào túi nilon qua cầu. Hơn nữa, nó cũng không phải đi qua những cây cầu tạm để tìm con chữ.

Ông Lưu Quang Hoàn - GĐ Cty CP Thương mại - Xây dựng Kiến Trúc Xanh

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn của Việt Nam, chúng ta cần có cái nhìn thực tế và thẳng thắn. Không thể mơ mộng kiểu 1 sự kiện thể thao có thể nâng tầm vị thế quốc gia, nâng cao thể lực người Việt. Không thể lãng mạn và chơi sang kiểu có thật nhiều nhà hát to đẹp thì nhu cầu thụ hưởng và trình độ văn hoá của người dân mặc nhiên tăng cao.

Nhà nước và xã hội quan tâm thì mừng quá rồi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất không phải là xây nhà hát, mà là con người. Không quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, rồi xây nhà hát lên lấy ai mà diễn? Diễn gì? Cho ai xem?

Họa sỹ Lê Thiết Cương

Đề án này có 2 phần, phần 1, xây mới, phần 2 là trùng tu nhà hát xuống cấp. Theo tôi, phần trùng tu thì nên làm, bởi tôi cũng đã được đi nhiều nhà hát thuộc nhà nước, không biết họ có tiền mà không dùng tiền đó để trùng tu hay là họ quên mất là phải trùng tu, bảo dưỡng thường xuyên. Ví dụ có những nhà hát ngay Hà Nội, đừng nói các tỉnh, khu vệ sinh, xuống cấp. Trong khi, có nhiều nhà hát, không sử dụng hết, xây xong hoàn toàn không sử dụng, hoặc cho thuê 1 phần, phổ thông là các dịch vụ không liên quan gì đến chức năng của nhà hát.

Ở đây, có hai vấn đề cần nhìn rõ, một là, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật chung của người dân đã được chia sẻ cho nhiều loại hình khác, không cứ phải đến nhà hát. Hai là, cách thức tổ chức quản lý. Theo tôi để giải quyết nên có cuộc khảo sát kỹ vì thực tế hiện nay tồn tại tình trạng nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Bộ nên đặt ra mình nên dùng số tiền bao nhiêu là vừa chứ đừng nghĩ đến con số 10.000 tỷ đồng. Tôi thiết nghĩ, có chỗ nên xây mới, có chỗ nên trùng tu, có chỗ nên chuyển đổi mục đích, chức năng sử dụng, lấy tiền đó dùng vào xây sửa chỗ khác. Vì vậy, những người làm quy hoạch cụ thể là Bộ VHTT&DL nên có những cuộc khảo sát thật chi tiết và xây dựng lại quy hoạch. Và lẽ dĩ nhiên, sẽ không ai nói chuyện lãng phí tiền cho văn hóa, nếu nó được đầu tư đúng và đủ.

Theo Fica

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đề án 10.800 tỷ đồng xây nhà hát: tham vọng & thiếu thực tế

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc