top-banner-2

Thứ hai, 03/03/2014, 15:53 GMT+7

Nhà nước “can thiệp trực tiếp quá lớn” vào kinh tế

Thứ hai, 03/03/2014, 15:53 GMT+7

Hàng loạt tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau 5 năm thực hiện nghị quyết về thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết của Trung ương về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để nhanh chóng được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, một trong những giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là cổ phần hoá tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo đó, ngoài một số kết quả đạt được mang tính tích cực như tính dân chủ được cải thiện, khung pháp luật đầy đủ hơn, các hình thức sở hữu ngày càng đa dạng, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hệ thống ngân hàng được cải cách… thì cơ quan này cũng chỉ ra hàng loạt những tồn tại, bất cập trong suốt 5 năm qua.

Đáng chú ý, những tồn tại mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra dưới đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều đối tác thương mại quan trọng, trong đó có Mỹ và EU, đến thời điểm này vẫn chưa công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Quan liêu, vô cảm còn nghiêm trọng

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 năm thực hiện nghị quyết của Trung ương về hình thành một nền kinh tế thị trường, trên thực tế Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp quá lớn vào nền kinh tế, với tư cách là chủ đầu tư công và chủ sở hữu doanh nghiệp, trong khi Nhà nước lại chưa thực hiện tốt các chức năng quản lý và điều tiết vĩ mô trong nền kinh tế.

Các tỷ lệ tổng chi ngân sách/GDP, tổng đầu tư nhà nước/tổng đầu tư xã hội và đóng góp vào GDP của doanh nghiệp nhà nước vẫn khá cao so với thông lệ quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là vấn đề mà các nước châu Âu và Mỹ rất quan tâm khi xem xét và đánh giá tư cách kinh tế thị trường của Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta cũng chưa giải quyết tốt mối quan hệ nhà nước - thị trường - doanh nghiệp, trong khi quản lý nhà nước chưa trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Một hạn chế nữa cũng được cơ quan này đề cập, đó là môi trường kinh doanh và quyền tự quyết của doanh nghiệp vẫn còn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố hành chính. Khi gia nhập thị trường, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản, thậm chí là các rào cản cao hơn mức trung bình của thế giới, và còn khoảng cách lớn so với thực tiễn tốt.

Cùng với đó là các chi phí và giá cả của các yếu tố trong quá trình sản xuất chưa được quyết định hoàn toàn bởi thị trường. Cụ thể là giá cả trên một số thị trường đầu vào cơ bản như đất đai, xăng dầu, lao động, vốn… vẫn đang được điều tiết chặt chẽ bởi nhà nước. Đây là lĩnh vực mà Mỹ đặc biệt quan tâm khi đánh giá về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tồn tại thứ ba mà Bộ chỉ ra chính là tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế còn nặng nề và còn nhiều vướng mắc; tình trạng quan liêu; phân tán cục bộ, vô cảm với dân còn nghiêm trọng; chất lượng nguồn nhân lực thấp... Tham nhũng, lãng phí còn lớn và ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập, gây lãng phí, thất thoát lớn và để lại hậu quả rất nặng nề về kinh tế và xã hội.

Cần phân định rõ "Chính phủ" - "Nhà nước"

Ngoài những hạn chế, tồn tại nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số tồn tại cố hữu và nảy sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết.

Cụ thể, vấn đề về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Đây là quy định đã được khẳng định trong Nghị quyết 21 của Trung ương và Hiến Pháp. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh của nền kinh tế thời gian qua cho thấy cần phân định rõ hơn và tập trung hơn vai trò của Chính phủ và Nhà nước với tư cách là đại diện của sở hữu toàn dân đối với một số tài sản quan trọng như đất đai, tài nguyên công cộng, phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp…

Trong báo cáo của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo “nếu không giải quyết một cách thấu đáo vấn đề chế độ sở hữu đất đai thì khó có thể tìm được một giải pháp mang tính cơ bản cho giai đoạn tiếp theo”.

Đồng tình với chủ trương xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tách biệt và xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể nền kinh tế nhà nước nói riêng và trong toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân.

Việc xác định phạm vi và nhiệm vụ của Nhà nước theo hướng quá rộng, ôm đồm, không tương xứng với nguồn lực đã dẫn đến hiện tượng nguồn lực bị phân tán cho quá nhiều dự án đầu tư công, kéo dài thời gian thực hiện, từ đó làm giảm hiệu quả đầu tư một cách rõ rệt. Phạm vi dịch vụ công cũng được trải rộng, vượt quá sức của nguồn lực Nhà nước.

Trong khi đó, ở cấp địa phương, hầu hết các tỉnh, thành đều “miệt mài” tập trung vào tăng đầu tư, dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, trùng lắp và kém hiệu quả. Phần lớn chính quyền cấp tỉnh chưa chú ý đủ mức đến việc tạo dựng các nền tảng tăng trưởng dài hạn của kinh tế địa phương như thể chế, nhân lực và áp dụng khoa học công nghệ…

Trên cơ sở những bất cập, tồn tại nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó là tiếp tục thu hẹp phạm vi và tỷ trọng nguồn lực phân bổ cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chuyển toàn bộ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần trong 3 – 4 năm tới, Nhà nước chỉ giữ cổ phần với doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, công ích.

Ngoài ra, cần triển khai nghiên cứu đề án tái cơ cấu đầu tư, bao gồm đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống tài chính; thiết lập môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng; cần ban hành một dự luật về đầu tư nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước; loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước…

 Theo VnEconomy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhà nước “can thiệp trực tiếp quá lớn” vào kinh tế

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc