top-banner-2

Thứ năm, 06/06/2013, 14:05 GMT+7

Nhà thầu Việt sẽ không còn bị thua trên sân nhà

Thứ năm, 06/06/2013, 14:05 GMT+7

Tại phiên họp Quốc hội chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, với những điểm sửa đổi mới trong Luật đấu thầu lần này sẽ khắc phục tình trạng nhà thầu Việt Nam thua trên sân nhà.

Chiều 5/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày trước Quốc hội tờ trình Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo đó, Dự thảo Luật lần này loại bỏ những nội dung chồng chéo liên quan đến hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; quy định các bộ, ngành sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn đặc thù để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch của chính sách nhà nước đối với công tác đấu thầu.

Đặc biệt, trong dự thảo cũng đưa ra nhiều yêu cầu ràng buộc các nhà thầu nước ngoài phải liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam khi tham gia đấu thầu tại Việt Nam. Cụ thể, yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.

Quy định nêu trên nhằm tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về việc ưu đãi nhà thầu và hàng hóa trong nước như ưu đãi trong đấu thầu quốc tế: đối với gói thầu đấu thầu quốc tế, nhà thầu và hàng hóa trong nước được hưởng ưu đãi trong các trường hợp sau, nhà thầu trong nước khi tham dự thầu quốc tế gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp;  nhà thầu liên danh khi có thành viên trong liên danh là nhà thầu trong nước đảm nhận công việc có giá trị trên 50% đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp; và nhà thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Dự thảo Luật bổ sung quy định về trường hợp áp dụng đấu thầu trong nước và đấu thầu quốc tế. Theo đó, đấu thầu trong nước được áp dụng đối với trường hợp: có nhà thầu trong nước đáp ứng yêu cầu của gói thầu (trừ trường hợp gói thầu ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ); hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được; và hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được nhưng thông dụng và được nhập khẩu, chào bán tại Việt Nam. Như vậy, với các quy định như nêu trên sẽ hạn chế được tối đa tình trạng “nhà thầu Việt Nam thua trên sân nhà”.

Ảnh minh họa

Song song, việc hoàn thiện chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, trong đó thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng duy trì tỷ trọng đầu tư công truyền thống ở mức hợp lý, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi, minh bạch nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng trên cơ sở cạnh tranh, từng bước nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính dẫn dắt của các hoạt động đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực và của nền kinh tế. Qua đó, từng bước loại bỏ tình trạng lợi dụng sơ hở một số quy định pháp luật để thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước.

Thẩm tra Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc ban hành Luật đấu thầu (sửa đổi) là cần thiết để thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, góp phần xử lý được mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý công tác đấu thầu.

Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng mặc dù Tờ trình của Chính phủ có nêu quan điểm về việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước cho phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có nội dung thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đồng thời bảo đảm tính độc lập, tự chủ của Việt Nam. Nhưng trong dự án Luật chưa thể hiện rõ nét các nội dung mới cơ bản, những sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được mục đích, quan điểm chỉ đạo này.

Đối với các hoạt động đấu thầu, một số ý kiến tán thành với tiêu chí xác định các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước nhưng đề nghị có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu trong trường hợp các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên. Có ý kiến lại đề nghị không quy định tiêu chí xác định quy mô vốn nhà nước trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền vì không bảo đảm được tính ổn định của Luật, quy định này sẽ lạc hậu sau một thời gian ngắn.

Theo VnMedia


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhà thầu Việt sẽ không còn bị thua trên sân nhà

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc