top-banner-2

Thứ ba, 06/03/2018, 12:10 GMT+7

Đề án thu hút nhân tài của TP HCM: Còn nhiều điểm bất hợp lý

Thứ ba, 06/03/2018, 12:10 GMT+7

Nhiều đại biểu đánh giá vì đề án gộp cả 3 đối tượng, trong khi mỗi thành phần đều có đặc điểm riêng nên dễ dẫn đến dàn trải.

Trong các dự thảo đề án nhằm thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM thì đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố giai đoạn 2018 – 2022  đã nhận được sự quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi nhất.

thu-hut-nhan-tai-vanhoadoanhnhan

Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ của TP. HCM đang nhận được sự quan tâm lớn. (Ảnh minh họa)

Nhiều đại biểu đánh giá vì đề án gộp cả 3 đối tượng, trong khi mỗi thành phần đều có đặc điểm riêng nên dẫn đến dàn trải. Đề án vẫn còn nặng về cách thức tuyển chọn nhưng đối tượng tuyển chọn thì chung chung, áp dụng Nghị định 140/2017 của Chính phủ thì như cả nước, không có ý nghĩa lớn khi TPHCM có cơ chế đặc thù.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP. HCM cho rằng yếu tố tài chính không phải là mấu chốt mà phải làm sao cho các nhà khoa học có môi trường làm việc, cống hiến. Ông Ngân đánh giá các cơ chế chính sách hiện tại chưa phù hợp, chưa đánh giá đúng cống hiến các chuyên gia nhà khoa học.

Ông Ngân đề xuất khâu tuyển dụng nên để cho cơ sở quyết định việc mời và chi thu nhập trong khuôn khổ. Thành phố nên tạo các đề bài, đề tài cụ thể để các nhà khoa học tham gia và áp dụng cơ chế khoán khi đề tài đi vào hoạt động thì nhà khoa học được thụ hưởng thành quả chứ không nhất thiết chỉ là tiền lương…

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: "Chúng tôi nghĩ rằng các nhà khoa học có thể cần tài chính nhưng đó không phải yếu tố quyết định. Họ cần một môi trường để có thể cống hiến. Như vậy vấn đề là tạo môi trường để các nhà khoa học tự do cống hiến chứ không phải là ưu tiên mấy triệu".

Còn GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM đề nghị tách riêng 2 nhóm đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ ra và có tiêu chí rõ ràng hơn; phải đồng bộ về mặt chính sách, công việc, thu nhập gắn với hiệu quả công việc

"Không thể nào trong cùng cơ quan mà một người mới vào lĩnh 30 triệu/tháng, có cán bộ, công chức lĩnh 3,5 – 4 triệu/tháng sẽ gây ra sự không công bằng dù người mới rất giỏi. Tôi đề nghị chúng ta có sự đồng bộ về chính sách và cả điều kiện làm việc, gắn với hiệu quả công việc".

Hiện thành phố mới huy động được khoảng 300- 400 người trong tổng số 400 ngàn trí thức kiều bào; đa số trí thức Việt kiều bào khi về Việt Nam làm việc chủ yếu là làm cho doanh nghiệp, kế đến là đại học, hầu như không ai vào cơ quan quản lý nhà nước.

Vì thế TP. HCM cần phải thực tâm “trải thảm đỏ” mời gọi, cần gạt bỏ những thủ tục hành chính nặng nề được ví như “cây đinh đáng sợ bên dưới thảm đỏ”. Cần ưu tiên thu hút trí thức Việt kiều bằng những hỗ trợ về nhà ở, đi lại… Trong công việc cần đánh giá đúng thực chất.

GS.TS  Nguyễn Ngọc Giao nói: "Không nên phân biệt các nhà khoa học trong nước và Việt kiều. Phải đối xử như nhau, làm nhiều hưởng nhiều. Tất nhiên đối với trí thức nước ngoài, Việt kiều chúng ta có ưu tiên khác như nhà ở, đi lại nhưng thực ra đối xử trên tinh thần như nhau".

Nhiều ý kiến lại băn khoăn về các tiêu chuẩn, môi trường làm việc khi hết dự án thì đi về đâu vì đề án không tuyển biên chế.

Theo PGS.TS Đặng Văn Phan, Chủ tịch Hội địa lý thành phố, đề án này có vẻ như là “ăn sẵn” khi chỉ nhắm vào những nhân tài mà lại không nuôi dưỡng, ươn mầm... "Chúng ta làm gì để nuôi dưỡng người tài từ nhỏ đến lớn, bắt đầu xuất hiện tài năng chúng ta phải nuôi dưỡng. Chứ đợi đến khi lên tiến sỹ, giáo sư chúng ta mới "hái" mà ăn thua gì? Chúng ta phải chọn khi đang trong trường, có những người lao động có tài thì cần ươm mầm".

Về vấn đề này, GS.TS Võ Văn Tới, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM cho rằng Đại học quốc gia là mỏ nhân tài vì thế thành phố nên có chính sách để đào tạo từ sớm những tài năng.

Thành phố cũng nên thêm đề án khuyến khích người tài có ý tưởng phát triển thành phố.

Có đại biểu băn khoăn làm sao để những người cũ đang công tác không cảm thấy suy tư khi so sánh về mức đãi ngộ. Lãnh đạo Sở Nội vụ TP. HCM cho biết, qua các ý kiến đóng góp, đơn vị này sẽ ghi nhận và chỉnh sửa cho hợp lý. Trong đó có thể tách bạch rõ đối tượng là chuyên gia, nhà khoa học với lao động sáng tạo trẻ; những đề tài, công trình, dự án của thành phố, những người được và không được tuyển chọn sẽ được công khai, minh bạch, thủ tục hành chính sẽ tinh gọn, nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật của Trung ương, của thành phố, đúng theo Nghị quyết 54.

Tuyển chọn các chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ngành, các khu công nghệ cao được xem là giải pháp “đòn bẩy”, tạo “cú hích” để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, cải thiện năng lực làm việc và tinh thần lao động; tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và tạo bước đột phá trong công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là một bước quan trọng trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù của TPHCM.

Theo Hà Khánh - vov.vn - 06/03/2018

Link nguồn: https://vov.vn/tin-24h/de-an-thu-hut-nhan-tai-cua-tp-hcm-con-nhieu-diem-bat-hop-ly-736371.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đề án thu hút nhân tài của TP HCM: Còn nhiều điểm bất hợp lý

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc